Đánh giá rằng, quan hệ đầu tư và thương mại giữa hai nước Việt Nam – Pháp chưa xứng đáng với tiềm năng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Ngoại thương Pháp Nicole Bricq cùng đại diện các cơ quan trung ương của hai nước đã cùng nhau bàn bạc và thống nhất nhiều vấn đề mang tính định hướng quan trọng để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

Kỳ họp lần thứ nhất đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế Việt Nam – Pháp vừa kết thúc đã cho thấy, sự nỗ lực để nâng tâm quan hệ đối tác chiến lược của hai quốc gia.

Quan hệ đầu tư-thương mại chưa xứng với tiềm năng

Bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, quan hệ thương mại Việt Nam - Pháp vẫn có những phát triển vượt bậc trong 3 năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp liên tục tăng mạnh ở mức trên 30%/năm trong các năm 2010-2012, trong khi nhập khẩu của Việt Nam từ Pháp cũng tăng trưởng rất tốt thời gian này. Vì vậy, nếu như năm 2009, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương mới ở mức 1,67 tỷ USD thì hết năm 2012, con số này đã đạt 3,75 tỷ USD.

Về phương diện đầu tư, Pháp là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam. Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, đến quý I/2013, Pháp đứng vị trí thứ 16 trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với 383 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư là 3,1 tỷ USD.

Các lĩnh vực Pháp quan tâm và đầu tư tại Việt Nam gồm: thông tin và truyền thông (22%); sản xuất và phân phối điện, gas và nước (17%); công nghiệp chế biến (13%); nông nghiệp (6%); khách sạn và nhà hàng (6%); xây dựng (5%), các dịch vụ khác(19%).

Tuy nhiên, cả Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Ngoại thương Pháp Nicole Bricq đều nhận định rằng, những kết quả trên chưa xứng tầm với mối quan hệ chính trị lâu bền giữa hai nước. Chính vì thế, việc tổ chức những phiên đối thoại cấp cao thường niên như thế này sẽ giúp khai thông những vướng mắc, đưa ra những giải pháp ưu tiên nhằm tạo sức bật mới cho hợp tác Việt – Pháp.

Các năm 2013-2014, các năm chéo Việt Nam - Pháp nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, sẽ được xem như các năm bản lề với một loạt các hoạt động của cả hai bên, hướng đến nâng tầm quan hệ Việt Nam - Pháp thành đối tác chiến lược.

Bộ trưởng Vinh cũng cho biết, đây là kỳ họp đầu tiên, đổi mới không chỉ về mặt hình thức mà cả nội dung, nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước. Các phiên họp sẽ mang các vấn đề vướng mắc ra để thảo luận thẳng thắn nhằm giải quyết các vướng mắc cho các dự án cụ thể; đồng thời, đưa ra những nội hàm mới trên cơ sở khai thác những lợi thế của hai bên, nâng tầm quan hệ kinh tế tương thích với quan hệ chính trị.

Bộ trưởng đánh giá, hiện tại có nhiều lợi thế của Pháp chưa được khai thác trong quan hệ giữa hai nước.

Các sản phẩm của Pháp có giá trị gia tăng cao, đặc biệt trong quy hoạch đô thị, và có được chứng minh tronưg thực tế hàng trăm năm nay tại Việt Nam. Bên cạnh dự án Phú Mỹ 2, những dự án phát triển nông nghiệp, du lịch của Pháp cũng có giá trị gia tăng, cùng trình độ khoa học công nghệ cao tại từng dự án.

Vì thế, Bộ trưởng Vinh cho biết, hai nội dung cần hội đàm cấp chính phủ trong thời gian tới là trao đổi, học tập kinh nghiệm triển khai cấp chính quyền cấp vùng, cũng như khả năng quy hoạch và quản lý đô thị của Pháp; đồng thời kêu gọi những tập đoàn lớn của Pháp đến Việt Nam đầu tư.

