Ngày 21/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự lễ khởi công xây dựng Khu công nghiệp Thăng Long-Vĩnh Phúc, khu công nghiệp thứ 10 được xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại lễ khởi công

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của chính quyền các cấp tỉnh Vĩnh Phúc và các nhà đầu tư trong việc triển khai nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, sớm đưa Khu công nghiệp Thăng Long-Vĩnh Phúc vào hoạt động.

Theo Phó Thủ tướng, để bảo đảm tăng trưởng một cách bền vững, toàn diện và bao trùm, tiếp tục phát triển công nghiệp là một động lực quan trọng, các cấp lãnh đạo, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc cần tiếp tục ưu tiên để cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh.

“Trước hết, rà soát lại chiến lược, quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch, các khu đô thị, các sản phẩm, các ngành, lĩnh vực của tỉnh, gắn quy hoạch với tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc sản phẩm, tái cấu trúc nông nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.

Tỉnh cũng cần chủ động về quỹ đất cho đầu tư phát triển; tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng các khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch… Xây dựng những cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương; đúng quy định của pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp-dịch vụ tại địa phương.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

“Chính quyền phải đồng hành với doanh nghiệp, chủ động đến với doanh nghiệp, không bị động, vô cảm, ‘xin-cho’ với doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.

Đối với Khu công nghiệp Thăng Long-Vĩnh Phúc, Phó Thủ tướng đề nghị trong quá trình xây dựng và hoạt động, chủ đầu tư, ban quản lý và mỗi doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần luôn tuân thủ chặt chẽ các quy định về môi trường, tuyệt đối không để xảy ra sự cố trong quá trình xây dựng, hoạt động sau này.

Phó Thủ tướng đề nghị chủ đầu tư bố trí đủ vốn, bảo đảm tiến độ, an toàn, chất lượng xây dựng; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp để kịp thời phát hiện, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng.

Doanh nghiệp cần ưu tiên đào tạo, sử dụng lao động tại chỗ; quan tâm đến đời sống của người lao động, đặc biệt cần có các chính sách phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động trong khu công nghiệp.

“Chính phủ Việt Nam cam kết luôn đồng hành với các nhà đầu tư, coi thành công của doanh nghiệp là thành công của mình, đồng thời sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, ngày càng hấp dẫn cho doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Dự án "Hạ tầng khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc" được UBND tỉnh Vĩnh Phúc trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) từ tháng 10/2015. Dự án này hướng tới phục vụ các nhà đầu tư thứ phát của Nhật Bản và sẽ tạo một tiền đề phát triển bền vững, ổn định, sản phẩm phong phú và đa dạng; đặc biệt là tạo bước đột phá cho công nghiệp Vĩnh Phúc vốn từ trước tới nay còn đơn điệu với sản phẩm chủ lực là ô tô, xe máy.

Theo cấp phép, Khu công nghiệp Thăng Long – Vĩnh Phúc có diện tích 213ha, chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn I là 94,5ha và giai đoạn II là 118,5ha. Tổng vốn đầu tư giai đoạn I là 70,1 triệu USD. Tiến độ hoàn thành xây dựng hạ tầng và khu xử lý nước thải giai đoạn I của dự án là 18 tháng kể từ ngày giao đất và đến tháng 12/2024 hoàn thành toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ của khu công nghiệp.

Khi dự án hoàn thành dự kiến sẽ thu hút 79 dự án đầu tư, với số vốn đăng ký khoảng 1,5 tỷ USD; giải quyết việc làm cho khoảng 25.000 lao động. Các ngành nghề, lĩnh vực thu hút đầu tư là các ngành công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường, ưu tiên các dự án có công nghệ kỹ thuật cao như: sản xuất các loại động cơ; công nghiệp phụ trợ; sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy; sản xuất phụ kiện điện tử, linh kiện bán dẫn…/.