Hôm nay (9/12), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (đại diện cho Ủy ban kinh tế Việt – Nhật thuộc Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản) tổ chức cuộc họp tiền khởi động giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.

Toàn cảnh cuộc họp/Ảnh: Đức Trung

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang trải qua thời kỳ khó khăn do tác động của Covid-19. Với những nỗ lực cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư trong nhiều năm và việc kiểm soát tốt đại dịch, kết quả thu hút FDI trong 11 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn khả quan, với tổng vốn đăng ký trên 26,5 tỷ USD. Trong đó, các nhà đầu tư Nhật Bản có tổng vốn đăng ký trên 2,1 tỷ USD, đứng thứ 4 trong số 109 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã góp phần đạt được kết quả tích cực trên. Đây là hình thức hợp tác đặc biệt và rất hiệu quả giữa Việt Nam và Nhật Bản trong suốt 17 năm thực hiện với 7 giai đoạn. Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, đây là kênh đối thoại quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản với các cơ quan chính phủ Việt Nam, đã có nhiều đóng góp, tham mưu về chính sách cũng như thực thi chính sách. Giai đoạn 7 đã khép lại với những kết quả đáng khích lệ, 52/52 hạng mục cam kết đã thực hiện xong hoặc đang thực hiện.

Trên cơ sở thống nhất tại cuộc họp cấp cao cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 7 (tháng 12/2019), hai bên nhất trí tiếp tục triển khai giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Sau quá trình làm việc tích cực trên tinh thần hợp tác, hôm nay, Việt Nam - Nhật Bản đã thống nhất nội dung Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8 bao gồm cả một số vấn đề tồn tại của giai đoạn 7 và một số nội dung mà hai phía đều quan tâm.

Cụ thể, Kế hoạch hành động giai đoạn 8 gồm 11 nhóm vấn đề, trong đó 8 nhóm vấn đề đã được thống nhất, bao gồm: (1) Đẩy mạnh việc áp dụng án lệ, hệ thống tổ chức thi hành án dân sự, cạnh tranh công bằng, tự do; (2) Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; (3) Cải thiện các vấn đề về môi trường lao động; (4) Luật PPP; (5) Cải cách doanh nghiệp nhà nước và thị trường chứng khoán; (6) Phương thức thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm tạo ra cơ cấu nguồn điện tốt nhất tại Việt Nam; (7) Hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về lắp đặt đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên nhằm thúc đẩy nhập khẩu khí LNG; (8) Các vấn đề liên quan đến đất đai.

Ba nhóm vấn đề còn lại gồm: Công nghiệp hỗ trợ, Đào tạo nhân lực kỹ năng nghề cao và Đổi mới sáng tạo - là những vấn đề phía Nhật Bản có thế mạnh và Việt Nam đang tập trung phát triển - sẽ được các nhóm công tác của hai phía thảo luận nội dung cụ thể sau cuộc họp tiền khởi động hôm nay.

Tại cuộc họp, phía Nhật Bản cũng đưa ra các khuyến nghị nhằm tăng cường mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản thời kỳ hậu Covid và các dự định mở rộng đầu tư tại Việt Nam của năm doanh nghiệp lớn, đại diện cho các ngành nghề khác nhau của Nhật Bản. Điều này đã cho thấy lòng tin và quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp Nhật, gắn bó và cùng phát triển những chuỗi giá trị mới để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác đầu tư.

Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác và tích cực triển khai đúng các cam kết trong nội dung Kế hoạch hành động để mang đến thành công của giai đoạn 8 nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển và thịnh vượng chung của cả cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam.

“Phía Việt Nam mong muốn phía Nhật Bản sẽ có những hỗ trợ cụ thể hơn đối với các ý kiến, đề xuất của phía Việt Nam để có được những biện pháp hỗ trợ cụ thể và hiệu quả từ phía Nhật Bản trong quá trình thực hiện”, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài bày tỏ./.

Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được khởi xướng từ tháng 4/2003, là sự hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Thông qua việc thiết lập một diễn đàn đối thoại chính sách giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản góp phần tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, minh bạch tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng, làm thông tin tham khảo trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.