Theo đó, tổng ngân sách thực hiện Dự án là 15,6 triệu Euro. Trong đó, vốn ODA do EU viện trợ không hoàn lại 14 triệu Euro, UNDP tài trợ 500.000 Euro, vốn đối ứng 1,1 triệu Euro do Bộ Tư pháp bố trí trong ngân sách hàng năm của Bộ.

Dự án được thực hiện từ năm 2015-2020 với mục tiêu tăng cường xây dựng pháp quyền thông qua hệ thống tư pháp tin cậy và dễ dàng tiếp cận hơn.

Mục tiêu của Dự án sẽ là nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về quyền và cách thực hiện các quyền; tăng cường tiếp cận các hình thức tư vấn, hỗ trợ pháp lý và đại diện bào chữa đối với các vụ việc dân sự và hình sự; hoàn thiện khung pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành về tăng cường khả năng thực hiện quyền và tiếp cận công lý; tăng cường tính liêm chính và minh bạch trong lĩnh vực tư pháp.

EU luôn cam kết là một trong những nhà tài trợ lớn cho Việt Nam. Trong giai đoạn 1993-2013, tổng cam kết ODA của Ủy ban châu Âu và các nước thành viên EU đạt gần 14 tỷ USD, chiếm 20% tổng cam kết của cộng đồng tài trợ quốc tế cho Việt Nam, trong đó viện trợ không hoàn lại của EU đạt khoảng 1,5 tỷ USD.

Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của EC cho Việt Nam được thực hiện thông qua các Chiến lược hợp tác với Việt Nam với ngân sách viện trợ liên tục tăng.

Giai đoạn 2014-2020, EC đã cam kết viện trợ cho Việt Nam 400 triệu Euro trong khi danh sách các nước châu Á được hưởng ODA giảm từ 19 xuống còn 12, tập trung vào hai lĩnh vực là năng lượng bền vững và thể chế.

EC và các nước thành viên Liên minh châu Âu cũng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành thuộc ưu tiên của Việt Nam và EU có thế mạnh như: hỗ trợ thể chế, khoa học công nghệ (trong đó có lĩnh vực an toàn hạt nhân), giáo dục, pháp luật, y tế, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai…/.