Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7km

Dự án có vai trò động lực…

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7km chạy song song với tuyến quốc lộ 51. Điểm đầu nối với tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Biên Hòa (Đồng Nai), điểm cuối giao với đường vành đai TP Bà Rịa.

Dự án xây dựng 7 nút giao liên thông, 13 cầu vượt dòng chảy, 4 cầu vượt đường ngang và 19 cầu đường ngang vượt đường cao tốc. Tổng diện tích đất sử dụng để xây dựng dự án khoảng 588,5ha. Sau khi Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, 2 địa phương sẽ phối hợp lập khung chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng và trình Thủ tướng phê duyệt triển khai thực hiện.

Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện nay, các tỉnh Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ chỉ kết nối đến Bà Rịa - Vũng Tàu bằng duy nhất tuyến đường bộ độc đạo là Quốc lộ 51 nên dẫn đến quá tải, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận chuyển hàng hoá về cụm Cái Mép - Thị Vải và lưu thông của ngưởi dân.

Do đó, tuyến đường bộ cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu là tuyến giao thông quan trọng cần sớm được đầu tư, góp phần giảm áp lực cho tuyến Quốc lộ 51; Đồng thời cũng vận chuyển khối lượng lớn hàng hóa từ cụm 5 cảng biển lớn ở khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai và hàng chục khu và cụm công nghiệp.
Ngoài ra, đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực tập trung các đầu mối giao thông quan trọng như cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành trong tương lai.

Tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu nếu được hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đưa hàng về Cụm Cái Mép - Thị Vải, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Đông Nam Bộ và khu vực phía Nam.

Song, hơn 10 năm "ngủ đông", giậm chân tại chỗ

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dù được đánh giá rất quan trọng với hai tỉnh, được nghiên cứu khả thi từ năm 2010 song gần một thập kỷ qua, trải qua rất nhiều cuộc họp giữa các ban, ngành địa phương, hiện tại, kết quả đạt được vẫn là con số 0.

Tại cuộc họp về phương án triển khai tuyến đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, ngày 23/7/2019, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã thẳng thắn chỉ ra rằng, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dù được đánh giá rất quan trọng với hai tỉnh, được nghiên cứu khả thi từ năm 2010 song gần một thập kỷ qua, trải qua rất nhiều cuộc họp giữa các ban, ngành địa phương, hiện tại, kết quả đạt được vẫn là con số 0.

“Việc dự án “giậm chân tại chỗ” thể hiện sự quan tâm chưa đúng mức của các cơ quan chức năng. Đặc biệt, đơn vị tư vấn dự án chưa thực hiện nghiên cứu nghiêm túc, chưa đề xuất được những phương án khả thi, phù hợp với thực tiễn cả về phương án giải phóng mặt bằng, phương án tài chính và phương án thi công để đảm bảo tính khách quan, bền vững", Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, điều đó khiến các tỉnh rơi vào tình trạng nghẽn hạ tầng, Quốc lộ 51 vẫn thường xuyên quá tải, hàng hóa xuống cảng Cái Mép - Thị Vải liên tục tắc nghẽn, khiến cảng không phát huy được công suất, hàng hóa thông thương rất khó khăn.

Được biết, từ năm 2008, Bộ Giao thông vận tải đã cho phép chuẩn bị đầu tư và năm 2010 phê duyệt đề xuất dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại Quyết định số 1949/QĐ-BGTVT ngày 12/7/2010.

Dự án do liên danh bao gồm Tổng công ty IDICO, Tổng công ty Sông Đà và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam làm chủ đầu tư. Liên danh này đã thành lập Công ty cổ phần đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) để quản lý và thực hiện dự án.

Trong thời gian này, BVEC đã thực hiện các bước chuẩn bị dự án đầu tư. Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư dự án lớn lại chưa thu xếp được nguồn vốn nên dự án chưa thể triển khai, BVEC có văn bản xin rút không tiếp tục nghiên cứu đầu tư.

Tháng 6/2015, BVEC đã chính thức bàn giao lại hồ sơ dự án cho Bộ Giao thông vận tải

Tháng 7/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý chấm dứt đầu tự dự án của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC).

Do vậy, dự án phải tiến hành nghiên cứu đề xuất lại phương án đầu tư theo quy định của Nghị định Chính phủ mới ban hành.

Năm 2020, “thức dậy” dự án

Trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp, để có thể sớm triển khai dự án, đáp ứng yêu cầu về tăng trưởng giao thông trong khu vực, kết nối mạng lưới đường trong khu vực khi tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành hoàn thành, phát huy hiệu quả của đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 51 đã khai thác, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và được chấp thuận cho phép phân đoạn, phân kỳ đầu tư đề xuất đầu tư dự án theo phương thức PPP.

