Sáng ngày 15/8, dưới sự chủ trì của đồng chí Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã họp xem xét và biểu quyết thông qua Báo cáo đầu tư dự án đầu tư công trình hạ tầng có tổng mức đầu tư lên tới 8 tỷ USD này trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.

Cơ bản đã đáp ứng yêu cầu

Dự án sân bay Long Thành dù đã được Hội đồng Thẩm định Nhà nước thống nhất báo cáo Thủ tướng hồi tháng 3 sau hai lần thẩm định. Khi đó, có 13/16 thành viên nhất trí trình Thủ tướng để xem xét báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ đã tiếp tục yêu cầu Bộ Giao thông chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phải hoàn thiện báo cáo đầu tư để trình hội đồng thẩm định lại.

Báo cáo thẩm định lần 3, thay mặt Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành, ông Nguyễn Xuân Tự - Vụ trưởng Vụ Giám sát thẩm định đầu tư (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã cho rằng, sau khi được bổ sung, chỉnh sửa, Báo cáo đầu tư Dự án đã làm rõ thêm một số vấn đề chính được đề cập trong quá trình thẩm định, về cơ bản đã đáp ứng các nội dung theo quy định ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi.

Cụ thể, báo cáo giải trình đã nhấn mạnh, cập nhật được các nội dung khai thác và dự báo lưu lượng vận chuyển trong tương lai của Sân bay Tân Sơn Nhất theo yêu cầu của Hội đồng Thẩm định. Theo đó, ngay từ năm 2013, sân bay này đã đạt lưu lượng 20,3 triệu hành khách/năm và sẽ trở nên quá tải vào những năm sau đó.

Theo ACV, hoạt động khai thác tại Sân bay Tân Sơn Nhất ở nhiều thời điểm hiện đã rơi vào tình trạng quá tải; nhà ga hiện hữu đã khai thác hết công suất thiết kế. Do đó, việc cần phải nhanh chóng đầu tư mở rộng, hoặc xây mới một sân bay mới là cần thiết.

Liên quan tới việc đánh giá các phương án đầu tư, Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành cho rằng, ACV đã phân tích, so sánh khá chi tiết phương án đầu tư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành so với các phương án cải tạo/mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất và cải tạo/mở rộng căn cứ không quân Biên Hòa, có nêu cơ sở tính toán, nguồn dữ liệu ước chi phí đầu tư các phương án. Từ đó, khẳng định khả năng cải tạo/mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất và căn cứ Biên Hòa để đạt công suất như mục tiêu của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là khó khả thi.

Tại cuộc họp, phương án khả thi của cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã được thêm một phiếu thuận khi Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Mai Hữu Tín thừa nhận, sân bay Tân Sơn Nhất hiện không chỉ hạn chế về quỹ đất mà không gian hoạt động bay hiện cũng đã quá tải - trong khi đây là yếu tố quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.

Để đáp ứng việc nới công suất tối đa thêm 5 triệu khách cho sân bay Tân Sơn Nhất, Tp.HCM phải đầu tư ít nhất 4 - 5 tỷ USD cho hệ thống giao thông kết nối như hệ thống đường bộ trên cao, đường sắt đô thị.

Bên cạnh đó, do sân bay Tân Sơn Nhất nằm giữa trung tâm Tp.HCM nếu tiếp tục mở rộng công suất sẽ ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện quy hoạch phát triển đô thị khi bị khống chế về tĩnh không, phễu bay.

Ông Tín khẳng định: "Việc khai thác sân bay mới tại Long Thành sau năm 2020 là điều hết sức cần thiết”.

Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải và rất khó có khả năng mở rộng

Song, vẫn còn nhiều hạn chế, cần phải chỉnh sửa

Tại báo cáo thẩm định của tổ chuyên gia liên ngành trình Hội đồng trong cuộc họp hôm nay, tổ này nhận xét sau khi được bổ sung, chỉnh sửa, báo cáo đầu tư dự án đã làm rõ thêm một số vấn đề chính được đề cập trong quá trình thẩm định, về cơ bản đã đáp ứng các nội dung theo quy định ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi.

Tuy nhiên, Báo cáo vẫn chưa thực sự phân tích đánh giá rõ rệt các lợi thế cạnh tranh nổi trội và “tính hấp dẫn” khi hình thành cảng hàng không quốc tế Long Thành để thu hút lượng hành khách và hàng hóa trung chuyển của khu vực so với các cảng hàng không quốc tế lớn khác.

