Quy định rõ nhưng vẫn nhiều doanh nghiệp bị phạt

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính cũng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát triển, cũng như giám sát thị trường chứng khoán. Điển hình là Luật Chứng khoán năm 2006, Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2010; Nghị định số 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật Chứng khoán sửa đổi; Nghị định 108/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 23/09/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán; Nghị định số 145/2016/NĐ-CP, ngày 1/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP, ngày 23/09/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán... Nhờ đó thị trường chứng khoán phát triển ngày càng lành mạnh hơn.

Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp vừa lên sàn hoặc chuẩn bị lên sàn đã bị xử phạt vẫn còn nhiều.

Theo số liệu tổng hợp từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ đầu năm 2017 đến nay có hơn 30 quyết định xử phạt đối với các doanh nghiệp vừa lên sàn hoặc chuẩn bị lên sàn. Điển hình như ngày 3/1, Dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài bị phạt 60 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật; Ngày 5/1, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hapaco bị phạt 70 triệu đồng do đã vi phạm công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.

Mới đây nhất là Công ty cổ phần Khoáng sản 3 - VIMICO đã phải lùi ngày giao dịch đầu tiên trên UPCoM để thực hiện quyết định xử phạt của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Công ty bị phạt 300 triệu đồng do từ ngày 7/11/2013 đến 5/7/2014, Công ty chào bán 2 triệu cổ phiếu ra công chúng, nhưng không đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Công ty buộc phải thu hồi chứng khoán đã chào bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư. Hay, Công ty Cổ phần Chứng khoán VSM bị phạt tiền 100 triệu đồng do vi phạm quy định về hạn chế đầu tư của công ty chứng khoán.

Nhiều doanh nghiệp khác bị xử phạt trong vòng từ đầu năm đến nay, như: Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Bạc Liêu bị phạt 165 triệu đồng bởi chậm nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng và phát hành tăng vốn điều lệ (2 lần, vào các năm 2015 và 2016) nhưng không báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước; Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một bị phạt số tiền 350 triệu đồng do chào bán chứng khoán mà không đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Vẫn còn nhiều doanh nghiệp bị phạt khi lên sàn giao dịch chứng khoán

Có phải chỉ là do vô tình phạm luật?

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong số hơn 30 quyết định xử phạt được đưa ra kể từ đầu năm 2017 đến nay, có 2/3 số trường hợp, đối tượng vi phạm là các doanh nghiệp đại chúng chưa lên sàn. Không ít sai phạm xảy ra từ những năm trước, trong khi doanh nghiệp đã đại chúng hóa, chịu sự điều chỉnh của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Một lý do dễ hiểu nhất được đưa ra là do doanh nghiệp mới lên sàn, nên một mặt chưa nắm chắc các quy định về nghĩa vụ công bố thông tin, mặt khác chưa tạo được nề nếp và thói quen minh bạch thông tin, do đó thường hay bị xử phạt.

Tuy nhiên, không ít trường hợp vi phạm có dấu hiệu cố ý. Liên quan đến hành vi không công bố thông tin, trường hợp Công ty cổ phần Việt An (AVF) là một ví dụ. Sau khi công bố báo cáo tài chính tự lập năm 2014, AVF không công bố báo cáo tài chính kiểm toán theo quy định. Sau nhiều lần nhắc nhở, để bảo vệ lợi ích cổ đông AVF, Sở Giao dịch chứng khoán đã quyết định hủy niêm yết cổ phiếu này.

Một trường hợp bị xử phạt đáng chú ý gần đây là Công ty cổ phần Dầu thực vật Sài Gòn (SGO) tổ chức đại hội đồng cổ đông năm 2016 không đúng thời hạn quy định, không công bố thông tin về việc chốt danh sách cổ đông họp đại hội cổ đông trên trang thông tin điện tử, không gửi thông báo mời tất cả các cổ đông tham dự đại hội cổ đông, thông tin công bố trên trang thông tin điện tử và bản cáo bạch niêm yết có nhiều nội dung không chính xác… Với hàng loạt vi phạm nghiêm trọng, nhiều nhà đầu tư không chấp nhận giải trình của SGO: “Công ty mới lên sàn nên còn chưa am hiểu rõ về luật chứng khoán, thị trường chứng khoán, cũng như công bố thông tin”.

Doanh nghiệp phớt lờ công bố thông tin dù được nhắc nhở đến 4 - 5 lần thì không thể không biết mình đang vi phạm. Với cá nhân thao túng giá cổ phiếu, không thể giải thích rằng mình không biết đây là hành vi phạm pháp. Hay công ty chứng khoán, vốn là đơn vị tư vấn nghiệp vụ cho nhiều doanh nghiệp niêm yết và khách hàng cá nhân, có chứng chỉ nghiệp vụ và các bộ phận quản trị rủi ro đầy đủ, không thể giải thích rằng, công ty không nắm rõ quy định về cho vay giao dịch ký quỹ.

Thiết nghĩ, khi đã quyết định lên sàn các doanh nghiệp cần phải xác định rõ những “thiệt - hơn” từ đó mới có kế hoạch rõ ràng cho doanh nghiệp mình. Khi lên sàn doanh nghiệp sẽ có nhiều cái lợi về mặt uy tín, thương hiệu, về khả năng tiếp cận kênh huy động vốn mới… nhưng nếu vi phạm bị xử phạt thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giá cổ phiếu, niềm tin của nhà đầu tư... Bởi, thị trường chứng khoán là môi trường rất nhạy cảm với biến động thông tin, là nơi không chỉ những thông tin chính thống mà ngay cả những tin đồn cũng dễ khiến giá cổ phiếu tăng/giảm bất thường./.

Nguồn tham khảo:

1. http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/dung-de-vua-len-san-da-bi-phat-181799.html

2. http://cafef.vn/chung-khoan-vsm-bi-phat-100-trieu-dong-do-vi-pham-quy-dinh-ve-han-che-dau-tu-20170324180106292.chn