Có dấu hiệu thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực khoa học công nghệ
Sử dụng kinh phí, sự nghiệp khoa học công nghệ còn thất thoát, lãng phí
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4 đang diễn ra, Quốc hội thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Long An), đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát toàn diện về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cả giai đoạn 2016-2021. Qua giám sát đã chỉ rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, phát hiện nhiều sai sót để từ đó có những kiến nghị giải pháp khắc phục. Báo cáo nêu việc quản lý, sử dụng kinh phí, sự nghiệp khoa học công nghệ chưa triệt để, tiết kiệm chưa hiệu quả, còn thất thoát, lãng phí, mà chưa chỉ ra được cơ quan, tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí.
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Long An), cử tri còn băn khoăn về chất lượng nghiên cứu khoa học, hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ |
“Cử tri phản ánh là có dấu hiệu thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Cụ thể là việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ tại doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc, dẫn đến tiền trong Quỹ còn nghẽn, là một sự lãng phí rất lớn về nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Vấn đề đặt ra tại sao những vướng mắc trong quản lý sử dụng Quỹ tồn tại suốt trong 5 đến 6 năm qua, mà vẫn không thể giải quyết triệt để và sẽ còn kéo dài đến khi nào?”, ông Anh đặt câu hỏi.
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Long An), tuy trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, song Nhà nước vẫn luôn quan tâm đầu tư cho khoa học công nghệ. Tuy nhiên, cử tri còn băn khoăn về chất lượng nghiên cứu khoa học, hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ. Cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong phê duyệt, cấp kinh phí và triển khai thực hiện tất cả các nhiệm vụ khoa học công nghệ bị dừng thực hiện và thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước nếu có. |
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị cần rà soát tổng thể để đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định về quản lý, sử dụng Quỹ khoa học công nghệ tại doanh nghiệp. Thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu đo lường hiệu quả đầu tư cho khoa học công nghệ, từ đó đánh giá đúng mức đóng góp của khoa học công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia về khoa học công nghệ.
Cùng mối quan tâm, Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho rằng, việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục chưa được tiết kiệm, chưa có hiệu quả, còn thất thoát, lãng phí…
“Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát đã chỉ ra rất cụ thể, các mặt còn tồn tại, gây thất thoát, lãng phí, đồng thời chỉ rõ nguyên nhân của các tồn tại đó. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra tiếp theo là ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại, tổn thất, lãng phí đó; giải pháp để xử lý tiếp theo các tồn tại đó như thế nào?”, ông Trí đặt vấn đề.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt giải trình gì?
Giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, mặc dù chưa có cơ sở tổng hợp, xác định thực tế chi ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ có đạt hay không so với mức quy định, nhưng trong bối cảnh cân đối chi ngân sách nhà nước còn khó khăn, chi thường xuyên cho khoa học công nghệ vẫn luôn được Quốc hội thông qua trung bình khoảng 0,79% tổng chi ngân sách nhà nước.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ đã cố gắng hình thành một hệ thống các chỉ tiêu thống kê để phản ánh được tình hình, kết quả hoạt động khoa học công nghệ chủ yếu của đất nước |
Bộ trưởng cho biết, mặc dù hoạt động công nghệ là hoạt động có nhiều tính đặc thù, bản chất nghiên cứu khoa học là có tính mới, tính rủi ro, có độ trễ, các nghiên cứu khoa học triển khai trong nhiều giai đoạn và nhiều kết quả nghiên cứu thành công còn cần tiếp tục được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, hoặc nguồn lực của xã hội để phát huy trong thực tế.
“Thời gian qua, Bộ đã cố gắng hình thành một hệ thống các chỉ tiêu thống kê để phản ánh được tình hình, kết quả hoạt động khoa học công nghệ chủ yếu của đất nước, làm cơ sở cho việc đánh giá tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển khoa học công nghệ từng thời kỳ…”, ông Đạt cho hay.
Cũng theo Bộ trưởng, trong giai đoạn vừa qua, đóng góp của ngành khoa học công nghệ vào sự phát triển kinh tế- xã hội có thể được đánh giá gián tiếp thông qua một số chỉ tiêu bao gồm: Chỉ số đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp GDP vào tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao… Các chỉ tiêu này trong giai đoạn 2016-2020 đều tăng trưởng tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước.
“Từ năm 2013 đến nay, hàng năm Bộ công bố Sách trắng về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và các tổ chức liên quan xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương, tổ chức đánh giá, thử nghiệm tại một số địa phương nhằm đo lường năng lực, kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương, qua đó đánh giá được mối tác động giữa các hoạt động khoa học công nghệ với sự phát triển kinh tế xã hội từng vùng…”, ông Đạt giải trình./.
Bình luận