Bức tranh sáng từ chính sách tiền tệ

Hội thảo “Hoạt động quản lý điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn 2011 2015 và những tác động với nền kinh tế” được tổ chức ngày 17/12 quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực tài chính cùng nhau đánh giá những tác động của chính sách tiền tệ giai đoạn qua.

GS. TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh giá trong giai đoạn 2011-2015, kinh tế Việt Nam đã phải đối mặt và vượt qua rất nhiều những khó khăn xuất phát từ cả bên trong lẫn bên ngoài nền kinh tế. Đặc biệt, kinh tế trong nước bộc lộ bất ổn vĩ mô, lạm phát tăng cao, thị trường bất động sản “đóng băng”, cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt, mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cao, tỷ giá biến động... Trong bối cảnh đó, NHNN đã chèo lái, điều chỉnh chính sách tiền tệ một cách hiệu quả, về cơ bản đã thực hiện được mục tiêu đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kinh tế Việt Nam nói chung, khu vực tài chính nói riêng.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phân tích, nếu như năm 2011, GDP tăng 6,2%, lạm phát 18,13%, thì năm 2015, GDP ước đạt trên 6,5% và lạm phát ở mức thấp trong khi nhu cầu trong nước về tiêu dùng và đầu tư tăng lên. Đó là bức tranh sáng sủa về chính sách vĩ mô.

Theo Phó Thống đốc, với những nỗ lực của Chính phủ và NHNN trong công tác điều hành lãi suất, chỉ trong thời gian ngắn, lãi suất cho vay đã giảm hơn một nửa, giảm từ 20%/năm (thậm chí 24%/năm ở một số thời điểm) xuống chỉ còn 9-11% và còn khoảng 6,5%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên. Về tăng trưởng tín dụng, trước đây tín dụng tăng trưởng 30%/năm là nguyên nhân tích tụ nợ xấu nhưng vài năm trở lại đây, tín dụng đã được kiểm soát, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng kinh tế.

Phó Thống đốc cũng cho biết, nếu như cuối năm 2011, căng thẳng thanh khoản và có nguy cơ đổ vỡ hệ thống, nhưng giờ đây nguy cơ đổ vỡ đã bị đẩy lùi. Vào thời điểm này những năm trước, NHNN vô cùng vất vả trong hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại (NHTM) thì mấy năm gần đây NHNN không cần tái cấp vốn để hỗ trợ thanh khoản, thị trường và tính cạnh tranh, quản trị tại các ngân hàng tốt hơn.

Theo nhận xét của PGS, TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện tài chính ngân hàng (thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân): “Có thể nói NHNN trong thời gian qua có chính sách tiền tệ khá thành công. Điều này xuất phát từ lựa chọn mục tiêu chính xác nên có cách thức điều hành thích hợp. Cùng với đó là hài hòa trong sử dụng biện pháp hành chính kiên quyết với biện pháp kinh tế mềm dẻo”.

Chẳng hạn như việc áp dụng trần lãi suất huy động đã giúp giảm động cơ cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức tín dụng, hỗ trợ siết chặt kỷ luật thị trường, trong khi đó việc quy định trần lãi suất cho vay, đặc biệt đối với lĩnh vực ưu tiên sẽ làm gia tăng cơ hội tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp.

Ông Đức cho rằng, một trong những thành công của NHNN giai đoạn qua là đã từng bước giảm dần tình trạng đô la hóa thông qua biện pháp hạn chế tín dụng ngoại tệ, điều chỉnh lãi suất huy động USD. Đặc biệt, thị trường vàng dần đi vào ổn định, hoạt động kinh doanh vàng được đảm bảo.

Ý kiến này được sự đồng tình lớn của Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước. Theo ông, thành công lớn nhất của chính sách tiền tệ giai đoạn 2011 – 2015 là việc xóa bỏ tâm lý coi vàng là đồng tiền thứ 3 tại các tổ chức tín dụng. Vàng đã bị đẩy ra khỏi bảng tài sản của tổ chức tín dụng, giảm tác động của đầu cơ vàng, buôn lậu vàng lên tỷ giá. Ông Phước đánh giá: “Đây là hành động dũng cảm của NHNN”.

