Ngày 20/09/2018, Văn phòng Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đã ký văn kiện Khung Đối tác thể hiện mong muốn hợp tác nhằm hiện đại hóa và tăng cường hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong công tác điều hành của Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự sự kiện này và chứng kiến lễ ký giữa Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione.

Lễ ký giữa Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione.

Mục tiêu của Thỏa thuận khung Hợp tác này là hỗ trợ Văn phòng Chính phủ tăng cường các cơ chế thực hiện cải cách thủ tục hành chinh và chính phủ điện tử, là những lĩnh vực chiến lược trọng tâm đã được xác định trong Báo cáo Việt Nam 2035.

Phát biểu tại buổi ký kết, ông Ousmane Dione cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực đẩy mạnh công tác hoàn thiện thủ tục hành chính, giảm quan liêu, cải thiện môi trường kinh doanh trong mấy năm qua. Những bước đi này đã đem lại những tác động tích cực về cải thiện môi trường kinh doanh, và đã được thế giới công nhận với việc Việt Nam nâng cao thứ hạng về chỉ số Môi trường kinh doanh và logistics năm 2018 của Ngân hàng Thế giới.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn có thể làm nhiều hơn nữa để khai thác các tiềm năng cho tăng trưởng kinh tế. Và cải cách là một trong giải pháp đó.

“Đã đến lúc Việt Nam đồng bộ hóa nền hành chính của mình với những mô hình tốt nhất. Chúng ta phải đặt ra những mục tiêu cao và đó là điều mà chúng ta có thể làm được và đạt được kết quả. Với sự lãnh đạo sáng suốt và cam kết mạnh của Chính phủ, sự hội tụ của năng lực chuyên môn trong nước và yêu cầu ứng dụng công nghệ số, tái cấu trúc các quy trình của Chính phủ là một đòi hỏi cấp thiết để bắt kịp “con tàu” Cách mạng Công nghiệp 4.0”, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.

Ngân hàng Thế giới và Văn phòng Chính phủ đã phối hợp soạn thảo thỏa thuận khung về hợp tác chiến lược giữa hai bên để bảo đảm các ưu tiên cải cách của Chính phủ về hoàn thiện các thủ tục, quy trình chính phủ điện tử đạt được kết quả đề ra.

Các lĩnh vực ưu tiên cải cách gồm có việc triển khai hệ thống Chính phủ điện tử e-Cabinet – hướng tới tổ chức các cuộc họp chính phủ không dùng giấy tờ, thiết lập cổng Thông tin Quốc gia về dịch vụ điện tử, bảo đảm khả năng liên thông giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Chính phủ.

“Đổi mới thủ tục hành chính và triển khai chính phủ điện tử sẽ giúp nâng cao hiệu quả chính phủ, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.” ông Ousmane Dione nói. “Ngân hàng Thế giới cam kết hỗ trợ Văn phòng Chính phủ về mặt kỹ thuật, huy động thêm các nguồn lực khác, và tận dụng kinh nghiệm của chính chúng tôi trong quá trình giúp các nước khác thực hiện đổi mới thể chế, và xây dựng chính phủ điện tử hướng tới một nền kinh tế số.”

Hai bên đã cam kết chia sẻ kiến thức, ý tưởng, bài học kinh nghiệm, và cùng thực hiện nghiên cứu, đánh giá và các hoạt động khác mà hai bên cùng quan tâm nhằm thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Hai bên cũng sẽ thu hút sự tham gia và hợp tác cùng các bên liên quan khác.

Trong quá trình thực hiện Khung Đối tác vừa ký hai bên sẽ huy động nguồn lực về con người, tài chính và sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế và trong nước trong từng lĩnh vực liên quan đến chính phủ điện tử, nội các điện tử, lấy ý kiến điện tử và dịch vụ điện tử.

Khung Đối tác này được hỗ trợ bởi Đối tác Chiến lược giữa Chính phủ Úc và Ngân hàng Thế giới. Chính phủ Ốtxtrâylia và Ngân hàng Thế giới cùng bày tỏ sự vui mừng được hỗ trợ Văn phòng Chính phủ và Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển và thực hiện nghị quyết về chính phủ điện tử trong giai đoạn 2018-2020 và tới 2025./.