Chiều nay (28/9), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Nghiệp đoàn giới chủ Pháp (MEDEF International) tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Thúc đẩy thu hút đầu tư của Pháp vào Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19”.

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, quan hệ Việt Nam - Pháp đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất kể từ khi hai nước ký Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược năm 2013. Việt Nam là nước ASEAN thứ 2 sau Singapore và nước đang phát triển đầu tiên ở châu Á ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) với EU, mở thêm các cơ hội cho các nhà đầu tư của Việt Nam và Pháp tiếp cận thị trường của nhau.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương trình bày tại Tọa đàm/Ảnh: Minh Trang

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Pháp hiện xếp thứ 15/138 đối tác đầu tư vào Việt Nam, xếp thứ 2 của EU về đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn FDI khoảng 3,62 tỷ USD với 605 dự án. Các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường Việt Nam do có môi trường chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế cao và chi phí sản xuất cạnh tranh, nguồn nhân lực dồi dào - dân số vàng, thị trường tiềm năng, hội nhập quốc tế sâu, chính sách mở với nhiều ưu đãi cạnh tranh với vị trí chiến lược…

Đồng tình với Thứ trưởng Phương, ông Francois Corbin, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam - Pháp, Phó Chủ tịch MEDEF International cũng nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp Pháp rất quan tâm đến thị trường Việt Nam.

“Một số lượng rất lớn các tập đoàn và doanh nghiệp đang tham gia vào phiên họp trực tuyến này là minh chứng rõ nét về sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Pháp đối với thị trường Việt Nam”, ông nói.

Toàn cảnh Tọa đàm/Ảnh: Minh Trang

Chia sẻ về quan điểm, định hướng thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện nay, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, công tác này sẽ được thực hiện một cách chủ động, có chọn lọc, lấy chất lượng hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu...

“Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam thời gian tới sẽ ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”, Thứ trưởng Phương bày tỏ.

Để chuẩn bị đón dòng vốn FDI dịch chuyển, trong đó có nguồn vốn từ nhà đầu tư Pháp, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để có thể đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục và tạo hành lang thông thoáng, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam đầu tư và hợp tác kinh doanh. Để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang tiến hành rà soát quỹ đất khu công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chương trình hành động, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, kết nối với các dự án FDI lớn…

Đặc biệt, để tháo gỡ các khó khăn và đẩy nhanh quy trình tạo hành lang thông thoáng cho các nhà đầu tư, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh là Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là Tổ phó thường trực để tập trung tháo gỡ những nút thắt về đầu tư, thu hút các dự án có chất lượng, quy mô vốn lớn, công nghệ cao…

Tại tọa đàm, hai bên đã nhất trí tiếp tục trao đổi thông tin cho nhau về những vấn đề cần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương Việt - Pháp, tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng để thu hút đầu tư của Pháp vào những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, trong đó chú trọng, đến những lĩnh vực có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao phù hợp với thế mạnh của các tập đoàn có uy tín của Pháp trên trường quốc tế./.