Ba nguyên nhân khiến chậm thực hiện kiến nghị của kiểm toán
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, về các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện các kiến nghị, kết luận kiểm toán, Điều 7, Luật Kiểm toán nhà nước đã có quy định về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán.
Theo đó, báo cáo kiểm toán nhà nước sau khi được phát hành, công bố công khai, có giá trị thực hiện bắt buộc đối với đơn vị được kiểm toán về những sai phạm tài chính công, tài sản công đã nêu trong báo cáo.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, cần kiện toàn khung khổ pháp lý về thực hiện kiến nghị trong kết luận kiểm toán |
“Kiến nghị của kiểm toán có ba nhóm vấn đề. Thứ nhất là về xử lý tài chính; thứ hai là xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan; thứ ba là hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật. Qua theo dõi có thể thấy, kiến nghị của kiểm toán thường được thực hiện từ 75%-80% cho năm liền kề với năm kiểm toán, còn 15%-20% thực hiện vào những năm tiếp theo.”, ông Tuấn cho hay.
Ông cho biết thêm, thực tế chứng minh rằng, lý do cơ bản dẫn đến chậm trễ thực hiện kiến nghị kiểm toán thuộc về ba nhóm nguyên nhân: nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán; nguyên nhân thuộc trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước và các nguyên nhân khác. Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước rất quan tâm đến việc thực hiện kiến nghị trong kết luận kiểm toán.
“Để nâng cao hiệu quả công tác này, thời gian tới, cần kiện toàn khung khổ pháp lý về thực hiện kiến nghị trong kết luận kiểm toán, nâng cao chất lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán, đôn đốc tổ chức triển khai thực hiện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương.”, ông Tuấn nói./.
Bình luận