Thừa cung và thua lỗ

Theo VAFI, việc các nhà quản lý tại các doanh nghiệp xi măng, các tổng công ty nhà nước, các địa phương “hăng hái” với các dự án đầu tư nhà máy xi măng mới, mà ít tính chặt chẽ nhu cầu khiến ngành xi măng trong nước thua lỗ.

Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, công suất ngành xi măng dư thừa khoảng 20 triệu tấn dẫn đến sản lượng tiêu thụ giảm đi và giá bán giảm.

Bên cạnh đó, lạm phát, của biến động tỷ giá cũng khiến suất đầu tư cho 1 nhà máy xi măng tăng rất cao so với khả năng tài chính của từng doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp xi măng có số nợ ngân hàng thường cao gấp 4-6 lần vốn tự có của doanh nghiệp.

Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) cũng đang ở tình trạng ốm yếu do nhiều đơn vị thành viên đầu tư thêm nhiều dây chuyền sản xuất xi măng lớn trong những năm qua, tổng nợ đối với Vicem gấp khoảng 4 lần tổng vốn chủ sở hữu

Hơn nữa, với năng lực quản trị kinh doanh kém, nhất là khối doanh nghiệp nhà nước khiến ngành xi măng trong nước càng ngày càng lún sâu vào thua lỗ và nợ nần.

M&A: Cứu cánh cho ngành xi măng

Do quản trị kém, nợ nhiều, nên nhiều doanh nghiệp xi măng lâm vào tình cảnh phá sản, buộc phải bán cho nhà đầu tư chiến lược.

Ngay cả những nhà máy sản xuất xi măng thuộc tập đoàn tư nhân lớn, như nhà máy xi măng Hòa Phát do hiệu quả kinh doanh thấp, nên cũng bị công ty mẹ thoái vốn.

Theo VAFI, việc thu hút nhà đầu tư FDI đã mang lại những lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp xi măng Việt Nam.

Điển hình Dự án xi măng Thăng Long thu hút được khoảng gần 5000 tỷ đồng, Dự án xi măng Cẩm Phả dự kiến thu hút trên 3000 tỷ đồng vốn FDI. Nhờ vậy, các chủ đầu tư có thể cơ cấu vốn và thoát khỏi gánh nặng nợ khổng lồ, điều đó cũng đồng nghĩa xử lý khoảng 1 tỷ USD nợ xấu không chỉ trong lĩnh vực sản xuất xi măng mà các mảng kinh doanh khác của 2 chủ đầu tư trong nước;

Không chỉ có vậy, việc thu hút FDI còn giúp trình độ quản trị doanh nghiệp được nâng lên. Đồng thời, nhờ nhà đầu tư FDI, các doanh nghiệp đó còn có thể mở thêm được thị trường cho xuất khẩu xi măng, giảm bớt tình trạng cạnh tranh gay gắt đối với thị trường trong nước.

Đặc biệt, nhờ xuất khẩu qua kênh FDI vào nước của doanh nghiệp FDI ít bị kiện chống phá giá hơn so với doanh nghiệp trong nước.

Để thu hút FDI, VAFI cho rằng, VICEM cũng cần nỗ lực tái cơ cấu tình hình tài chính tại các đơn vị thành viên. Cụ thể: Đẩy mạnh cổ phần hóa các đơn vị thành viên và với chính VICEM; Với các đơn vị gặp khó khăn về tài chính, thì không nên cố giữ cổ phần chi phối, mà mục tiêu ưu tiên là phải cứu doanh nghiệp, đồng thời sẽ cứu được ngành xi măng thông qua M & A với FDI.

Còn đối với các doanh nghiệp niêm yết thuộc lĩnh vực kinh doanh không nhạy cảm, Nhà nước cần có chính sách không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (như khối doanh nghiệp chưa niêm yết) nhằm dễ dàng thu hút được nhà đầu tư FDI;

Riêng đối với các doanh nghiệp xi măng đang niêm yết, VAFI đề xuất,việc xúc tiến thu hút nhà đầu tư FDI. Trong trường hợp vướng room thì nên tự nguyện hủy niêm yết để thực hiện.

“Điều đó chỉ có lợi cho cổ đông và cho nền kinh tế!”, VAFI khuyến cáo ./.

An Nhi