Sáng 27/3, tại Hà Nội, Hội nghị Tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đã diễn ra. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự và có nhiều chỉ đạo quan trọng tại Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

25 năm thu hút được 14.550 dự án

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau 25 năm từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài, tính đến hết tháng 2/2013 Việt Nam đã thu hút được 14.550 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt gần 211 tỷ USD, vốn thực hiện đạt gần 100 tỷ USD.

Khẳng định khu vực đầu tư nước ngoài đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội, Thứ trưởng Đào Quang Thu chỉ rõ: ĐTNN đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp vào GDP tăng dần theo từng năm và đã đạt khoảng 19% vào năm 2011; ĐTNN đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế (hiện chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội), khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước; gia tăng kim ngạch xuất khẩu (chiếm khoảng 64% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012), góp phần mở rộng thị trường quốc tế, bên cạnh thị trường truyền thống, thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng tăng dần tỷ trọng hàng chế biến; đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách (14,2 tỷ USD trong giai đoạn 20101-2010, riêng năm 2012 đóng góp khoảng 3,7 tỷ USD).

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu khai mạc Hội nghị

Bên cạnh đó, ĐTNN đã có tác động tích cực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành trong nền kinh tế cũng như cơ cấu nội bộ từng ngành theo hướng CNH-HĐH. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, tốc độ tăng trưởng của khu vực ĐTNN bình quân đạt 18%/năm, cao hơn tốc độ tăng chung toàn ngành. Trong khu vực nông-lâm-ngư nghiệp, ĐTNN đã góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu và tiếp thu một số công nghệ tiên tiến, giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất chất lượng cao.

Trong dịch vụ, ĐTNN đã tạo nên một số ngành dịch vụ chất lượng cao như viễn thông, du lịch quốc tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, vận tải biển, logistic...

ĐTNN cũng góp phần thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ cả về máy móc thiết bị, tri thức và kinh nghiệm quản lý, từ đó có ảnh hưởng nhất định trong việc cỉa thiện trình độ công nghệ trong nước. ĐTNN cũng có tác động lan tỏa, tạo sức ép cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất các khu vực khác của nền kinh tế.

Hiện nay, khu vực ĐTNN đã tạo ra trên 2 triệu lao động trực tiếp và khoảng 3-4 triệu động gián tiếp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động.

ĐTNN cũng góp phần trong việc hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp; thúc đẩy quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước; đổi mới thủ tục hành chính và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; xây dựng và hoàn thiện đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về ĐTNN.

Song, vẫn còn nhiều hạn chế

Bên cạnh những thành tựu nêu trên, Thứ trưởng Đào Quang Thu cũng chỉ ra hạn chế trong thu hút FDI 25 năm qua. Cụ thể là:

(1) Hiệu quả tổng thể nguồn vốn FDI chưa cao, giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam và khả năng tham gia chuỗi giá trị thấp, định hướng thu hút FDI theo ngành, đối tác còn hạn chế;

(2) Mục tiêu thu hút công nghệ (công nghệ cao và công nghệ nguồn), chuyển giao công nghệ chưa đạt yêu cầu;

(3) Hiệu ứng lan tỏa của khu vực FDI sang khu vực khác của nền kinh tế còn hạn chế;

(4) Một số dự án chất lượng chưa cao, quy mô bình quân dự án nhỏ, tỷ lệ giải ngân thấp so với yêu cầu;

(5) Đời sống người lao động chưa cao, tranh chấp và đình công có xu hướng gia tăng, có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế.

Nguyên nhân gây ra những hạn chế nêu trên, theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Đào Quang Thu là do: (i) Điều kiện kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và sự phát triển của doannh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu của ĐTNN; (ii) Hệ thống luật pháp, chính sách và thủ tục đầu tư chưa đồng bộ, chưa thực sự minh bạch, thiếu nhất quán và hay thay đổi; (iii) Công tác quản lý nhà nước về ĐTNN còn nhiều bất cập.

Nhìn rõ và nhận thức đúng vai trò cũng như hạn chế của FDI, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: “ĐTNN rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế nước ta. 25 năm qua, chúng ta rút ra nhiều bài học vô cùng quan trọng. Việt Nam cần có sự chuyển đổi mạnh hơn, tạo ra sự cạnh tranh mạnh hơn; tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn đang là nhu cầu cấp bách”.

FDI là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế

Khẳng định rằng, Chính phủ Việt Namxác định ĐTNN tiếp tục là nguồn lực quan trọng trong công cuộc phát triển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong giai đoạn tới cần tập trung vào định hướng chủ yếu sau:

Một là, việc thu hút ĐTNN phải được quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, đối tác phù hợp với lợi thế của từng vùng, từng ngành để phát huy hiệu quả đầu tư của từng địa phương, từng vùng và phù hợp tổng thể lợi ích quốc gia.

Hai là, thu hút ĐTNN phải theo hướng có chọn lọc, chỉ thu hút những dự án có chất lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, tăng cường sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước, phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế.

