Thông báo mới đây phát đi từ Văn phòng Chính phủ về ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, đây hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 8297/VPCP-CN ngày 03/10/2020, khẩn trương làm rõ điều kiện chuyển tiếp của Dự án và hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận triển khai Dự án theo đúng thẩm quyền, đúng pháp luật.

Theo Quyết định 3216/QĐ-BGTVT, ngày 16/10/2013 của Bộ Giao thông vẩn tải, dự án cảng hàng không Phan Thiết gồm 2 hạng mục đầu tư: hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT (cấp 4E) và hạng mục quốc phòng (dự án eKQ920). Đây là sân bay lưỡng dụng, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và giao cho Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư phần hạng mục quốc phòng, UBND tỉnh làm chủ đầu tư hạng mục bay dân dụng.

Sân bay có tổng diện tích 543ha, trong đó diện tích quốc phòng là 150ha, khu hàng không dân dụng là 109,5ha và diện tích dùng chung là 283,5ha.

Tổng công ty 319 - BQP là nhà đầu tư hạng mục quốc phòng theo hình thức hợp đồng BT và Công ty Cổ phần Rạng Đông đầu tư hạng mục hàng không dân dụng bằng hình thức BOT. Dự kiến, công trình với vốn đầu tư ước tính ban đầu là 5.600 tỷ đồng, hoàn thành và bàn giao trong năm 2018.

Tuy nhiên, đến năm 2018, dự án sân bay Phan Thiết chỉ có thêm một bước tiến quan trọng là Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch điều chỉnh, nâng cấp sân bay từ hạng 4C lên 4E. Trên thực địa, dự án hầu như giậm chân tại chỗ. Trong khi đó, dự án sân bay Vân Đồn đã được khánh thành vào cuối năm đó.

Để tháo gỡ khó khăn cho dự án, vào trung tuần tháng 8/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Thủ tướng cho phép Bộ Quốc phòng ứng trước kinh phí để chuẩn bị đầu tư dự án sân bay Phan Thiết. Các bộ ngành liên quan có nhiệm vụ phối hợp với Bình Thuận điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất đến 2020; cập nhật công trình, dự án sân bay Phan Thiết vào danh mục dự án công trình có sử dụng đất giai đoạn 2016-2020, sớm đưa sân bay Phan Thiết vào hoạt động đúng quy định của pháp luật theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, thì đến nay, đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích đất (mặt bằng sạch) để xây dựng cảng hàng không Phan Thiết với diện tích 545,56ha, bao gồm mặt bằng sân bay 543ha và đài dẫn đường xa 2,56ha.

Riêng khu gia đình quân nhân có tổng diện tích đất thu hồi hơn 100.000m2, đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng được khoảng 70%. Diện tích còn lại của 3 hộ đang được UBND thành phố Phan Thiết tiếp tục vận động nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng.

Đối với các thủ tục đầu tư dự án như: hồ sơ quy hoạch xây dựng khu chức năng cảng hàng không Phan Thiết; điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán… ở hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT (cấp 4E) đã được địa phương triển khai cơ bản.

Đối với Dự án eKQ920, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lập và hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án với tổng mức đầu tư là 7.925 tỷ đồng. Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thống nhất với Bộ Quốc phòng về nguồn vốn đầu tư dự án. Ngày 26/8/2020, Bộ Quốc phòng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án…/.