Tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ trong thực hành ESG để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững
Trong bối cảnh thực hành ESG trở thành một yêu cầu bắt buộc để có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng không nhỏ của yếu tố S (Xã hội) và G (Quản trị), đồng thời cũng quan tâm, chú trọng hơn đến việc thúc đẩy 2 yếu tố này, thay vì chỉ tập trung vào E (Môi trường) như trước đây. Theo đó, chủ đề được VBCSD-VCCI lựa chọn cho chương trình tập huấn năm nay là “Kiến tạo giá trị xã hội tích cực thông qua nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ”, đặc biệt là phụ nữ nông thôn.
Chương trình tập huấn “Kiến tạo giá trị xã hội tích cực thông qua nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ” |
Tại sự kiện, các đại diện của VBCSD, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và Nestlé Việt Nam đã chia sẻ góc nhìn đa chiều, cập nhật các chủ trương, chính sách, các mô hình thực hành tốt về ESG. Trong các yếu tố xã hội, bình đằng giới là 1 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc. Tại Việt Nam, mục tiêu này cũng đã được khẳng định trong Hiến pháp cũng như hệ thống luật pháp, chính sách của nhà nước.
Lan tỏa mạnh mẽ thực hành bền vững ESG trong cộng đồng doanh nghiệp
Phát biểu khai mạc Hội thảo tập huấn, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thuộc VCCI nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp tiên phong về thực hành ESG trong việc thực hiện các sáng kiến, chương trình nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng của cộng đồng và vai trò đặc biệt quan trọng của các cơ quan truyền thông trong việc nâng cao nhận thức, tạo dựng một tầm nhìn chung của toàn xã hội về phát triển bền vững.
Nói về yếu tố Xã hội (S), ông Huy cho biết việc tích hợp yếu tố xã hội (Social-S) trong chiến lược ESG mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cả về mặt tài chính lẫn phi tài chính. Đại diện của VCCI cũng cho biết, trong những năm qua, VBCSD-VCCI đã thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và thực hành yếu tố “S” thông qua nhiều hoạt động khác nhau. Đơn cử như lồng ghép các yếu tố đa dạng, bình đẳng và bao trùm (DE&I) trong Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) - công cụ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện quản trị công ty bền vững và đánh giá doanh nghiệp trong Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI) do VCCI chủ trì tổ chức từ năm 2016; đồng thời xây dựng hạng mục chuyên đề trong khuôn khổ Chương trình CSI để biểu dương các Doanh nghiệp tiên phong xây dựng, thực hiện giá trị DE&I liên tục qua các năm. Các hoạt động đào tạo, tập huấn và đặc biệt là Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) của VCCI cũng thường xuyên đưa nội hàm nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, củng cố nguồn vốn xã hội hay thúc đẩy DE&I vào chương trình thảo luận và khuyến nghị từ Diễn đàn.
Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững phát biểu khai mạc Chương trình |
Cùng với những nỗ lực đó, trong những năm qua, nhận thức về ESG trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Dẫn Báo cáo “Đánh giá mức độ thực hành kinh doanh bền vững của doanh nghiệp Việt Nam theo khung ESG năm 2024” khảo sát trên hơn 1.000 doanh nghiệp trong nước do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với USAID thực hiện, ông Huy cho biết, doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện tốt nhất ở trụ cột Xã hội, tiếp theo là Quản trị, và cuối cùng là Môi trường, với mức thực hành lần lượt là 68%, 63% và 52%. “Có thể thấy, việc tích hợp yếu tố xã hội (Social) trong chiến lược ESG mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cả về mặt tài chính lẫn phi tài chính. Theo McKinsey, việc giảm thiểu phân biệt giới tính tại các doanh nghiệp có thể giúp GDP toàn cầu đạt mức tăng lên tới 5 nghìn tỷ USD vào năm 2025, các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh thực hiện giá trị đa dạng, bao trùm có thể đạt mức tăng trưởng đầu tư cao hơn 35% và tăng trưởng về doanh số bán hàng cao hơn gấp 3 lần. Nghiên cứu từ Harvard Business School cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp, tổ chức có danh tiếng xã hội tốt sẽ giúp chi phí vốn chủ sở hữu giảm khoảng 2-5%”, đại diện VBCSD chia sẻ.