Ba là, đa dạng hoá hình thức đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển kết cấu hạ tầng, cả kinh tế và xã hội.

Bốn là, tăng cường hơn nữa nỗ lực, công tác chuẩn bị để thu hút được các dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới, làm tiền đề cho xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước. Đồng thời, vẫn chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ có tác động tích cực đến kinh tế - xã hội của Việt Nam

Năm là, chuyển dần thu hút ĐTNN hướng vào đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực có kỹ năng, có tay nghề cao.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Với những định hướng đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt và thực hiện 10 nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư, kinh doanh; sửa đổi ngay các nội dung không còn phù hợp, không đồng bộ, thiếu nhất quán, còn bất cập, chưa rõ; bổ sung các nội dung còn thiếu. Đặc biệt, chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư phải được xây dựng theo hướng thuận lợi và có tính cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực.

Thứ hai, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; lựa chọn các dự án tiềm năng hấp dẫn, có tính khả thi cao theo các lĩnh vực ưu tiên để đưa vào danh mục dự án PPP, bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư đối ứng cho các dự án PPP kêu gọi nhà ĐTNN. Có chính sách ưu đãi đủ sức hấp dẫn đối với một số dự án hạ tầng kinh tế - xã hội có quy mô lớn, có tính lan toả và tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, tăng cường và có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Hoàn thiện các quy định của pháp luật để tăng cường quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có tính đến các trường hợp đặc thù và đảm bảo quản lý hiệu quả lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao theo hướng điều chỉnh và cụ thể hóa tiêu chí công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, có tính đến nhóm các dự án công nghệ cao có mức doanh thu hàng năm lớn và sử dụng nhiều lao động chất lượng cao.

Thứ năm, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng tập trung vào một số ngành, sản phẩm trọng điểm. Cụ thể hóa các tiêu chí xác định ngành, sản phẩm được hưởng ưu đãi theo diện công nghiệp hỗ trợ. nâng mức ưu đãi đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; trong đó, đặc biệt ưu đãi cao hơn cho các doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi dự án sản xuất sản phẩm lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ so với các dự án đơn lẻ.

Thứ sáu, công bố rộng rãi các quy hoạch đã được phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thông tin về quy hoạch để xây dựng kế hoạch đầu tư. Tập trung hoàn thiện thể chế về quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng của các quy hoạch được phê duyệt và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch phục vụ đầu tư phát triển. Tăng cường gắn kết giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội theo hướng ưu tiên quỹ đất để thực hiện dự án có trong quy hoạch đã được phê duyệt.

Thứ bảy, quy định tiêu chuẩn môi trường và giới hạn ô nhiễm môi trường. Ban hành hạn ngạch ô nhiễm, quy định lượng phát thải đối với doanh nghiệp; yêu cầu doanh nghiệp phải đăng công khai về một số thông tin liên quan (loại chất thải, lượng thải, điểm thải, tiêu chuẩn môi trường,...).

Thứ tám, hoạt động xúc tiến đầu tư cần gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quốc gia; có sự điều phối thống nhất trong cả nước, được thực hiện theo kế hoạch và theo định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, tránh chồng chéo và sử dụng kém hiệu quả nguồn lực của quốc gia.

Có chính sách vận động, thu hút đầu tư đặc thù đối với các dự án có quy mô lớn, có tính lan toả và tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng tới đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia và các đối tác trọng điểm (EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc...).

Tập trung hỗ trợ các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư để các dự án này triển khai hoạt động thuận lợi và có hiệu quả, đây là hình thức xúc tiến đầu tư tại chỗ rất hữu ích.

Thứ chín, chấn chỉnh công tác cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo hướng: Đối với các dự án có quy mô lớn, có tác động xã hội, ngoài nội dung thẩm tra theo quy định chung của pháp luật, các cơ quan cấp GCNĐT phải xem xét, đánh giá dự án đáp ứng các yêu cầu về năng lực tài chính của nhà đầu tư (bao gồm cả việc quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ triển khai dự án của chủ đầu tư). Đối với các dự án ĐTNN khai thác khoáng sản, việc chọn nhà đầu tư phải gắn khai thác với chế biến sâu, tạo ra giá trị gia tăng cao bằng công nghệ, thiết bị hiện đại và hệ thống xử lý môi trường để sử dụng nguồn tài nguyên có hiệu quả. Đối với một số địa bàn, khu vực có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, cần lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài phù hợp để đảm bảo hài hòa lợi ích về kinh tế và an ninh quốc phòng.

Thứ mười, tăng cường trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong quản lý sau cấp phép. Tập trung hỗ trợ các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương tăng tính chủ động trong khâu thực thi (là một trong những vấn đề bất cập, hạn chế lớn nhất, cản trở hiệu quả của nguồn vốn ĐTNN) phát huy hơn nữa vai trò của thành phần kinh tế có vốn ĐTNN trong sự phát triển kinh tế đất nước thời gian tới./.

Phương Anh