Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) tháng Mười và 10 tháng năm 2019 mặc dù đã được đẩy mạnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch năm và tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước vẫn đạt mức thấp so với các năm trong giai đoạn 2015-2019.

10 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 260,4 nghìn tỷ đồng

Cụ thể, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng Mười so với kế hoạch năm giai đoạn 2015-2019 lần lượt là: 9,8%; 9,5%; 9,4%; 9,6%; 9,8%. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN 10 tháng so với kế hoạch năm giai đoạn 2015-2019 lần lượt là: 82,5%; 75,0%; 71,7%; 70,3%; 69,2%.

Tốc độ tăng vốn đầu tư từ nguồn NSNN tháng Mười so với cùng kỳ năm trước: năm 2015 là 13,3%; năm 2016 là 20,5%; năm 2017 là 10,7%; năm 2018 là 16,9%; năm 2019 là 10%.

Tốc độ tăng vốn đầu tư từ nguồn NSNN 10 tháng so với cùng kỳ năm trước: năm 2015 là 8,7%; năm 2016 là 14%; năm 2017 là 7,1%; năm 2018 là 12,1%; năm 2019 là 5,3%.

Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục giữ đà phát triển với số vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện các năm 2015-2019 lần lượt là: 11,8 tỷ USD; 12,7 tỷ USD; 14,2 tỷ USD; 15,1 tỷ USD; 16,2 tỷ USD.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng Mười ước tính đạt 37 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn Trung ương 6,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6%; vốn địa phương 30,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5%.

Tính chung 10 tháng năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 260,4 nghìn tỷ đồng, bằng 69,2% kế hoạch năm và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 bằng 70,3% và tăng 12,1%).

Cụ thể, vốn Trung ương quản lý đạt 36,6 nghìn tỷ đồng, bằng 61,3% kế hoạch năm và giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải đạt 9.739 tỷ đồng, bằng 55,1% và giảm 31,9%; Bộ Y tế 2.976 tỷ đồng, bằng 56,3% và tăng 40,2%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2.229 tỷ đồng, bằng 65,6% và giảm 56,0%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 851 tỷ đồng, bằng 57,6% và tăng 7,7%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 743 tỷ đồng, bằng 56,6% và giảm 22,8%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 475 tỷ đồng, bằng 63,7% và giảm 5,2%; Bộ Khoa học và Công nghệ 227 tỷ đồng, bằng 70,8% và tăng 36,2%; Bộ Công Thương 173 tỷ đồng, bằng 70,9% và tăng 3,6%; Bộ Xây dựng 173 tỷ đồng, bằng 69,2% và giảm 13,8%; Bộ Thông tin và Truyền thông 106 tỷ đồng, bằng 60,9% và tăng 10,7%.

Vốn địa phương quản lý đạt 223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 70,6% kế hoạch năm và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, vốn NSNN cấp tỉnh đạt 150,8 nghìn tỷ đồng, bằng 67,7% và tăng 7,5%; vốn NSNN cấp huyện đạt 61,5 nghìn tỷ đồng, bằng 76,4% và tăng 18,4%; vốn NSNN cấp xã đạt 11,5 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% và tăng 18,2%.

Vốn thực hiện từ nguồn NSNN 10 tháng năm 2019 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng chưa khả quan.

Nếu đầu cầu kinh tế là Nội đạt 34,8 nghìn tỷ đồng, bằng 70,3% kế hoạch năm và tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước, thì đầu cầu khác của nền kinh tế là TP. Hồ Chí Minh 16,7 nghìn tỷ đồng, bằng 45,4% và giảm 11,2%.

Một số địa phương có mức giải ngân khả quan là: Quảng Ninh 8.377 tỷ đồng, bằng 72,5% và tăng 8,9%; Hải Phòng 7.888 tỷ đồng, bằng 87,0% và tăng 1,1%; Bình Dương 7.320 tỷ đồng, bằng 60,3% và tăng 23,6%; Thanh Hóa 6.268 tỷ đồng, bằng 80,3% và tăng 22,9%; Bà Rịa - Vũng Tàu 5.427 tỷ đồng, bằng 82,3% và tăng 2,9%; Đồng Nai 5.413 tỷ đồng, bằng 81% và tăng 5,1%; Quảng Nam 5.271 tỷ đồng, bằng 71% và tăng 29%./.