Chậm tiến độ, các nhà thầu Nhật Bản đã khiếu kiện VEC

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,1km, khởi công xây dựng tháng 7/2014 với quy mô 4 làn ôtô lưu thông với vận tốc 100 km/h và 2 làn dừng khẩn cấp. Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án giúp giao thông liên vùng miền Tây và Đông Nam Bộ mà không cần qua TP. Hồ Chí Minh. Kết nối trực tiếp mạng đường cao tốc - quốc lộ với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, Sao Mai - Bến Đình với sân bay quốc tế Long Thành.

Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 31.320 tỷ đồng. Dự án được huy động từ vốn vay của ADB, vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự kiến hoàn thành năm 2018, nhưng thực tế Dự án mới thi công được hơn 76% khối lượng và đình trệ từ năm 2019 đến nay.

Trong báo cáo Văn phòng Chính phủ mới đây, VEC cho biết do chậm giao kế hoạch vốn nước ngoài trong năm 2019 làm ảnh hướng đến tiến độ thực hiện dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành, các nhà thầu Nhật Bản đã khiếu kiện VEC.

Từ tháng 9 và 10/2019, các nhà thầu đã lần lượt dừng thi công gói thầu xây dựng cầu Bình Khánh và Phước Khánh. Đồng thời, do chưa được giao vốn nên các địa phương không có nguồn thanh toán cho công tác giải phóng mặt bằng…

Vấn đề về số tiền vay ADB cũng đang có vấn đề. Cụ thể, đối với Hiệp định vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khoản vay lần 1 (2730-VIE) đã đóng ngày 30/6/2019, khoản vay lần 2 (3391-VIE) trị giá 286 triệu USD sẽ đóng ngày 30/6/2020. Tuy nhiên, để gia hạn khoản vay lần 2, theo quy định tối thiểu trước thời điểm kết thúc 3 tháng, Bộ Tài chính đại diện cho bên vay có thư đề xuất gia hạn khoản vay và Hiệp định tài trợ khung (với cả 2 khoản vay sẽ đóng vào 14/12/2020). Nếu không kịp thủ tục, ADB không thể thực hiện gia hạn và toàn bộ phần vốn chưa giải ngân cho dự án có nguy cơ bị hủy.

Đáng chú ý, khoản vay lần 1 trước đó, cũng vì lý do không hoàn thành được thủ tục trong nước để gia hạn Hiệp định vay đã bị hủy. Nhà tài trợ vốn là ADB đã thông báo đóng tài khoản vay 2730-VIE khi kết thúc thời gian ân hạn (30/10/2019), phần vốn chưa giải ngân 170 triệu USD sẽ bị hủy vào ngày đóng tài khoản vay.

Hiệp định vay lần 2 gói 3391-VIE dự kiến đóng vào 30/6/2020 chưa thể gia hạn thêm, trong khi tiến độ thực hiện các gói thầu chắc chắn sẽ kéo dài vượt quá thời gian của hiệp định. Bên cạnh đó, việc chậm giải phóng mặt bằng cũng là nguyên nhân các gói thầu A5, A6 và A7 đoạn qua tỉnh Đồng Nai đã chậm hơn nửa năm so với cam kết.

Với các gói thầu do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, Hiệp định vay JICA có hiệu lực đến 17/7/2024 nên tạm thời chưa vướng về thời hạn giải ngân. Tuy nhiên, từ tháng 1/2019, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - chủ đầu tư dự án - chưa được giao kế hoạch vốn ODA nên không thể tiếp tục thanh toán cho nhà thầu.

Mặt khác, do không được bố trí vốn cho các gói thầu của dự án (vốn đối ứng và các gói thầu JICA từ tháng 1/2019, các gói ADB từ tháng 7/2019), tiến độ chung toàn dự án dự kiến sẽ vượt sang tận tháng 2/2023, thay vì mốc tháng 6/2021 như báo cáo trước đây.

Tuy nhiên, mốc 2023 cũng sẽ tiếp tục có nguy cơ đổ bể, nếu Hiệp định vay 3391-VIE không kịp gia hạn. Bởi, khoản thiếu hụt khoảng 100 triệu USD,từ 2 hiệp định vay này rất khó tìm nguồn bù đắp khác.

Trên thực tế, từ tháng 7/2019 đến nay, các gói thầu của dự án đã bị đình trệ do không được bố trí vốn giải phóng mặt bằng và vốn xây lắp. Giữa tháng 2/2020, VEC đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị tạm dừng thi công tất cả các gói thầu tại dự án do JICA tài trợ và các gói thầu do ADB tài trợ (trong trường hợp các thủ tục pháp lý chưa được tháo gỡ), để giảm tối đa các rủi ro về pháp lý và thiệt hại kinh tế nhà nước do nguy cơ bị các nhà thầu kiện vì chậm thanh toán.

Hình minh họa

Các bộ, ngành đề xuất giải pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3/2020

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi họp về xử lý vướng mắc đối với dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Thông báo nêu rõ, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (Dự án); Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cùng với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao và các cơ quan có liên quan đã tích cực nghiên cứu các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho Dự án.

Tuy nhiên, do có nhiều vướng mắc trong cơ chế, chính sách áp dụng pháp luật có liên quan nên Dự án, ảnh hưởng đến Hiệp định vay vốn với các nhà tài trợ nước ngoài và đang bị chậm tiến độ. Để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với Dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thành thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để trước mắt tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó xác định rõ cơ quan chủ quản và cấp quyết định đầu tư Dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về sử dụng ngân sách nhà nước bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA do VEC làm chủ đầu tư.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 696/VPCP-KTTH ngày 18/3/2020 của Văn phòng Chính phủ về xử lý vướng mắc liên quan đến bố trí vốn nước ngoài đối với các dự án do VEC làm chủ đầu tư.

- Sau khi Nghị quyết của Chính phủ được ban hành, Bộ Tài chính có văn bản thông báo cho Ngân hàng Phát triển châu Á biết phía Việt Nam đang tiến hành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và gia hạn Hiệp định vay đối với Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đến ngày 01/6/2021.

- Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai khẩn trương giải quyết các tồn tại, vướng mắc, hoàn thành giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công theo đúng yêu cầu về tiến độ Dự án.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc đối với Dự án nêu trên; đề xuất giải pháp khả thi, chặt chẽ, đúng pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3/2020./.