Cụ thể: liên quan đến việc một cán bộ của Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đánh giá tỷ lệ chất lượng dự án Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi chỉ đạt 6/10, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, việc xác định chất lượng công trình có bộ tiêu chuẩn riêng để xác định. Còn những đánh giá định tính thì không có cơ sở.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông trả lời phóng viên báo chí

“Còn trong quá trình thi công đều tuân theo tiêu chuẩn kỹ thuật, từ nguyên liệu đầu vào, rồi xác suất, sau đó so sánh với yêu cầu thiết kế. Đây là kết quả trong quá trình giám sát thi công, không do cá nhân nào phát biểu”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về việc trong gói thầu A5 của dự án, Thanh tra phát hiện POSCO đã chuyển cho 18 nhà thầu khác, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong các quy định của hợp đồng vay vốn, theo quy định của Hiệp hội Kỹ sư Quốc tế đều có việc nhà thầu chính có thể có các nhà thầu phụ, nhà thầu phụ được xác định ngay từ trong quá trình bỏ thầu của nhà thầu chính và trong quá trình thi công các hạng mục. Công việc giao cho nhà thầu phụ nhưng trách nhiệm vẫn thuộc về nhà thầu chính.

Có bao nhiêu nhà thầu tuỳ vào các hạng mục công trình. Nhà thầu chính không được thoái thác trách nhiệm trong quá trình thi công cho đến khi hoàn thành công trình, đảm bảo chất lượng cũng như bảo hành. Việc “bán thầu” là không có cơ sở vì các nhà thầu phụ này đều có hợp đồng thầu phụ và được chấp thuận bởi chủ đầu tư trên cơ sở có cả sự xem xét của Tư vấn giám sát. Đây là việc làm bình thường của các nhà thầu quốc tế trúng thầu các gói thầu của các dự án nói chung và của các dự án ODA nói riêng.

Về việc Hội đồng thành viên của VEC đã báo cáo việc xử lý trách nhiệm cá nhân hay chưa, Thứ trưởng Đông cho biết, đối với những khiếm khuyết của Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có trách nhiệm của cơ quan chủ quản và chủ đầu tư dự án. Cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện việc khắc phục kịp thời và kiểm điểm trách nhiệm cá nhân của VEC và cả các cơ quan bên dưới, như: Tư vấn giám sát, nhà thầu thực hiện…

“Về phía Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát, xem xét nhưng ngày 29/9/2018 có Nghị định 131 về việc chuyển VEC về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Trong giai đoạn giao thời này, của Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp tục phối hợp với Uỷ ban để xử lý việc này”, Thứ trưởng Đông nói.

Về trách nhiệm của Cục Quản lý xây dựng đối với dự án này, Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ quản và VEC là chủ đầu tư. Với trách nhiệm cơ quan chủ quản, Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông quản lý về tiến độ, chất lượng chung của các dự án kết cấu hạ tầng giao thông như: đôn đốc chung về tiến độ, tham mưu cho Bộ về quản lý chất lượng, phát hiện các vấn đề, chỉ định các đơn vị kiểm định, theo dõi kiểm tra thực hiện, theo dõi việc tuân thủ các quy định về chất lượng, về quy định hợp đồng…

“Chúng tôi đã chỉ đạo Cục Quản lý xây dựng kiểm điểm trách nhiệm về việc này và sẽ có công bố sau”, ông Trần Ngọc Đông thông tin tới báo chí./.