Sân bay Long Thành là một trong những dự án lớn, có vốn được giao rất lớn, nhưng tiến độ giải ngân rất chậm

Tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu chính phủ và ODA thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là do năm 2019 phải thực hiện đồng thời với thủ tục điều chỉnh kế hoạch trung hạn, điều chỉnh hiệp định, nhiều dự án chưa kịp điều chỉnh để đi vào thực hiện, nhiều dự án trái phiếu chính phủ vào chu kỳ cuối, kết thúc thực hiện và giải ngân.

Điều đáng lưu ý là các dự án trái phiếu chính phủ quy mô lớn, như: Dự án đường Cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án hạ tầng giao thông... chiếm tới gần 50% tổng số vốn trái phiếu chính phủ của kế hoạch năm 2019, nhưng tiến độ giải ngân rất chậm, nên đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

Cụ thể, Dự án Cao tốc Bắc - Nam kế hoạch năm 2019 đã bố trí 7.062,096 tỷ đồng, đến hết tháng 8/2019, mới giải ngân được 401,5 tỷ đồng; Dự án hỗ trợ đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành Kế hoạch năm 2018, 2019 đã bố trí 11.490 tỷ đồng, giải ngân đến nay mới đạt khoảng 300 tỷ đồng.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua từ 2015, gồm 3 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư 16 tỷ USD, tương đương hơn 336 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư là hơn 5,4 tỷ USD.

Theo kế hoạch, năm 2020 dự án sẽ bắt đầu xây dựng các hạng mục đầu tiên, thế nhưng đến nay mới chỉ ở giai đoạn ký hợp đồng với tư vấn về việc thực hiện gói thầu tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1.

Trước đó, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 22/5, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, toàn bộ hồ sơ mời thầu, xét thầu, chấm thầu, tổ chức công bố giải phải theo trình tự, không thể làm khác được, mất rất nhiều thời gian.

“Khi có được phương án kiến trúc nhà ga, chúng tôi mới có thể thực hiện đấu thầu quốc tế, xét thầu, công bố trúng thầu… Những công việc này mất hơn 1 năm. Như vậy, chỉ thi kiến trúc và lập dự án mất gần 2 năm”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho hay.

Cũng theo quy trình, đến tháng 10 tới, Bộ Giao thông vận tải mới báo cáo Quốc hội dự án sân bay Long Thành. Sau khi Quốc hội đồng ý, Chính phủ mới phê duyệt dự án. Sau đó mới đến khâu quyết định giao đơn vị nào lập dự án đầu tư. Nhà đầu tư được chọn sau đó sẽ tiến hành mời thầu và lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán. Mất khoảng 6 - 9 tháng nữa mới có hồ sơ phê duyệt.

“Từ đó mới đấu thầu xây lắp, mới biết được ai làm cái gì. Điều này cũng đồng nghĩa với việc từ ngày Quốc hội cho chủ trương bố trí vốn làm sân bay Long Thành, qua hết các khâu thì mất 3 năm, theo đúng trình tự đầu tư công, không thể làm khác được”, ông Thể nói và than rằng “bố trí tiền rồi mà 3 năm chỉ lo thủ tục, chưa nói đến công tác giải phóng mặt bằng”./.