Việt Nam được nhiều nhà đầu tư đánh giá là có môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn. Là doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư tại Việt Nam được 6 năm, ông đánh giá thế nào về môi trường đầu tư ở Việt Nam?

Tôi nhận thấy, Việt Nam là một quốc gia có tình hình chính trị, an ninh rất ổn định, người lao động có tố chất thông minh, cần cù, chịu khó và rất thân thiện. Nguồn lao động dồi dào và chi phí nhân công thấp so với các nước phát triển… Môi trường đầu tư có nhiều thuận lợi và hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, Chính phủ và các địa phương có các chính sách thu hút đầu tư rất tốt, như: giúp giải phóng mặt bằng, ưu đãi về tiền thuê đất, ưu đãi thuế…

Tuy vậy, nhược điểm lớn trong thu hút đầu tư của các bạn là chính sách rất hay thay đổi. Điều này không tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể như với trường hợp của công ty R.K chúng tôi, từ khi bước chân vào Việt Nam đầu tư đến nay, trong sáu năm hoạt động, thì mức thuế suất xuất khẩu đá khối thay đổi và tăng lên nhiều lần. Năm 2009, mức thuế suất này tăng lên 2 lần, từ mức 0% đến 7% và sau đó là 12%. Năm 2012 tăng lên 17%, và trong năm nay mức thuế này tăng lên 25%. Thuế suất liên tục tăng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp ngày càng khó khăn cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, ngay đến các ưu đãi đầu tư của chúng tôi đã được cam kết trong giấy phép đầu tư cũng không được giữ nguyên khi chính sách thay đổi. Điều này khiến cho nhà đầu tư nước ngoài như chúng tôi không có nhiều niềm tin vào các ưu đãi của Chính phủ Việt Nam.

Bên cạnh đó, vấn đề về kết cấu hạ tầng yếu kém cộng với trình độ lao động thấp cũng khiến sức hút của đầu tư Việt Nam giảm sút. Hoạt động đầu tư của chúng tôi đòi hỏi phải vận chuyển máy móc thiết bị và quá trình tiêu thụ sản phẩm… phải sử dụng các loại xe siêu trường siêu trọng. Vì đầu tư tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, đường sá, giao thông hết sức khó khăn và ở cách rất xa các cảng biển, cảng hàng không, nên chi phí cho vận tải lớn, quá trình vận tải hàng hoá gặp nhiều rủi ro.

Đặc biệt, việc nguồn nhân lực không có trình độ, và người lao động địa phương không có thói quen làm việc trong môi trường công nghiệp cũng gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp FDI đầu tư trên địa bàn vùng sâu vùng xa khi tuyển dụng nhân viên. Để khắc phục vấn đề này công ty chúng tôi đã phải có các bước đào tạo người địa phương từ chuyên môn đến ngoại ngữ để đáp ứng được công việc.

Đó là chưa kể tới việc nhiều thủ tục hành chính còn rườm rà mất nhiều thời gian cũng đang là những điểm trừ lớn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài như chúng tôi.

Công ty TNHH đá cẩm thạch R.K Việt Nam đầu tư công nghệ vào sản xuất, chế biến đá hoa trắng tại huyện Lục Yên.

Việt Nam cũng đang sửa đổi các chính sách và ưu đãi để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch, ý kiến của ông về vấn đề này? Ông có cho rằng những sửa đổi này đóng vai trò quan trọng trong công việc kinh doanh của công ty?

Theo quan điểm của chúng tôi, Việt Nam nên khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao, hoặc các lĩnh vực mà các nhà đầu tư Việt Nam chưa thể làm được. Tránh cho phép đầu tư một cách ồ ạt, dàn trải vào nhiều lĩnh vực không mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế, thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường.

Cụ thể như trong lĩnh vự khai thác của đá của công ty chúng tôi. Tôi có thể khẳng định công nghệ và quy mô khai thác của chúng tôi hiện Việt Nam chưa có nhà đầu tư nào làm được.

Chúng tôi đã mang tới Việt Nam công nghệ khai thác và chế biến hiện đại của Ấn Độ và châu Âu cho ngành công nghiệp khai thác và chế biến đá hoa trắng. Trong quá trình khai thác chúng tôi luôn tìm mọi biện pháp để tận dụng tối đa tài nguyên, tránh lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên, quan tâm đến bảo vệ môi trường. An toàn lao động, nâng cao đời sống cho người lao động luôn được ưu tiên hàng đầu, phát triển doanh nghiệp đồng thời tăng đóng góp cho ngân sách địa phương, cho xã hội là những mục tiêu của công ty chúng tôi.

Đến nay, công ty đã tạo công ăn việc làm cho gần 400 lao động địa phương chủ yếu là người dân tộc thiểu số với thu nhập bình quân 4triệu đồng/tháng. Hàng năm, R.K cũng đã đóng góp vào ngân sách địa phương và Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Riêng trong năm 2012, công ty đã nộp ngân sách nhà nước khoảng 30 tỷ đồng.

Hơn nữa, hoạt động đầu tư của chúng tôi còn kéo theo sự phát triển của hàng loạt các dịch vụ, ngành nghề sản xuất thương mại khác trên điạ bàn, như: dịch vụ vận tải, đóng gói, cung cấp vật tư…

Với những đóng góp trực tiếp và gián tiếp trên công ty chúng tôi đang ngày một góp phấn đáng kể vào việc thay đổi cuộc sống của người dân địa phương cũng như góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Công ty R.K đã có kế hoạch kinh doanh gì mới trong chiến lược phát triển năm 2013 tại Việt Nam, thưa ông?

Trong bối cảnh tình hình khó khăn hiện nay, chúng tôi cũng không quá lạc quan và hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong năm 2013. Vì thế, chúng tôi dự định sẽ hoàn thiện nốt một số công việc đầu tư xây dựng hiện đang còn dở dang và tập trung cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất cũng như việc phát triển và mở rộng thị trường.

Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam là công ty con của Tập đoàn R.K Marble Ấn Độ, một Tập đoàn có uy tín lớn tại thị trường Ấn Độ và trên thế giới. Công ty được cấp phép đầu tư cho dự án khai thác và chế biến đá hoa trắng tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Hiện nay, công ty đã đầu tư với số vốn đạt trên 300 tỷ VND cho hoạt động khai thác mỏ và chế biến đá hoa trắng với quy mô, công suất, công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất Việt Nam.

Liên Trang (thực hiện)