Phê duyệt chủ trương đầu tư “Chương trình phát triển giáo dục trung học, giai đoạn 2”

Đây là dự án của ADB hỗ trợ nhằm tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục trung học, tạo sự chuyển biến rõ nét về giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông ở 63 tỉnh, thành phố.

Cụ thể, Chương trình góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trung học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; tăng cường hiệu quả giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề và phân luồng học sinh trung học. Đến năm 2023, 100% số trường trung học có hoạt động giáo dục được đổi mới; công tác giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề và phân luồng học sinh có sự chuyển biến rõ nét, đảm bảo tỷ lệ yêu cầu.

Đồng thời, tăng cường tiếp cận giáo dục trung học cơ sở cho thanh, thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn đáp ứng mục tiêu phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đến năm 2020, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở cấp trung học cơ sở là 95% và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương; khoảng 70% trẻ em khuyết tật được đi học; tăng cường năng lực đánh giá chất lượng và hiệu quả giáo dục trung học; đến năm 2020 hệ thống đánh giá kết quả giáo dục của học sinh được cải tiến, tiếp cận với cách thức đánh giá tiên tiến của thế giới.

Theo Chương trình có khoảng 60 trường trung học được lựa chọn hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất gồm: trường trung học phổ thông chuyên; trường trung học ở nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; trường trung học tăng cường giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề.

Chương trình cung cấp bổ sung trang thiết bị công nghệ thông tin, thực hành, thí nghiệm đồng bộ, hiện đại cho khoảng 70 trường trung học phổ thông chuyên; trang thiết bị thực hành, thí nghiệm cho khu thực hành của khoảng 126 trường trung học chú trọng giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề; trang thiết bị dạy học phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông cho khoảng 220 trường trung học ở nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; trang thiết bị hỗ trợ giáo dục học sinh khuyết tật cho khoảng 28 trung tâm giáo dục người khuyết tật được lựa chọn thuộc ngành giáo dục...

Chương trình thực hiện từ năm 2017 - 2023 với tổng kinh phí 107 triệu USD.

Đầu tư dự án Đường 991B

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đường 991B từ Quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Dự án).

Theo đó, Dự án được thực hiện từ năm 2016 - 2021 với tổng mức đầu tư hơn 4 nghìn tỷ đồng.

Về quy mô đầu tư, tổng chiều dài tuyến là 9,727 km; điểm đầu tuyến giao với đường Hội Bài - Tóc Tiên; điểm cuối tuyến giao với đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải.

Mặt cắt ngang: Đoạn từ Km0+000 - Km1+083 và từ Km2+033 - Km9+727: 35 m; đoạn từ Km1+083 - Km2+033: 44,5 m.

Hạng mục cầu: Cầu Rạch Tre, mặt cắt ngang 20 m, dài 73,62 m; cầu Mỏ Nhát, mặt cắt ngang 20 m, dài 760 m; cầu Rạch Ông, mặt cắt ngang 20 m, dài 387 m; cầu vượt Quốc lộ 51, mặt cắt ngang 18,5 m, dài 735 m.

Mục tiêu đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ tuyến đường giao thông 991B từ Quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép để vận chuyển hàng hóa cho cụm cảng biển cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải, trung tâm dịch vụ logistics, các khu công nghiệp hai bên, khu công nghiệp Long Sơn ra Quốc lộ 51 và ra tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như của cả nước./.