Nâng cao quyền năng cho phụ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững
Đặc biệt, ông Huy đánh giá cao nỗ lực của Nestlé và Trung ương Hội LHPN Việt Nam thông qua Chương trình Nestlé đồng hành cùng phụ nữ, qua đó góp phần nâng cao quyền năng cho phụ nữ, bình đẳng giới, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng thời góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. “Với cách tiếp cận sáng tạo, đi sâu vào thực tiễn, đây là chương trình hợp tác rất thiết thực và hiệu quả trong nỗ lực nâng cao quyền năng cho phụ nữ, bình đẳng giới, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng thời góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Thông qua việc tham gia các hoạt động thực tiễn tại chương trình, các hội viên, phụ nữ đã được trang bị thêm kiến thức về dinh dưỡng, về ứng dụng công nghệ thông tin và có cơ hội khởi nghiệp, từ đó góp phần gia tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển cộng đồng tại địa phương theo hướng lành mạnh, bền vững”, ông Huy nhấn mạnh và bày tỏ mong muốn chương trình được tích cực lan tỏa và nhân rộng mô hình trong cộng đồng, góp phần nâng cao quyền năng cho phụ nữ.
Bà Trương Thị Thu Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội đặc biệt ghi nhận và đánh giá cao sự hợp tác với Nestlé Việt Nam thông qua Chương trình “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ” |
Chia sẻ về vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đại diện Trung ương Hội LHPN Việt Nam, bà Trương Thị Thu Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội đặc biệt ghi nhận và đánh giá cao sự hợp tác với Nestlé Việt Nam thông qua Chương trình “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ”. Với cách thức triển khai sáng tạo và mục tiêu rất thiết thực, bà Thủy cho rằng, Chương trình đã giúp cho phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ số hóa, có thêm thu nhập nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, nâng cao quyền năng, sự mạnh dạn. Đặc biệt, Chương trình đã hỗ trợ các chị em phụ nữ tự tin góp phần hiện thực hóa các tiêu chí của phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch" “Gia đình 5 có 3 sạch", trong đó, tập trung các tiêu chí của gia đình Có kiến thức; Có sức khỏe; Có sinh kế bền vững, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện trong thời kỳ chuyển đổi số.
Chia sẻ cụ thể về kết quả đạt được từ Chương trình, bà Thủy cho biết, tính đến tháng 11/2024 có tổng số 18 tỉnh triển khai chương trình “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ” dựa trên sự tự nguyện, mong muốn tham gia của Hội LHPN các cấp và nhu cầu của chị em hội viên, phụ nữ. Rieeng mô hình “Chị Nest” có 388 xã tham gia với 2.760 chị Nest. Đa số các chị Nest tham gia rất tích cực, các chị vừa có thêm kiến thức và có thêm nguồn thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của gia đình với mức thu nhập trung bình từ 300.000 đồng - 1.500.000 đồng/tháng/chị. Ngoài ra, Chương trình cũng thí điểm triển khai mô hình “Cùng Maggi nấu nên cơ nghiệp” tại 15 tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho chị em phụ nữ khởi nghiệp từ đam mê nấu nướng, khởi sự kinh doanh, tăng thu nhập.
Chương trình "Nestlé đồng hành cùng phụ nữ" giúp các chị em phụ nữ tại Sóc Trăng được tiếp cận cơ hội nâng cao kiến thức, kỹ năng cũng như tạo lập sinh kế bền vững |
Là 1 trong 18 tỉnh thành tham gia sáng kiến “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ” do Nestlé Việt Nam phối hợp cùng Hội LHPN Việt Nam, Sóc Trăng đã đạt được nhiều kết quả tích cực và ấn tượng. Chia sẻ tại Chương trình tập huấn, bà Trần Thị Kim Phượng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Qua các hoạt động triển khai thực hiện Chương trình "Nestlé đồng hành cùng phụ nữ" đã giúp cho các Chị Nest có thêm kiến thức về dinh dưỡng, về ứng dụng công nghệ thông tin và có cơ hội tiếp cận bắt đầu với khởi nghiệp kinh doanh từ đó có thêm nguồn thu nhập ổn định cuộc sống, bình quân mỗi chị nest thu nhập từ 1.000.000 đồng đến 2.500.000/tháng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên, phụ nữ và người dân trên địa bàn.
Doanh nghiệp đi tiên phong song hành kinh doanh bền vững và thúc đẩy bình đẳng giới
Là doanh nghiệp tiên phong thực hành ESG với những cam kết nhất quán về phát triển bền vững, Nestlé đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình cụ thể nhằm hiện thực hóa các cam kết này. Chia sẻ tại buổi tập huấn, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông, Nestlé Việt Nam cho biết, với gần 30 năm hoạt động tại Việt Nam, Nestlé luôn nhất quán với các cam kết về phát triển bền vững, trong đó có thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc cũng như trong toàn chuỗi giá trị và trong cộng đồng.
Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông, Nestlé Việt Nam phát biểu tại Chương trình tập huấn |
“Chương trình “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ” là sự tiếp nối các sáng kiến, nhằm nâng cao quyền năng và trao quyền cho phụ nữ tại công ty, trong cộng đồng và toàn chuỗi giá trị mà Nestlé đã thực hiện tại Việt Nam gần 30 năm qua. Tại Nestlé Việt Nam, nguyên tắc bình đẳng giới được thể hiện qua việc xây dựng các chính sách và chiến lược phát triển nhân sự, từ tuyển dụng, hoạch định vị trí kế thừa, thăng chức. Tỷ lệ nữ giới nắm giữ vị trí lãnh đạo trong công ty đạt 54%. Trong cộng đồng, ngoài chương trình “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ”, Nestlé còn thực hiện cam kết nâng cao quyền năng phụ nữ thông qua chương trình NESCAFÉ Plan. Các cam kết này nằm trong trụ cột Xã hội - Social của chiến lược thực hiện các sáng kiến bền vững ESG do Nestlé Việt Nam triển khai trong nhiều năm qua”, ông Hưng nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Nestlé, ở phạm vi cộng đồng, thông qua Chương trình “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ” trên cơ sở hợp tác cùng Hội LHPN Việt Nam, Nestlé Việt Nam đã hỗ trợ các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng và tạo lập sinh kế bền vững cho phụ nữ, góp phần xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới và đóng góp vào chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Mô hình tạo lập sinh kế cho phụ nữ thông qua chương trình hợp tác giữa Nestlé Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam "Cùng Maggi Nấu nên cơ nghiệp" tại huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng |
“Với cách tiếp cận chia sẻ giá trị chung, Nestlé Việt Nam luôn gắn các mục tiêu phát triển kinh doanh với sự phát triển và thịnh vượng của cộng đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh ESG trở thành yếu tố then chốt giúp đạt mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào yếu tố môi trường mà còn chú trọng hơn vào xã hội và quản trị. Trong suốt gần 3 thập kỷ hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi không ngừng nỗ lực nhằm thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là nâng cao quyền năng phụ nữ trong toàn chuỗi giá trị. Là doanh nghiệp tiên phong thực hành ESG, với nỗ lực thúc đẩy sự đa dạng, bình đẳng và bao trùm, Nestlé đã có nhiều sáng kiến và chương trình cụ thể, nhằm đóng góp vào sự thịnh vượng của cộng đồng. Thông qua chương trình hợp tác với Hội LHPN Việt Nam, chúng tôi muốn tạo ra những tác động tích cực đến đời sống cũng như vị thế của phụ nữ Việt Nam, cũng như đóng góp vào mục tiêu chung về bình đẳng giới, thúc đẩy sự đa dạng, bình đẳng và bao trùm tại Việt Nam”, ông Khuất Quang Hưng khẳng định.
Làm rõ yếu tố xã hội trong thực hành ESG
Nhằm mang đến cái nhìn tổng quan cho các đại biểu về yếu tố “S” trong thực hành ESG hướng tới kinh doanh bền vững, ông Phạm Hoàng Hải, phụ trách Quan hệ đối tác, Ban Thư ký VBCSD-VCCI đã làm rõ sự khác nhau giữa các khái niệm CSV (mô hình kinh doanh chia sẻ giá trị), CSR (trách nhiệm xã hội doanh nghiệp) và ESG (thực hành đánh giá Môi trường - Xã hội - Quản trị). Cụ thể, trong khi CSR chủ yếu tập trung vào các hoạt động thiện nguyện hay tuân thủ quy định, ESG là quản trị doanh nghiệp tập trung vào các hoạt động quản trị các rủi ro về môi trường và xã hội, tăng cường trách nhiệm giải trình với các cổ đông, nhà đầu tư thì mô hình kinh CSV lại tập trung vào việc tích hợp lợi ích xã hội vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.
Ông Phạm Hoàng Hải, Phụ trách phát triển quan hệ đối tác, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, VCCI, chia sẻ tại Chương trình |
Cũng theo ông Hải, CSV bao gồm các nguyên tắc cơ bản: Tái định nghĩa sản phẩm và thị trường; Tái thiết chuỗi giá trị; Phát triển cụm ngành địa phương. Tại Việt Nam, việc thực hiện CSV của doanh nghiệp hiện đang gặp những thách thức do hạn chế về nhận thức, hạn chế về hạ tầng và nguồn lực, cũng như khung chính sách hỗ trợ còn chưa rõ ràng và đủ mạnh. Để khắc phục những thách thức này, ông Hải đưa ra các khuyến nghị là cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức về CSV trong cộng đồng doanh nghiệp; cần những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ thiết thực và kịp thời hơn; cũng như thúc đẩy các mô hình hợp tác công - tư, hợp tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức xã hội để nhân rộng mô hình CSV trong tương lai./.
Bình luận