5 lý do khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm
17 bộ chưa giải ngân
Theo Bộ Tài chính, trong báo cáo mà Bộ vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 86.010 tỷ đồng, bằng 18,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020.
Bộ Tài chính cho hay, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Có tới 41/50 bộ, ngành, 26/60 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 17 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn. Chỉ có 5 bộ và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đạt trên 20% kế hoạch. Các đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao như: Thái Bình (76,74%), Hà Nam (50,57%), Kiểm toán nhà nước (46,89%)…
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ ra 5 nguyên nhân chính làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đầu tiên, sự chậm trễ liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Do có sự chênh lệch lớn giữa giá đất Nhà nước thu hồi với giá đền bù của nhà đầu tư theo cơ chế thỏa thuận, dẫn đến nhiều trường hợp có đất thuộc diện được Nhà nước thu hồi yêu cầu bồi thường với giá cao hơn quy định và yêu cầu thỏa thuận. Có phát sinh vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng… Tình trạng này khiến cho công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư công gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai, liên quan đến công tác đấu thầu, Bộ Tài chính cho hay tồn tại hiện nay chủ yếu do các cơ quan thực thi. Một số nơi chưa minh bạch trong tổ chức đấu thầu, còn trường hợp lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Thứ ba, khâu tổ chức thi công còn vướng mắc, do giá vật liệu xây dựng tăng cao so với thời điểm duyệt dự toán, có trường hợp nhà thầu không đủ năng lực thi công theo yêu cầu…
Nhà thầu không đủ năng lực thi công khiến nhiều dự án chậm trễ. Ảnh: VGP
Thứ tư, công tác giám sát, đánh giá hiệu quả chưa quan tâm, chưa thực hiện nghiêm túc, kịp thời mặc dù đã được quy định tại Luật Đầu tư công.
Thứ năm, đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài, tiến độ giải ngân vốn ước 4 tháng đầu năm 2021 rất thấp và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (5,92%). Ngoài các nguyên nhân chung nêu trên, việc chậm giải ngân các dự án sử dụng vốn nước ngoài còn do chưa có khối lượng giải ngân. Cụ thể, tổng trị giá khối lượng hoàn thành được Kho bạc Nhà nước xác nhận chỉ đạt 1,7% dự toán do nhiều dự án đang ở giai đoạn mời thầu, đấu thầu, đấu thầu lại, phê duyệt hợp đồng, trình phê duyệt quy hoạch. Một số dự án đã có khối lượng hoàn thành, nhưng phải chờ xác nhận, đối chiếu khối lượng 3 bên giữa chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn, nên chưa thể chốt số liệu để kiểm soát chi và đề xuất giải ngân. Cùng với đó là các vướng mắc về thủ tục điều chỉnh dự án. Theo quy định hiện nay, việc gia hạn khoản vay hay bất kỳ điều chỉnh Hiệp định vay nào dẫn đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, thì phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư trước. Quy trình điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài thường phức tạp, kéo dài dẫn đến một số dự án đã được bố trí vốn nhưng không thể rút vốn do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh. Tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát…, cũng khiến các dự án sử dụng vốn nước ngoài triển khai chậm.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn thuộc kế hoạch năm 2021 của các dự án, Bộ Tài chính kiến nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập, phối hợp với cơ quan chức năng khẩn trương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; khẩn trương lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, xã.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng và ban hành Chương trình hành động đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công các dự án được giao quản lý; nâng cao năng lực của các ban quản lý dự án; giảm thiểu tình trạng nhà thầu không đủ năng lực; tăng cường năng lực, đạo đức và trách nhiệm công vụ của cán bộ làm công tác quản lý dự án, quản lý đầu tư…/.
Bình luận