Cần siết chặt quản lý giá thuốc nhằm bảo đảm công khai, minh bạch khi lưu hành thuốc trên thị trường

Tiếp tục Phiên họp thứ 36 đang diễn ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7.

Trình bày Báo cáo tóm tắt Công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2024, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH Dương Thanh Bình cho biết, qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Dân nguyện đã tổng hợp được 831 kiến nghị cử tri gửi đến. Sau khi rà soát, phân loại, Ban Dân nguyện đã kịp thời chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Ban Dân nguyện sẽ theo dõi, đôn đốc để các kiến nghị của cử tri được giải quyết, trả lời đúng thời hạn.

Cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, tránh để lộ lọt thông tin, nhất là số điện thoại di động của người dùng
Theo ông Dương Thanh Bình, trong tháng 7/2024, Ban Dân nguyện đã nhận được 381 văn bản trả lời kiến nghị cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, còn 1.077 kiến nghị chưa được trả lời. Ban Dân nguyện tiếp tục đôn đốc và cập nhật kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền

Về tình hình khiếu nại, tố cáo, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong tháng 7/2024, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm so với tháng 6/2024. Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các cơ quan đã tiếp 372 lượt với 779 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 371 vụ việc và có 28 lượt đoàn đông công dân, trong đó có 5 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Về công tác tiếp công dân của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp 422 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị. Qua tiếp công dân, đã ban hành văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận và xử lý các được 2.451 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến (giảm 1.188 đơn so với tháng 6/2024). Qua nghiên cứu các đơn đủ điều kiện xử lý, đã chuyển đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết…

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân tiếp tục lo lắng về tình trạng giá thuốc tại các cơ sở y tế, phòng khám, nhà thuốc… có giá chênh lệch, không thống nhất; tình trạng giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp cao điểm, dịp nghỉ lễ…

Cũng theo ông Bình, ngoài một số nội dung cử tri phản ánh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, điều hành trong thời gian qua. Ban Dân nguyện kiến nghị UBTVQH đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo một số nội dung cử tri quan tâm hiện nay. Cụ thể:

(1) Các bộ, ngành có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn vấn đề khai thác cát, trang bị phương tiện hiện đại, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời, tăng mức xử phạt, xử lý thật nghiêm đối với các trường hợp vi phạm để răn đe, hạn chế nạn khai thác cát tràn lan như hiện nay; có biện pháp quản lý chặt chẽ, tránh để lộ lọt thông tin, nhất là số điện thoại di động của người dùng.

(2) Bộ Y tế nghiên cứu sớm bố trí, phân bổ vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 5 tuổi nhằm bảo vệ trẻ em, phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; có những quy định cụ thể nhằm siết chặt quản lý giá thuốc để bảo đảm công khai, minh bạch khi lưu hành thuốc trên thị trường, đồng thời, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng bởi thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người.

(3) Bộ Công an tăng cường công tác quản lý hoạt động tham gia giao thông, nâng cao công tác tuần tra, thanh tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với những trường hợp sử dụng xe máy điện là học sinh; chủ động rà soát, phát hiện sớm website lừa đảo, giả mạo cơ quan, đơn vị mình để cảnh báo, ngăn chặn lừa đảo trực tuyến, bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng và chính thương hiệu của tổ chức, doanh nghiệp.

(4) Bộ Giao thông vận tải tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay, rà soát cơ cấu giá thành vé máy bay của các hãng hàng không để quy định giá vé phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người tiêu dùng và các hãng hàng không…

Về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác cát, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm cho biết, thời gian qua do nguồn cung chưa đáp ứng nhu cầu, tình trạng khan hiếm cát diễn ra ở nhiều địa phương dẫn tới tình trạng khai thác, vận chuyển cát sỏi lòng sông diễn biến phức tạp. Vì vậy, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và địa phương tiếp tục thực hiện kế hoạch về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm về vi phạm pháp luật trong hoạt động cấp phép, khai thác, vận chuyển, tập kết bến bãi kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp. Trong đó, nắm chắc tình hình, thực trạng để tham mưu cho các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng có biện pháp và chính sách hợp lý, nhằm quản lý hiệu quả hoạt động cấp phép, khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu cho Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp với thực tiễn, tăng cường hiệu quả hiệu lực quản lý nhà nước, răn đe tội phạm trong lĩnh vực này. Thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn xử lý hành vi khai thác, tập kết, kinh doanh khoáng sản trái phép tại các địa bàn giáp ranh.

Cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, tránh để lộ lọt thông tin, nhất là số điện thoại di động của người dùng
Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, Bộ Công an tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện xử lý nghiêm đối với trường hợp học sinh điều khiển xe mô tô, xe máy, nhất là xe máy điện vi phạm về trật tự an toàn giao thông

Về giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ đối với đối tượng là học sinh sử dụng xe máy điện, xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu… ông Lâm cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý trên 65.491 trường hợp học sinh vi phạm. Tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục luật về giao thông. Phát động và xây dựng phong trào quần chúng nhân dân tích cực tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông; nhân rộng mô hình Cổng trường An toàn giao thông, Đội thanh niên tình nguyện, Đội cờ đỏ tại các khu vực cổng trường…

Ông Lâm cũng báo cáo về các giải pháp phòng ngừa đấu tranh đối với tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thông qua hình thức các website giả danh cơ quan chức năng, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự; kết quả trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 7 của Bộ Công an…

Báo cáo tại Phiên họp, Phó Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Phạm Thế Sự cho biết, trong tháng 7 và đầu tháng 8/2024, số lượng đoàn đông người đến Trụ sở Ban Tiếp công dân giảm so với tháng trước và đều được các cơ quan tiếp và hướng dẫn cụ thể. Với các đoàn đông người đều được tổ công tác của các địa phương phối hợp với Ban Tiếp công dân Trung ương hướng dẫn cụ thể.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian tới, Ban Tiếp công dân Trung ương sẽ điều phối tốt hơn việc tiếp công dân tại trụ sở, đặc biệt tăng cường công tác nắm tình hình địa phương; bố trí tiếp công dân trực tuyến, hạn chế công dân phải di chuyển lên trụ sở tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

“Hiện hệ thống tiếp công dân trực tuyến đã kết nối đến một số tỉnh thành phố trực thuộc trung ương và bước đầu được triển khai hiệu quả.”, ông Sự cho hay.

Cùng với đó, Ban Tiếp công dân Trung ương cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH làm tốt công tác tiếp công dân theo Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15c của UBTVQH về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Yêu cầu Bộ Công an xử lý các trang mạng lừa đảo giả mạo các cơ quan chức năng

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Ban Tiếp công dân Trung ương, các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương có giải pháp quyết liệt hơn trong phòng chống tội phạm liên quan đến khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng; vi phạm trật tự an toàn giao thông, việc sử dụng xe máy điện; xử lý các trang mạng lừa đảo giả mạo các cơ quan chức năng; phối hợp với thành phố Hà Nội và các địa phương xử lý các trường hợp khiếu kiện đông người kéo đến các cơ quan trung ương, nhất là khu nhà riêng của cán bộ cao cấp.

Cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, tránh để lộ lọt thông tin, nhất là số điện thoại di động của người dùng
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận nội dung thảo luận

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các phương án tuyển sinh đại học, chất lượng tuyển sinh, cơ hội cho thí sinh thi tuyển; đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để báo cáo UBTVQH, có thể tổ chức Phiên giải trình về nội dung này.”, ông Phương nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phân tích rõ nguyên nhân vì sao các đoàn khiếu kiện đông người giảm, nhưng diễn biến phức tạp xung quanh trụ sở của Ban Tiếp công dân trung ương và có giải pháp cụ thể giải quyết tình trạng này…/.