ISPF là một trong những chương trình hợp tác khoa học - công nghệ lớn nhất giữa các nhà nghiên cứu Anh với các đối tác quốc tế, có tổng trị giá 337 triệu Bảng đến năm 2025. Trong đó, 218 triệu Bảng được dành riêng cho các hoạt động hợp tác với các nước có thu nhập thấp và trung bình, nhằm góp phần giải quyết những vấn đề phát triển trên toàn thế giới.

Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Vương quốc Anh đã ủy quyền cho các tổ chức chuyên môn của Vương quốc Anh như: Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo (UKRI), các Viện Hàn lâm Quốc gia, Hội đồng Anh, Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh chịu trách nhiệm triển khai ISPF.

ISPF tập trung vào 4 chủ đề chính: Môi trường: Phát triển cuộc cách mạng công nghiệp xanh để bảo vệ hành tinh; Y tế: Đổi mới sáng tạo phục vụ những cộng đồng an toàn và khỏe mạnh; Công nghệ mới: Phát triển công nghệ một cách có trách nhiệm để phục vụ tương lai; Đào tạo nhân lực: Bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao để thực hiện các nghiên cứu liên ngành. Đây là những lĩnh vực mà Chính phủ Anh và các đối tác quốc tế đánh giá là có tiềm năng tạo tác động xã hội mạnh mẽ từ các nghiên cứu và đổi mới sáng tạo liên ngành.

Anh công bố Quỹ Hợp tác Khoa học Quốc tế với các nước đang phát triển
Quốc vụ khanh Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Vương quốc Anh, George Freeman

Cũng tại buổi họp, Quốc vụ khanh Khoa học Vương quốc Anh George Freeman đã công bố một số chương trình hợp tác với các nước ASEAN thuộc ISPF trong thời gian tới. Cụ thể, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Vương quốc Anh đang thảo luận với các đối tác Đông Nam Á về chương trình nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, ứng phó đại dịch và kháng sinh trị giá 21 triệu Bảng riêng từ nguồn đóng góp của Anh. Hội đồng Anh cũng đang chuẩn bị công bố chi tiết một chương trình hợp tác nghiên cứu trị giá 9 triệu Bảng Anh và một chương trình đào tạo nhà nghiên cứu trẻ trị giá 2,5 triệu Bảng cho các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Thông tin cụ thể về các chương trình sẽ được đăng tải trên trang web của các tổ chức chủ trì tương ứng tại Vương quốc Anh. Các nhà nghiên cứu có thể nhận bản tin về ISPF bằng cách đăng ký tại địa chỉ email ISPFenquiries@odamanagement.org.

Đại sứ Anh tại Việt Nam, Iain Frew cho biết: “Vương quốc Anh và Việt Nam đã xây dựng được nền móng hợp tác khoa học thông qua Quỹ Newton và Quỹ Nghiên cứu Thách thức toàn cầu. Với Quỹ Hợp tác Khoa học Quốc tế, chúng tôi hi vọng sẽ kết nối các nhóm nghiên cứu và trường đại học, viện nghiên cứu xuất sắc của Vương quốc Anh và Việt Nam, để thực hiện các đề tài nghiên cứu mà chỉ có hợp tác quốc tế mới có thể đem lại hiệu quả lớn lao. Từ các vấn đề kháng thuốc, nuôi trồng thủy sản bền vững, cho đến chuyển dịch năng lượng, chúng ta sẽ thực hiện các nghiên cứu một cách có trách nhiệm, không chỉ để tìm ra các giải pháp thiết thực, mà còn đóng góp vào việc xây dựng các phương pháp nghiên cứu tối ưu nhất tại địa phương và trên toàn thế giới.”

Kể từ năm 2014, sự kết nối giữa các trường đại học, viện nghiên cứu của Vương quốc Anh và Việt Nam đã được tăng cường mạnh mẽ nhờ Quỹ Newton và Quỹ Nghiên cứu Thách thức toàn cầu. Riêng với Quỹ Newton, hai nước đã cùng dành ra gần 20 triệu Bảng Anh cho 240 khoản tài trợ, kết nối 62 trường đại học và viện nghiên cứu của Vương quốc Anh và 92 trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam. Hợp tác giữa hai nước đã không chỉ tăng cường trao đổi giáo dục, xây dựng năng lực nghiên cứu chất lượng cao, mà còn đóng góp vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu như bệnh truyền nhiễm, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và chuyển đổi số./.