Hội nghị nhằm thảo luận về cải cách hành chính trước thềm Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA) dự kiến sẽ đi vào hiệu lực từ ngày 01/8 tới đây.

Đồng thời, Hội nghị được tổ chức kết hợp với Lễ ra mắt Sách Trắng EuroCham, ấn bản lần thứ 12. Đây là báo cáo thường niên của EuroCham, trong đó tổng hợp các vấn đề quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của 17 Tiểu ban ngành nghề thuộc EuroCham, cùng với kiến nghị mà Chính phủ có thể thực hiện nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường thương mại và đầu tư với EU.

Việt Nam hiện đang có cơ hội vàng để tận dụng EVFTA

Tại Hội nghị, Chủ tịch EuroCham, ông Nicolas Audier đánh giá cao Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và cho rằng, Việt Nam có thể trở thành mô hình thành công trong ứng phó với dịch bệnh.

Ông Nicolas Audier khẳng định, đây là thời điểm phù hợp để triển khai thành công EVFTA, bởi Việt Nam đang phục hồi sau dịch Covid-19 và EVFTA sẽ giúp đẩy mạnh quan hệ Việt Nam và EU. Khi EVFTA có hiệu lực, cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam phải hợp tác chặt chẽ với nhau, đảm bảo việc thực thi suôn sẻ và thành công Hiệp định là rất quan trọng. Trong đó, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy những tiến bộ tích cực trong cải cách hành chính, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư và hiện đại hóa khung pháp lý.

Ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Hoàng Anh.

Đồng thời, Chủ tịch EuroCham cũng cho biết, ấn bản Sách Trắng 2020 (lần thứ 12) năm nay, nhằm chia sẻ mục tiêu với Chính phủ về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong khi các nền kinh tế khác trên thế giới còn đang phải vật lộn với tác động của đại dịch Covid-19, thì Việt Nam hiện đang có cơ hội vàng để tận dụng EVFTA và thu hút FDI từ các công ty EU, những doanh nghiệp đang tìm kiếm thị trường mở, cạnh tranh và thân thiện với doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đây là lần thứ 3 kể từ năm 2018, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đối thoại với EuroCham và đã trở thành hoạt động thường niên của Hội đồng Tư vấn và EuroCham tại Việt Nam.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ghi nhận những nỗ lực của EuroCham trong hoạt động công bố Sách Trắng 2020 và đánh giá cao chủ đề của Sách Trắng EuroCham năm nay là Cải cách thủ tục hành chính, vai trò thiết yếu trong thực thi EVFTA. Ấn bản đã phản ánh thực chất những mong muốn của EuroCham trong việc thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cũng khẳng định, với những nền tảng vững chắc, sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, việc triển khai Hiệp định EVFTA và tới đây là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam - EU (EVIPA) sẽ tạo dựng những khuôn khổ ổn định, lâu dài nhằm tối đa hóa tiềm năng hợp tác, đưa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư tương xứng với tầm vóc của quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - EU.

Đánh giá về EVFTA, bà Axelle Nicaise, Phó Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, đây là Hiệp định đầy tham vọng, nhưng toàn diện, đặt ra lộ trình cho quan hệ song phương trong tương lai gần.

Bà Axelle Nicaise cho biết, ngay khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp theo, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, sẽ áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm, hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ) theo cam kết WTO hoặc không cam kết.

Ngoài ra, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ được hưởng những lợi ích hữu hình từ EVFTA, như: thuế quan đối với mặt hàng dệt may, giày dép và thủy sản sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm; mật ong lập tức được hưởng thuế quan 0% khi xuất sang EU, mà không cần hạn ngạch...

Tuy nhiên, theo bà Axelle Nicaise, EVFTA không chỉ đơn thuần là gỡ bỏ thuế quan, mà những lợi ích lớn nhất của EVFTA mang lại là việc tăng cường minh bạch và tính dễ đoán của khung pháp lý và môi trường kinh doanh tại Việt Nam, cũng như thúc đẩy tái cơ cấu lại sản xuất và đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của khu vực. Đồng thời, giúp Việt Nam đón luồng FDI mạnh hơn, hàm lượng chuyển giao công nghệ tốt hơn và tận dụng lực lượng lao động trẻ để hướng đến xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, bà Axelle Nicaise cho rằng, việc thực hiện FVFTA cũng sẽ đối diện với những thách thức, trong đó, thách thức lớn nhất là làm thế nào để cộng đồng doanh nghiệp của cả Việt Nam và EU tận dụng hết những lợi ích của Hiệp định, đặc biệt là các ưu đãi khi gia nhập thị trường. Do đó, rất cần đến những nỗ lực hết sức của Chính phủ Việt Nam.

Nhiều giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

Đánh giá về tình hình tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, mặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 chỉ đạt mức 2,7%-4,9%, do nền kinh tế chịu tác động cả ở phía cung và cầu, nhưng các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam là một trong số ít nước đạt được mức tăng trưởng dương và chịu ảnh hưởng của dịch bệnh thấp hơn so với các nước khác.

Để kịp thời ứng phó với đại dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội.

Đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công, từ việc xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc thủ công sang giải quyết công việc trên môi trường điện tử, phi giấy tờ.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Hồng Ánh.

Theo đó, từ đầu năm 2020 đến nay, Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay là 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Việc giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện và dịch vụ công qua triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhận được nhiều phản hồi tích cực. Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công Quốc gia sau hơn 6 tháng đi vào hoạt động, đã tích hợp, cung cấp 725 dịch vụ công trực tuyến (tăng 90 lần so với thời điểm khai trương và 4,5 lần so với 3 tháng trước). Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng Dịch vụ công Quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, để hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp cần thẳng thắn chia sẻ, nêu cụ thể các khó khăn vướng mắc đang là cản trở lớn với phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, các rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất hoan nghênh và khuyến khích các đại biểu hiến kế trực tiếp để tháo gỡ các rào cản đó.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch EuroCham cho rằng, để thực thi EVFTA, Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa hỗ trợ cho doanh nghiệp, giải quyết vấn đề, như: giấy phép lao động với người lao động nước ngoài, mở cửa cung cấp visa cho người lao động nước ngoài…

Đồng thời, để thu hút đầu tư nhiều hơn từ EU, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn trong việc thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư cởi mở cho doanh nghiệp. EU cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam cải cách thủ tục hành chính, như: đầu tư vào dược phẩm, phát triển và tăng trưởng xanh, tăng cường sự hợp tác khu vực công tư...

Để thực thi thành công EVFTA, bà Axelle Nicaise cũng cho rằng, Việt Nam cần đảm bảo tính tuân thủ nguyên tắc, vì EVFTA là yếu tố ban đầu thúc đẩy cải cách hành chính, môi trường đầu tư của Việt Nam cởi mở, hấp dẫn hơn; đồng thời, chuyển đổi công nghệ, thúc đẩy quyền sở hữu trí tuệ, yêu cầu minh bạch cũng như thực thi cam kết về bảo vệ môi trường…/.