1 năm toàn quốc xảy ra 3.922 vụ cháy, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 296,1 tỷ đồng
Năm 2024, tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, khó lường
Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 13, ngày 8/10, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy năm 2024.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới chủ trì Phiên họp |
Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội, trong năm qua, Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) theo Chỉ thị số 47, Kết luận số 02 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; chỉ đạo Bộ Công an tham mưu xây dựng Luật PCCC và CNCH, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Cùng với việc tiếp tục triển khai Quyết định số 630/QĐ-TTg và Quyết định số 1492/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 24/6/2024 về tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh với 17 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Các nội dung, giải pháp đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận theo các nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết số 99/2019/QH14 đề ra.
Tuy nhiên, theo ông Tới, bên cạnh những kết quả đạt được, thì vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế nhất định trong thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội cần được tiếp tục quan tâm, có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Công an, từ ngày 16/9/2023 đến ngày 15/9/2024, toàn quốc xảy ra 3.922 vụ cháy, làm chết 103 người, bị thương 78 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 296,1 tỷ đồng và 581,2 ha rừng. Trong đó, đã xảy ra 96 vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng (chiếm 2,4% tổng số vụ cháy), làm chết 103 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 157,8 tỷ đồng. Xảy ra 40 vụ cháy lớn (chiếm 1,0% tổng số vụ cháy), gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 157,8 tỷ đồng; tập trung chủ yếu tại các địa phương có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh. Toàn quốc cũng xảy ra 24 vụ nổ, làm 11 người chết, bị thương 30 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 300 triệu đồng.
Năm 2024, tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, khó lường. So với cùng kỳ, số vụ cháy tăng 324 vụ (+9,0%; 3.922/3.598 vụ), giảm 40 người chết (- 27,9%; 103/143 người), giảm 34 người bị thương (+30,4%; 78/112 người), thiệt hại về tài sản giảm 260.680 triệu đồng (-45,2%; 296,1/437,5 tỷ đồng).
Theo ông Tới, mặc dù số người chết, số người bị thương trong các vụ cháy, nổ đã giảm, nhưng số vụ cháy, nổ vẫn tăng. Đáng chú ý là tình hình cháy, nổ tại hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cơ sở tập trung đông người còn diễn biến phức tạp. Một số vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người. Các vụ cháy có nguyên nhân từ sự cố thiết bị điện (sau công tơ) tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao. Ý thức của một bộ phận người dân trong việc quản lý, sử dụng điện an toàn tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất chưa cao.
Khắc phục những hạn chế trong công tác PCCC và CNCH
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo, nhất là những kết quả đạt được trong công tác PCCC và CNCH. Tuy nhiên các đại biểu cũng cho rằng, báo cáo còn mang tính liệt kê công việc, chưa đánh giá được mức độ hoàn thành, cũng như nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với những nội dung chưa hoàn thành theo yêu cầu của Nghị quyết số 99/2019/QH14.
Toàn quốc còn tồn tại nhiều công trình vi phạm, xây dựng không phép, trái phép, không đủ điều kiện về an toàn PCCC, nhưng vẫn hoạt động, đặc biệt là đối tượng nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, tự cải tạo, thay đổi công năng từ nhà ở nhà vừa để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, không tuân thủ các quy định về PCCC. Còn nhiều cơ sở chưa được khắc phục tồn tại, vi phạm về PCCC…
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm làm rõ một số nội dung tại phiên họp |
Theo đại diện Bộ Công an, hiện cả nước có khoảng 50.000 mô hình tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy đã và đang phát huy tác dụng. Đối với các ngõ sâu xe chữa cháy không vào được cũng đã triển khai các giải pháp như: thí điểm lắp hệ thống báo cháy không dây, mô hình như xe máy chữa cháy, trang bị bình chữa cháy công cộng tại các cái khu, điểm ngõ hẻm.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Đỗ Quang Thành đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp có hiệu quả hơn các nội dung của Nghị quyết số 99/2019/QH14 đã đề ra. Đồng thời tích cực phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua dự án Luật PCCC và CNCH tại Kỳ họp thứ 8 tới đây, kịp thời tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành, khắc phục những hạn chế trong công tác PCCC và CNCH hiện nay…/.
Bình luận