Đối với nhiệm vụ tái cấu trúc hệ thống TCTD trong đó có việc mua lại 3 NHTM 0 đồng chịu nhiều chỉ trích của công luận. Song, ông Phước cho rằng Thủ tướng đã ban hành Quyết định 48 cho phép NHNN tham gia vào NHTM, khi các NHTM hoạt động yếu kém, gây bất ổn, thua lỗ thì NHNN phải tiếp quản, chấn chỉnh lại. Vì vậy, việc mua lại 0 đồng là bình thường, đương nhiên và không sao cả bởi sau đó hoạt động của các ngân hàng này và cả hệ thống ngân hàng ổn định hơn. Các chuyên gia tại Hội thảo cũng đánh giá hành động của NHNN là đúng và tích cực.

Nhiều ý kiến khác tại Hội thảo đều đánh giá cao sự điều hành của NHNN giai đoạn 2011-2015, nhận được đồng thuận cao. Như nhận xét của TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh BDI, tại Hội thảo: "Nhìn lại chính sách tiền tệ 5 năm qua, chưa bao giờ Việt Nam đạt được sự đồng thuận đến như vậy, từ Chính phủ, NHNN, các bộ ban ngành, các doanh nghiệp đều hưởng ứng chính sách tiền tệ giúp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng".

Phía trước vẫn còn thách thức

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng kể, nhưng các đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều thách thức đối với ngành ngân hàng.

Ông Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, chỉ ra những thách thức lớn đối với ngành ngân hàng trong thời gian tới. Đó là, dư địa chính sách tài khóa và tín dụng không còn nhiều. Bên cạnh đó, rủi ro địa chính trị, tài chính toàn cầu, chính sách điều hành của ngân hàng trung ương các nước lớn tác động lan tỏa dễ gây tổn thương tới hệ thống tài chính Việt Nam, áp lực lớn cho thiết kế điều hành chính sách tiền tệ. Và cuối cùng, quy mô tài chính, chất lượng tài sản, chất lượng quản trị công ty của các NHTM Việt Nam còn hạn chế trong khi hội nhập càng sâu rộng.

Với những kết quả đạt được giai đoạn qua, ông Phạm Xuân Hoè cho rằng, trong giai đoạn tiếp theo, NHNN cần nhanh chóng đánh giá quá trình tái cấu trúc để điểm mặt NHTM có khả năng vượt trội cho phép nới room cá biệt để kêu gọi vốn nhà đầu tư quốc tế, nâng tầm 1 - 2 NHTM đạt trình độ khu vực vào năm 2020. Bên cạnh đó, cần một nghị quyết đặc biệt hoặc pháp lệnh của Quốc hội để tháo gỡ các nút thắt về pháp lý trong xử lý nợ xấu như phân chia rõ trách nhiệm về tài chính trang trải cho khoản lỗ khi bán khoản nợ xấu (Nhà nước - NHTM - khách hàng vay) để mở đường cho thị trường mua bán nợ phát triển.

Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực thì cho rằng, khó khăn thách thức đối với NHNN trong thời gian tới bao gồm nhiều chính sách tài khoá tạo ra gánh nặng lớn với chính sách tiền tệ, các chính sách chưa được đồng nhất và thị trường tài chính ngân hàng ngày càng phát triển tinh vi phức tạp. Vì vậy, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng như các chính sách khác cần được phối hợp đồng bộ và nhịp nhàng hơn cũng là để quản lý giám sát các tập đoàn tài chính.

Dự đoán thị trường năm 2016, TS. Cấn Văn Lực cho rằng câu chuyện tỷ giá và lãi suất sẽ tiếp tục nóng. Bối cảnh 2016 sẽ rất phức tạp, dòng vốn dịch chuyển đa dạng và phức tạp. Do đó, chính sách tỷ giá cần được điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn nữa.

Theo ông Lực, nếu thị trường vẫn cần tín hiệu của NHNN thì có thể công bố nhưng có điều kiện là trong bối cảnh bình thường, còn nếu thị trường biến đổi thì có thể linh hoạt. Tỷ giá liên ngân hàng có thể được công bố hàng ngày nhưng tỷ giá là hàng giờ, vì vậy NHNN cần công bố tần suất nhiều hơn.

Bên cạnh đó, cung tiền nên được kiểm soát tăng trưởng như hiện nay ở mức 16-18%/năm để đảm bảo kiểm soát lạm phát và ít có tác động mạnh thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Việc điều hành chính sách tín dụng cần theo hướng mở rộng tín dụng có hiệu quả, đi đôi với an toàn và chất lượng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý./.