Về định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam từ đối tác Pháp, Bộ trưởng Vinh cho biết, Việt Nam sẽ thu hút các dự án công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ nguồn, công nghệ thân thiện với môi trường, đây là thế mạnh của Pháp.

Pháp sẽ ưu tiên hỗ trợ cho Việt Nam

Tại kỳ họp, Bộ trưởng Bricq khẳng định với Bộ trưởng Vinh, đồng ý về nguyên tắc bổ sung thêm vốn tài trợ của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Tổng vụ kho bạc Pháp cho dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3 tại Hà Nội, dự án tiêu biểu nhất cho quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Bộ trưởng Ngoại thương Pháp cũng cho biết, hoàn toàn ủng hộ việc Pháp viện trợ trở lại cho lĩnh vực y tế của Việt Nam, mà dự án đầu tiên là dự án hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho bệnh viện đa khoa Cần Thơ.

Tại phiên họp toàn thể, hai Bộ trưởng đã khởi động các cuộc thảo luận và lắng nghe các chuyên gia về ba chủ đề có khả năng mở ra các cơ hội hợp tác chuyên sâu nhằm tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước: tăng cường quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của chỉ dẫn địa lý; lợi ích khi áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế cho dự án quy mô lớn; các giải pháp sáng tạo trong công tác quản lý và tài chính đối với các dự án hạ tầng trong đó có mô hình hợp tác công tư (PPP).

Vấn đề áp dụng tiêu chuẩn quốc tế đối với các dự án hạ tầng lớn cũng được đề cập tại kỳ họp lần này. Nhấn mạnh sự cần thiết, cũng như hiệu quả và khả năng ứng dụng phù hợp của bộ tiêu chuẩn Euro Code đối với các điều kiện các dự án hạ tầng lớn ở Việt Nam, Bộ trưởng Vinh cho rằng, cần thành lập một cơ quan chung giữa hai nước để có thể nâng cao chất lượng dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam. Có dự án hỗ trợ chuyển đổi bộ Euro Code sang tiếng Việt và được Việt hóa phù hợp với Việt Nam.

Tại kỳ họp cũng chứng kiến nhiều thỏa ước hỗ trợ của Pháp đối với Việt Nam. Cụ thể, hai Bộ trưởng cũng tiến hành Lễ ký Thỏa ước tài trợ bổ sung vốn Quỹ Tăng cường năng lực thương mại (PRCC). Theo nội dung Thỏa ước được ký kết, chương trình Hỗ trợ đối tác công - tư (PPP) sẽ bao gồm khoản vay 8 triệu Euro và khoản viện trợ không hoàn lại 600.000 Euro dành cho việc hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì triển khai thí điểm đầu tư theo hịnh thức đối tác công – tư. Dự án sẽ được triển khai từ giữa Quý II/2013 tới năm 2018, cho phép tài trợ hơn 20 nghiên cứu khả thi, qua đó xác định một số dự án đầu tư lớn có ý nghĩa quyết định với giá ước tính nhiều trăm triệu Euro.

Chương trình cải thiện nguồn nước trong lưu vực sông Đồng Nai với trị giá các khoản vay 50 triệu Euro. AFD sẽ đồng tài trợ với ADB xây dựng đập nước Phước Hòa 18,5 triệu m3 và kênh chuyển nước từ sông Bé tới Hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), cung cấp nước tưới cho Long An và Tây Ninh và hỗ trợ tăng công suất cấp nước sạch cho TP. Hồ Chí Minh, đồng thời kiểm soát nước mặn tại sông Sài Gòn và quản lý tình trạng ngập úng tại lưu vực sông Đồng Nai – Sài Gòn.

Theo thỏa ước này, tổng các khoản viện trợ không hoàn lại là 5 triệu Euro từ Quỹ do AFD – Cơ quan Phát triển Pháp và Bộ Tài chính Pháp.

Phương Anh