Giải ngân năm 2014 sẽ tăng mạnh

Trong 7 tháng đầu năm 2014, các dự án đàu tư ra nước ngoài chủ yếu tập trung vào thị trường Campuchia (chiếm 25% tổng số dự án), tiếp đó là: Myanmar (chiếm 14%); Lào (chiếm 10%); Hoa Kỳ (chiếm13,2%)... Lĩnh vực buôn bán thương mại được các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư mạnh nhất, chiếm tới 30,8% tổng số dự án. Tuy nhiên, lĩnh vực thông tin truyền thông mới thu hút nhiều vốn đầu tư ra nước ngoài nhất khi chiếm tới hơn nửa, đạt 58,8%, tiếp đó là nông nghiệp chiếm 32%.

Về quy mô vốn đầu tư, lớn nhất là Tanzania, mặc dù chỉ có 1 dự án nhưng chiếm tới 39% tổng vốn đăng ký phía Việt Nam. Đứng thứ hai là thị trường Campuchia (chiếm 31,8% tổng vốn đăng ký); thứ ba là Burundi (chỉ có 1 dự án chiếm 19% tổng vốn đăng ký).

Như vậy, tính lũy kế đến hết tháng 7/2014, có 890 dự án đã được cấp phép đầu tư ra nước ngoài sang 63 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký phía Việt Nam đến nay đạt 19 tỷ USD.

Các dự án tập trung chủ yếuv ào lĩnh vực khai khoáng (bao gồm cả thăm dò khai thác dầu khí) khi chiếm tới 45,5% tổng vốn đăng ký phía Việt Nam; lĩnh vực trồng cây công nghiệp (chiếm 16,24%); lĩnh vực sản xuất điện (11,17%); lĩnh vực viễn thông (9,66%). Các doanh nghiệp Việt Nam còn đầu tư vào các lĩnh vực tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản, chế biến chế tạo, thương mại buôn bán, dịch vụ, xây dựng, y tế, vận tải.

Lào là quốc gia hút được nhiều vốn đầu tư nhất của các doanh nghiệp Việt Nam (chiếm 24,89% tổng vốn đăng ký phía Việt Nam), tiếp đến là Campuchia (18%), Nga (12%), Venezuela (9,5%), Peru (7%). Các thị trường khác có vốn đăng ký chiếm dưới 5% tổng vốn Việt Nam đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Dự án đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung chủ yếu vào các ngành buôn bán thương mại (chiếm 20,34% tổng số dự án), sản xuất chế biến (14,38%), nông nghiệp,trồng trọt (13,82%), khai khoáng (bao gồm cả thăm dò khai thác dầu khí) (11,8%).

Các dự án có quy mô vốn đầu tư lớn là các dự án trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí (20 triệu – 1,8 tỷ USD), xây dựng mạng viễn thông (150 - 500 triệu USD), trồng cao su (50-80 triệu USD), ngân hàng (~40 triệu USD).

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn thực hiện lũy kế phía Việt Nam đến hết năm 2013 là 4,97 tỷ USD, dự kiến cả năm 2014 sẽ đạt thêm 1,15 tỷ USD. Như vậy, số vốn giải ngân năm 2014 sẽ tăng khá mạnh, bằng 23% vốn giải ngân từ năm 2013 trở về trước.

Đầu tư trồng cao su tại Lào của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai

Đóng góp đáng kể cho kinh tế trong nước

Tại một cuộc Hội thảo về Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi mới đây, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư ra nước ngoài, có một phần đáng kể vốn được thực hiện thông qua việc mua sắm, sử dụng hàng hóa, máy móc, thiết bị, dịch vụ từ trong nước. Điều này góp phần làm tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ra nước ngoài.

Ngoài ra, các doanh nhiệp đầu tư ra nước ngoài đã tạo ra việc làm cho khoảng trên 4 vạn lao động, trong đó lao động Việt Nam khoảng 1 vạn người, chủ yếu là lao động quản lý, kỹ sư, chuyên gia và công nhân lành nghề.

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nước ngoài và tránh những hàng rào bảo hộ thương mại của nước nhận đầu tư. Vị thế của nhiều doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, một điểm hạn chế hiện nay là các doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện đầu tư ra nước ngoài thường hoạt động một cách riêng lẻ, manh mún tại các nước, thậm chí còn cạnh tranh với nhau, không có cơ chế liên kết để tăng tiếng nói đối với cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại./.