Ở các giai đoạn nghiên cứu tiếp theo, cần đi sâu phân tích những thuận lợi, khó khăn, điểm mạnh, điểm yếu (phân tích SWOT) của Long Thành khi phải cạnh tranh trực tiếp với các cảng hàng không trung chuyển đã có trong khu vực nhằm đạt được mục tiêu và hiệu quả đầu tư Dự án; trên cơ sở đó, xem xét lại quy mô và nội dung đầu tư các giai đoạn sau.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy mô Dự án là không phù hợp. Theo báo cáo của chủ đầu tư, quy mô Dự án là xây dựng cảng hàng không quốc tế cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO, có công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm; để đạt được công suất như trên, theo các tính toán kỹ thuật, diện tích cảng hàng không được xác định là 5km x 10km (5.000ha).

Văn bản số 402/HĐTV ngày 01/8/2014 của ACV đã giải trình về tính hợp lý của việc lựa chọn quy mô công suất trên như sau:

Theo dự báo, đến năm 2030 lượng khách hàng không thông qua khu vực thành phố Hồ Chí Minh đạt trên 50 triệu khách/năm, đến năm 2045 sẽ đạt khoảng 75-80 triệu khách/năm và sẽ tiếp tục tăng trưởng sau đó. Do đó, việc xác định quy mô sân bay Long Thành nhỏ sẽ dẫn đến những bất cập sau này. Khi lượng hành khách tăng đòi hỏi phải tiến hành nghiên cứu, xem xét quy hoạch đất đai để mở rộng sân bay, điều này là lặp lại trình trạng hiện nay đối với Tân Sơn Nhất. Mức công suất 100 triệu hành khách/năm được đánh giá là phù hợp trong quan hệ so sánh với công suất quy hoạch của các sân bay khu vực và mức độ hành khách đạt được của một số sân bay trên thế giới (hiện gần 100 triệu hành khách/năm).

Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành với quy mô như dự kiến hiện còn có những ý kiến chưa đồng tình.

Theo ý kiến của chuyên gia phản biện GS. Lã Ngọc Khuê, cảng hàng không Chek Lap Kok (Hong Kong) chỉ rộng 1.255 ha với 02 đường CHC mà từ năm 2010 đã đón nhận hơn 50 triệu hành khách/năm, đứng thứ ba thế giới; cảng hàng không Changi (Singapore) chỉ rộng 1.300 ha với 02 đường CHC mà vẫn đứng hàng thứ 7 thế giới, năm 2010 đón nhận hơn 42 triệu hành khách; trong khi đó, sân bay Kuala Lumpur (Malaysia) có diện tích tới 10.000 ha (bao gồm cả dự phòng). Do đó, thuyết minh về quy mô đầu tư của Dự án cần phải sâu sắc và có sức thuyết phục hơn nữa.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, chi phí đầu tư cũng là vấn đề chủ đầu tư phải giải trình làm rõ trong lần thẩm định thứ 3 này. Lấy đơn giá xây dựng nhà ga T2 Nội Bài vừa hoàn thành để tính toán, cảng hàng không quốc tế Long Thành ước tính ngốn khoảng 7,8 tỷ USD trong giai đoạn một.

GS. Lã Ngọc Khuê so sánh, với đơn giá này thì suất đầu tư cho một triệu lượt khách mỗi năm của cảng hàng không này cao gấp đôi sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan. Theo báo cáo tiền khả thi, trong giai đoạn 1, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ có tổng mức đầu tư 7,8 tỷ USD, trong đó vốn ngân sách nhà nước và ODA chiếm hơn 4 tỷ USD, số còn lại sẽ được huy động từ các nguồn vốn khác

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh yêu cầu ACV cần cập nhật bổ sung các ý kiến góp ý của các chuyên gia, các đại diện tham gia cuộc họp.

Cùng với việc làm mạch lạc hơn Báo cáo đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định yêu cầu chủ đầu tư cần bổ sung, phân tích căn cứ, điều kiện để Sân bay Long Thành có thể trở thành cảng hàng không trung chuyển quốc tế như mục tiêu đề ra; làm rõ quy mô đầu tư, tính liên thông của hệ thống giao thông kết nối, đặc biệt là từ sân bay Tân Sơn Nhất tới sân bay Long Thành.

Liên quan tới quy mô diện tích xây dựng Dự án, Hội đồng thẩm định thống nhất với đề xuất của chủ đầu tư về việc triển khai sân bay Long Thành trên diện tích 5.000 ha, đồng thời đồng ý kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép tách GPMB thành 1 tiểu dự án riêng giao cho UBND tỉnh Đồng Nai triển khai sớm.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo chủ đầu tư trên cơ sở ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định khẩn trương hoàn thiện lại Báo cáo đầu tư để có thể sớm trình Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 8/2014.

"Việc đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành là điều hết sức cần thiết, phải triển khai ngay sớm nhưng với chất lượng Báo cáo đầu tư còn nhiều hạn chế sẽ rất khó thuyết phục được các đại biểu Quốc hội", Bộ trưởng Vinh cảnh báo./.