Covid-19 thay đổi cách nhìn của người tiêu dùng về môi trường và tiêu dùng bền vững
Tiêu dùng bền vững đang ngày càng được quan tâm hơn
Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những tác động lớn tới mọi mặt của đời sống, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế và an toàn sức khỏe, tính mạng của nhiều người trên thế giới. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng mang lại một số hiệu ứng tích cực nhất định, trong đó có nhận thức của người tiêu dùng về tiêu dùng bền vững.
Khảo sát mới đây của Viện nghiên cứu Giá trị doanh nghiệp thuộc IBM đối với 14.000 người đến từ 9 quốc gia cho biết, 90% người được khảo sát trả lời rằng, Covid-19 đã làm thay đổi cách nhìn của họ về các vấn đề liên quan đến môi trường và tiêu dùng bền vững.
Doanh nghiệp, cửa hàng dần sử dụng túi giấy thay cho túi ni-lông, hộp nhựa |
Mức độ sẵn sàng thay đổi hành vi cũng thay đổi rõ rệt khi 55% người tiêu dùng cho biết, tính bền vững là yếu tố rất quan trọng hoặc cực kỳ quan trọng khi lựa chọn thương hiệu. 62% người tiêu dùng cũng sẵn sàng thay đổi hành vi mua hàng để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa có dữ liệu chính thức về chuyển đổi nhận thức của người tiêu dùng về các giá trị bền vững sau dịch bệnh, nhưng có thể thấy, tiêu dùng bền vững đang ngày càng được quan tâm hơn trong cộng đồng người tiêu dùng và cả doanh nghiệp.
Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg công nhận ngày 15 tháng 3 là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
Năm nay, sự kiện Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam có chủ đề “Kinh doanh lành mạnh – Tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới”. Chủ đề này kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các giá trị bền vững trong chính sách kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như trong tiêu dùng hàng ngày của người tiêu dùng.
DN cần giảm lượng bao bì nhựa chỉ sử dụng 1 lần
Mặc dù Covid-19 mang đến rất nhiều bất lợi và khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng thực tế cho thấy, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp có thể phát triển theo hướng bền vững hơn, hướng tới các giá trị cộng đồng nhiều hơn.
Để làm được điều này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, phân phối có thể sử dụng vật liệu xanh, thân thiện với môi trường trong kênh phân phối. Đồng thời, cho phép người tiêu dùng chủ động trong việc không dùng sản phẩm nhựa khi mua hàng từ xa.
Bên cạnh đó, tạo cơ chế để người tiêu dùng tiếp tục mua hàng một cách bền vững thông qua cơ chế “làm đầy” (refill) – cho phép người tiêu dùng mang chai, lọ đã sử dụng đến để đựng sản phẩm.
Hoạt động này nhằm giảm lượng bao bì nhựa chỉ sử dụng 1 lần hoặc những sản phẩm khó phân huỷ, bao gồm các sản phẩm gia dụng thường gặp trong nhà, dành cho cả người lớn và trẻ em, hoặc khi mang đi.
Ngoài ra, không gói hàng quá kỹ, quá nhiều gây lãng phí nguyên, vật liệu. Nếu có thể, cân nhắc việc thay thế quy trình sản xuất sử dụng năng lượng tự nhiên sang năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời…/.
Bình luận