Bộ khẳng định, để đáp ứng yêu cầu sớm đưa dự án vào khai thác, việc kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP là phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, trước đây do dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được Thủ tướng giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư, nên Bộ Giao thông Vận tải không xây dựng nhu cầu vốn cho dự án trong dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ.

Trong quá trình triển khai lập báo cáo tiền khả thi, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nêu các khó khăn trong trường hợp giao địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai dự án. Vì vậy, ngày 23/10/2020, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh lại dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ.

Trong đó, bổ sung dự kiến nguồn ngân sách nhà nước tham gia dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu bố trí qua Bộ Giao thông vận tải khoảng 6.770 tỷ đồng.

Đến ngày 4/11/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản ghi nhận đề xuất của Bộ Giao thông vận tải. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thông báo sẽ xem xét, tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 sau khi dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư và phụ thuộc vào khả năng cân đối.

Trên cơ sở đề xuất của địa phương và ý kiến bộ ngành liên quan, ngày 7/12/2020 Thủ tướng đã có văn bản giao Bộ Giao thông vận tải là cơ quan có thẩm quyền thực hiện rà soát, cập nhật trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo phương thức PPP.

Dự kiến đưa cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu khai thác vào năm 2025

Đầu tháng 2/2021, Bộ Giao thông vận tải đã có tờ trình số 1258/TTr-BGTVT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, thẩm định hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu theo phương thức PPP (hợp đồng BOT).

Dự án đề xuất đầu tư mới toàn tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phân kỳ giai đoạn 1, vận tốc thiết kế 100 km/h với phạm vi điểm đầu Km0+000 giao Quốc lộ 1 với tuyến tránh thành phố Biên Hòa thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối tại Km53+700 giao với đường vành đai thành phố Bà Rịa (Quốc lộ 56) thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án có chiều dài 53,7km, trong đó quy mô đoạn từ thành phố Biên Hòa - Long Thành (nút giao với đường cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) là 4 làn xe cao tốc, đoạn Long Thành - Tân Hiệp (giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành) là 6 làn xe cao tốc và đoạn từ Tân Hiệp đến Quốc lộ 56 là 4 làn xe cao tốc.

Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư Dự án là 18.805 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hỗ trợ dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 6.722 tỷ đồng (bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí rà phá bom mìn, chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác trong giai đoạn chuẩn bị dự án); vốn Nhà đầu tư huy động là 12.083,062 tỷ đồng.

Để hoàn vốn, nhà đầu tư được phép thu phí hoàn vốn dự kiến 17 năm 5 tháng (sẽ được xác định cụ thể trong bước đàm phán; ký kết hợp đồng dự án), hết thời hạn, Nhà đầu tư chuyển giao công trình cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.

Theo kế hoạch, Bộ Giao thông vận tải sẽ trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư vào quý I/2021; lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi từ quý II/2021 đến quý IV/2021; thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án và ký kết hợp đồng dự án từ quý IV/2021 đến quý IV/2022; công tác giải phóng mặt bằng triển khai từ quý I/2022 đến quý I/2023; triển khai xây dựng từ quý IV/2022, thời gian thi công 24 tháng; bàn giao đưa công trình vào khai thác vào năm 2025.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT là Chủ tịch Hội đồng thẩm định Dự án

Để thực hiện dự án, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức PPP (hợp đồng BOT).

Chủ tịch Hội đồng thẩm định liên ngành là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các ủy viên Hội đồng là lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương: Bộ Giao thông vận tải; Bộ Tài chính; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Xây dựng; Bộ Công Thương; Bộ Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; UBND tỉnh Đồng Nai và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên ngành.

Theo Quyết định, Hội đồng thẩm định liên ngành có nhiệm vụ và quyền hạn sau: Tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo quy định; xem xét, quyết định các vấn đề về nội dung, kế hoạch thẩm định và các vấn đề khác có liên quan trong quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp tài liệu phục vụ nhiệm vụ thẩm định;

Hội đồng thẩm định liên ngành làm việc theo chế độ tập thể theo chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng. Phiên họp của Hội đồng được coi là hợp lệ khi có ít nhất 50% số thành viên tham dự (kể cả người được ủy quyền).

Kết luận thông qua các nội dung thẩm định phải được tối thiểu 50% số thành viên Hội đồng biểu quyết thông qua (bao gồm cả số thành viên có mặt tại phiên họp và số thành viên biểu quyết bằng văn bản). Trường hợp tỷ lệ biểu quyết bằng nhau và bằng 50% số thành viên Hội đồng, nội dung thẩm định được thông qua theo ý kiến đã biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng. Kết luận cuối cùng thông qua báo cáo thẩm định phải được tối thiểu 2/3 số thành viên Hội đồng biểu quyết thông qua (bao gồm cả số thành viên có mặt tại phiên họp và số thành viên biểu quyết bằng văn bản).

Hội đồng được sử dụng con dấu và tài khoản (nếu cần) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ cho hoạt động của Hội đồng./.