Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tăng hơn 51%
Unitel là một biểu tượng đầu tư của Việt Nam tại Lào |
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 11 tháng năm 2024 có 151 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 555,2 triệu USD; có 22 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh 43,5 triệu USD.
Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 598,7 triệu USD, tăng 51,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về lĩnh vực đầu tư, theo Cục Đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 16 ngành. Trong đó, hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ đạt 200,5 triệu USD, chiếm 33,5% tổng vốn đầu tư; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 108,8 triệu USD, chiếm 18,2%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và điều hòa không khí đạt 94,6 triệu USD, chiếm 15,8%; khai khoáng đạt 60,7 triệu USD, chiếm 10,1%; vận tải kho bãi đạt 38,6 triệu USD, chiếm 6,5%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 38,1 triệu USD, chiếm 6,4%; dịch vụ khác đạt 10,4 triệu USD, chiếm 1,7%.
Về lãnh thổ nhận đầu tư, trong 11 tháng năm 2024, có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Lào là nước dẫn đầu với 160,7 triệu USD, chiếm 26,8% tổng vốn đầu tư; Indonesia 137,7 triệu USD, chiếm 23,0%; Ấn Độ 90,1 triệu USD, chiếm 15,0%; Hoa Kỳ 71,4 triệu USD, chiếm 11,9%; Hà Lan 54,6 triệu USD, chiếm 9,1%; Campuchia 27,6 triệu USD, chiếm 4,6%; Vương quốc Anh 20,4 triệu USD, chiếm 3,4%.
Một số dự án nổi bật của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài trong năm 2024 có thể kể đến như: VinFast chính thức động thổ nhà máy sản xuất xe điện tích hợp đầu tiên tại bang Tamil Nadu, Ấn Độ, với diện tích 160 héc-ta và tổng vốn đầu tư ban đầu 500 triệu USD trong vòng 5 năm; Tập đoàn TH khởi công dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Liên bang Nga với tổng vốn đầu tư 19 tỷ rub (hơn 190,93 triệu USD), nhằm cung cấp sản phẩm sữa chất lượng cao cho thị trường Nga và các nước lân cận,...
Thủ hiến bang Tamil Nadu, ông M.K. Stalin, Tổng Giám đốc VinFast Ấn Độ, ông Phạm Sanh Châu và các quan chức bang Tamil Nadu thực hiện lễ động thổ nhà máy VinFast |
Lũy kế đến hết tháng 11/2024, Việt Nam đang có 1.813 dự án đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư hơn 22,52 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực khai khoáng, đạt 7,03 tỷ USD, chiếm 31,32% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản với 3,39tỷ USD (chiếm 15%), và thông tin & truyền thông với 2,84 tỷ USD (chiếm 12,6%). Các quốc gia nhận đầu tư lớn nhất từ Việt Nam là Lào với 5,63 tỷ USD (chiếm 25%), Campuchia với 2,93 tỷ USD (chiếm 13,01%), và Venezuela với 1,82 tỷ USD (chiếm 8.08%).
Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trong thời gian vừa rồi cho thấy một xu hướng đa dạng hóa và mở rộng mạnh mẽ của các doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tìm kiếm cơ hội trong các lĩnh vực truyền thống mà còn tích cực mở rộng vào các ngành công nghệ cao, năng lượng và khai khoáng, đồng thời củng cố các mối quan hệ kinh tế với những quốc gia và khu vực chiến lược.
Ở chiều ngược lại, trong 11 tháng, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Về vốn thực hiện, tính đến ngày 30/11, các dự án đầu tư nước ngoài ước tính đã giải ngân được khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023./.
Bình luận