Đầu tư 3 dự án thuộc lĩnh vực thể dục thể thao

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý chủ trương đầu tư 3 dự án thuộc lĩnh vực thể dục, thể thao.

3 dự án trên gồm Dự án xây dựng Nhà Thể chất Học viện Phụ nữ Việt Nam của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Dự án xây dựng Khu giáo dục thể chất Trường cán bộ Hội Nông dân Việt Nam của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Dự án đầu tư một số hạng mục hạ tầng và rèn luyện thể chất tại Phân viện miền Nam (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Để bảo đảm việc đầu tư đúng mục đích, đúng đối tượng, các cơ quan trên cần rà soát và đánh giá rõ hơn sự cần thiết và hiệu quả đầu tư các dự án này, tránh thất thoát, lãng phí, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ tổng hợp, thẩm tra hồ sơ các dự án này, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định.

Xây tuyến đường từ Minh Khai đến vành đai 2,5 (TP Hà Nội)

Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc UBND thành phố Hà Nội thực hiện đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5, thành phố Hà Nội theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Hà Nội quyết định các nội dung liên quan theo thẩm quyền, phù hợp với quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ, Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm toàn diện chỉ đạo thực hiện dự án đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả đầu tư.

Tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai (Vành đai 2) đến đường vành đai 2,5 có chiều dài khoảng 1.653m nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và quận Hoàng Mai. Đây là tuyến đường trục chính đô thị, có ý nghĩa hết sức quan trọng kết nối các tuyến đường vành đai và các tuyến đường đô thị trong khu vực.

Theo UBND thành phố Hà Nội, tuyến đường vành đai 2,5 trên địa bàn quận Hoàng Mai đã được triển khai thi công và cơ bản hoàn thiện; tuyến đường vành đai 2 qua khu vực là một trong các dự án trọng điểm, đang được thành phố triển khai. Do đó, việc đẩy nhanh đầu tư tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên là cần thiết để đảm bảo kết nối, đồng bộ các tuyến đường, tránh ùn tắc cục bộ, góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực.

Xây dựng cầu Cửa Hội qua sông Lam

Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc đầu tư xây dựng công trình cầu Cửa Hội qua sông Lam, tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh theo hình thức Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật; chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Hà Tĩnh triển khai việc thực hiện Dự án và quản lý quá trình thực hiện đầu tư xây dựng.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải thống nhất với UBND tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan về quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn của Dự án, mức phí và vị trí đặt trạm thu phí bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Công trình cầu Cửa Hội dự kiến được đầu tư với tổng chiều dài khoảng 6,2km, trong đó phần cầu dài 1,63km, phần đường dẫn 2 đầu cầu dài 4,57km; bề rộng cầu 12m với 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và gờ lan can. Công trình có kinh phí đầu tư khoảng 1.050 tỷ đồng.

Công trình hoàn thành sẽ kết nối, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế biển và du lịch, đảm bảo quốc phòng an ninh các tỉnh khu vực miền Trung nói chung và hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nói riêng; góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh, cải thiện hệ thống giao thông giữa hai bờ sông Lam, từng bước hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Bắc Trung Bộ.

Đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm.

Mục tiêu đầu tư là xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ, xây dựng hệ thống đê, xây dựng hệ thống kè sông Cấm, xây dựng hệ thống giao thông chính và hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhằm phục vụ cho toàn bộ khu vực Bắc sông Cấm với quy mô 1.445,51 ha.

Bên cạnh đó, phát triển mở rộng thành phố về phía Bắc và từng bước hoàn thiện hệ thống trung tâm thành phố mới theo định hướng phát triển không gian đô thị và theo điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009.

Về quy mô đầu tư, xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ chiều dài khoảng 1.138,5 m; xây dựng đê tả sông Cấm chiều dài khoảng 2.016 m; xây dựng hệ thống giao thông chính Khu đô thị mới Bắc sông Cấm tổng chiều dài khoảng 9,958 km; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm.

Tổng mức đầu tư dự án là 9.899,085 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố và các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác. Dự án được thực hiện tại các xã Tân Dương, Dương Quan, Hoa Động (huyện Thủy Nguyên) và phường Minh Khai (quận Hồng Bàng), thành phố Hải Phòng với thời gian 5 năm từ 2016 - 2020. Ban Quản lý công trình xây dựng phát triển đô thị Hải Phòng là chủ đầu tư Dự án.

Hạn chế tối đa việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đơn lẻ từng dự án

Trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình thực hiện Luật Đầu tư công và việc phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đối với những dự án có quy mô quá nhỏ (dưới 5 tỷ đồng), khuyến khích xã hội hóa và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.

Cũng tại văn bản này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hướng dẫn cụ thể để các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nhận thức và thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Luật Đầu tư công về lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án; đồng thời rút ngắn tối đa thời gian thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho các dự án.

Các bộ, cơ quan, tổ chức, trong đó có cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, tổ chức khác khi đề xuất chủ trương đầu tư các chương trình, dự án phải rà soát, đánh giá kỹ sự cần thiết, tính hiệu quả, khả năng đáp ứng yêu cầu phục vụ triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư công về thẩm quyền, trình tự, thủ tục trình phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình, dự án./.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, tổ chức khác chủ động xây dựng danh mục dự án và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư theo từng nhóm dự án; hạn chế tối đa việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đơn lẻ từng dự án.