Cần ưu tiên thỏa đáng nguồn lực tài chính để mua sắm phương tiện chữa cháy, kể cả trang bị máy bay
Đề nghị bổ sung quy định rõ hơn các chính sách ưu đãi của Nhà nước về trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy
Tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, hôm nay (ngày 28/8), các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đề cập đến chính sách của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Điều 4), bà Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho biết: Tại Khoản 5 Điều 4 dự thảo Luật quy định: “bố trí phù hợp lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bám sát địa bàn cơ sở...”.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc đề xuất, cần tập trung đầu tư phương tiện phòng cháy, chữa cháy đến các huyện, cấp xã |
Với quy định trên, bà Ngọc đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật nên xem xét, nghiên cứu bổ sung thêm cụm từ “bố trí cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bám sát địa bàn cơ sở...”. Bởi nếu chỉ quy định riêng về lực lượng, mà không có phương tiện, thiết bị để phục vụ, thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ không thể thực hiện được.
Bà phân tích, yêu cầu của công tác cứu nạn, cứu hộ, dập tắt đám cháy phải thực hiện nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phải hành động dũng cảm, quyết đoán trong điều kiện môi trường rất khắc nghiệt, có mức độ nguy hiểm, rủi ro rất cao với mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân và tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, công tác phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở gặp nhiều khó khăn, nhất là cấp huyện và cấp xã. Khi có báo cháy, xe chuyên dụng chữa cháy di chuyển đến các điểm ở xa, thì cơ bản đám cháy đã cháy xong nên rất khó khăn. Mặt khác, thực tế phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được trang bị còn thiếu, lạc hậu và kém chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu và tình hình thực tế. Vì vậy, cần tập trung đầu tư phương tiện phòng cháy, chữa cháy đến các huyện, nếu ở những nơi có điều kiện có thể đầu tư đến cấp xã những loại phương tiện thiết yếu.
Bà Ngọc cũng đề nghị bổ sung quy định rõ hơn các chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước về xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Theo đó, quan tâm đầu tư đúng mức cho đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời, cần có sự ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm đầu tư, trang bị những phương tiện tiên tiến, hiện đại, kể cả việc trang bị máy bay, nhằm phục vụ tốt nhất và đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong cứu người bị nạn, cứu tài sản, dập tắt đám cháy. Có như vậy, mới giải quyết được những khó khăn hiện nay và sẽ giúp cho công tác phòng cháy, chữa cháy đạt hiệu quả hơn, tạo sự yên tâm trong nhân dân.
Sớm điều chỉnh hệ thống tiêu chuẩn - quy chuẩn kỹ thuật, để đáp ứng sự phát triển nhanh của lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị
Để hiện đại hóa các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho rằng, Chính phủ cần sớm điều chỉnh hệ thống tiêu chuẩn - quy chuẩn kỹ thuật, để đáp ứng sự phát triển nhanh của lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị. Tăng cường sử dụng, phát huy công nghệ hiện đại để giải quyết tốt những yếu tố bất lợi về thoát nạn, cứu người trong nhà cao tầng. Cụ thể như: tăng cường trang bị hoặc có chính sách trợ giá, chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học trong nước, phát minh thêm nhiều tính năng của Robot – điều khiển từ xa trong chữa cháy, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia chữa cháy trong những vụ việc nguy hiểm. Vấn đề này liên quan đến Điều 51 và một số điều khoản trong dự thảo Luật, tuy nhiên, cần được xem xét bổ sung để hoàn chỉnh hơn.
“Chính phủ cần tăng cường biện pháp chế tài đối với các công trình vi phạm, các yêu cầu an toàn về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là trong việc thực hiện những quy định; trong công tác quy hoạch, xây dựng, thẩm định và nghiệm thu công trình. Mặc dù Điều 14 đã quy định về phòng cháy, chữa cháy khi lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch xây dựng, nhưng cần được nghiên cứu bổ sung đề hoàn thiện hơn trong thời gian tới.”, bà Vang đề nghị.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị, bổ sung quy định về thiết bị truyền tin báo sự cố |
Ở một khía cạnh có liên quan, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng, khi lập, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế xây dựng mới, thay đổi công năng sử dụng hoặc cải tạo công trình phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với công năng, đặc điểm của công trình và bảo đảm các yêu cầu từ điểm a đến điểm g của Điều 15. Việc trang bị thiết bị truyền tin báo sự cố cũng cần được bố trí, thiết kế từ ban đầu để đảm bảo thông tin báo sự cố (cháy, tai nạn; báo lỗi của hệ thống thiết bị báo cháy) của các cơ sở được thực hiện thông qua thiết bị truyền tin báo sự cố đến hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan công an kịp thời.
“Tại Khoản 1 Điều 15 của dự thảo Luật, đề nghị bổ sung thêm một điểm quy định về thiết bị truyền tin báo sự cố. Việc bổ sung quy định này tại Luật là phù hợp với thực tế và quy định hiện hành tại Điều 11, Thông tư số 149/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an.”, bà Hà kiến nghị.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra tham mưu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo tiếp thu, giải trình và tiếp thu, chỉnh lý, hoàn chỉnh Luật để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8./.
Bình luận