Trả lời câu hỏi chất vấn về cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến thanh quyết toán tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, diễn ra sáng nay (ngày 8/11), Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay, việc chi tiêu, thanh quyết toán các nhiệm vụ khoa học công nghệ phải tuân thủ Luật Kế toán, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đấu thầu.

Thời gian qua, dù đã có thông tư liên tịch quy định về việc khoán chi trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, qua đó đơn giản hóa thủ tục kiểm soát chi của Kho bạc nhà nước, nhưng trách nhiệm kiểm soát chi lại giao cho các đơn vị quản lý kinh phí của các bộ, các ngành, đơn vị chủ trì.

Có lúc hồ sơ thanh toán, quyết toán nhiều hơn hồ sơ khoa học
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ cần được áp dụng các cơ chế đặc thù hơn so với các nhiệm vụ chi khác từ ngân sách nhà nước

“Nhà khoa học vẫn phải hoàn thiện các chứng từ thực thanh, thực chi hợp pháp cho các nội dung thanh toán, phải thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu thầu, mua sắm, phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN). Đó là nguyên nhân dẫn đến có lúc, hồ sơ thanh toán, quyết toán lại nhiều hơn hồ sơ khoa học của nhiệm vụ khoa học.”, ông Đạt nói.

Bộ trưởng cho biết, về bản chất, trong khi hiệu quả hoạt động nghiên cứu có độ trễ, chưa được chứng minh ngay, sản phẩm của nhiệm vụ khoa học công nghệ còn có nhiều yếu tố vô hình, khó lượng hóa, đánh giá rõ ràng thông qua các chỉ tiêu kỹ thuật. Tuy nhiên, quan điểm của cơ quan nhà nước khi xem xét hiệu quả sử dụng NSNN vẫn gắn với việc kiểm soát tính đầy đủ của chứng từ chi tiêu. Trong thực tế, dù Kho bạc nhà nước không thực hiện kiểm soát chi, nhưng khối lượng các chứng từ chi tiêu, đấu thầu, mua sắm mà tổ chức chủ trì phải lưu giữ để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra gần như không thay đổi so với khi sử dụng phương pháp khoán chi từng phần.

“Để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập này, hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ cần được áp dụng các cơ chế đặc thù hơn so với các nhiệm vụ chi khác từ NSNN. Nếu không làm được điều này, thì sẽ khó có được cơ chế tài chính thực sự đơn giản hóa để “cởi trói” cho các nhà khoa học trong việc thực hiện thanh toán, quyết toán các nhiệm vụ khoa học công nghệ của mình.”, ông Đạt thẳng thắn.

Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay, Bộ Khoa học Công nghệ đang phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng NSNN, nghiên cứu kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 95/2014/NĐ-CP về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ, đề xuất các quan điểm nhằm giải quyết căn cốt các nội dung này trong đề xuất sửa đổi Luật Khoa học công nghệ trình Quốc hội trong thời gian sắp tới.

Bộ cũng đang rà soát đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia, để đảm bảo sự công khai, minh bạch.

Liên quan đến sự kết nối trường – viện – thị trường, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 25/CT-TTg, ngày 05/10/2023 về phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. Đây là một cơ sở quan trọng để sắp tới ban hành đề án phát triển thị trường khoa học công nghệ, trước hết ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, qua đó tạo điều kiện để có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa trường – viện và thị trường…/.