Tăng trưởng xanh - Lựa chọn tất yếu để Việt Nam đạt được các SDGs trong tương lai
Các vị khách mời tham dự Tọa đàm "Tăng trưởng xanh - Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu". Ảnh: VGP |
Tăng trưởng xanh là một định hướng rất quan trọng cho kinh tế - xã hội
Chia sẻ tại tọa đàm “Tăng trưởng xanh - Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 28/11/2024, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, tăng trưởng xanh là một định hướng hết sức quan trọng cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm tiếp theo. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2021-20230 và tầm nhìn đến năm 2025; đồng thời, xây dựng kế hoạch hành động quốc gia nhằm thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp xanh trong mọi lĩnh vực kinh tế.
“Các bộ, ngành, địa phương cũng đã ban hành hoặc lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp về tăng trưởng xanh trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mình. Điều đó cho thấy, Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một định hướng rất quan trọng cho kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo. Tất cả các bên liên quan đều có trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia vào tiến trình tăng trưởng xanh của nền kinh tế quốc gia”, ông Lê Việt Anh nói.
Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: VGP |
Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh cũng đề ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp cho các bên tham gia, với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau. Đối với khối doanh nghiệp, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh cũng đã đề ra hàng loạt giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành cũng như các doanh nghiệp trong tiến trình tăng trưởng xanh. Khuôn khổ chính sách dành cho tăng trưởng xanh ngày càng rõ ràng hơn, minh bạch và cụ thể hơn để doanh nghiệp hiểu và áp dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh của mình.
Sự đồng hành của doanh nghiệp
Ở góc độ doanh nghiệp, tại Tọa đàm, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam đã chia sẻ một số sáng kiến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Nestlé đã và đang triển khai. Theo ông Binu Jacob, Nestlé luôn đặt vấn đề phát triển bền vững ở tầm quan trọng, ưu tiên cao.
“Đầu tiên là bảo đảm nguồn nguyên liệu bền vững. Ngành hàng mà chúng tôi hoạt động mạnh nhất ở Việt Nam là cà phê. Chúng tôi luôn bảo đảm cà phê Nestlé thu mua từ người sản xuất ở Việt Nam đều là những loại cà phê có chất lượng cao, được sản xuất một cách bền vững”, ông Binu Jacob nói.
Thông qua chương trình NESCAFÉ Plan, Nestlé đã hỗ trợ hơn 21.000 hộ nông dân trồng cà phê chuyển đổi sang canh tác theo phương pháp nông nghiệp tái sinh giúp giảm 20% lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm 40-60% lượng nước tưới.
Nestlé cũng tiết kiệm lượng nước sử dụng ở tất cả nhà máy của mình. Hiện nay, Nestlé thực hiện 100% trung hòa về nước, có nghĩa là hoàn trả và tái tạo 100% nước đã đưa vào sử dụng. Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Nestlé cam kết phát triển bao bì bền vững với gần 95% bao bì của Nestlé tại Việt Nam được thiết kế để có thể tái chế…
Những hoạt động này không chỉ giúp Nestlé giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng và khuyến khích các doanh nghiệp khác tham gia vào quá trình phát triển bền vững.
Nhận diện những thách thức
Việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh không chỉ là một xu thế, mà còn là một yêu cầu tất yếu để doanh nghiệp Việt có thể hội nhập và phát triển bền vững trong môi trường kinh tế toàn cầu. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn mình ra thế giới, khẳng định thương hiệu Việt, cần phải nhận thức rõ tính tất yếu của quá trình phát triển xanh, bền vững.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Quách Quang Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, các FTA mà Việt Nam hiện đang tham gia, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) không chỉ mở ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam, mà còn yêu cầu các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khắt khe hơn. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh về giá trong khi vẫn phải tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường quốc tế.
Ông Quách Quang Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: VGP |
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa thể xác định được mình sẽ được hưởng cơ chế ưu đãi nào. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư, mà còn làm giảm động lực của doanh nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh sang bền vững và xanh.
Việc thay đổi dây chuyền công nghệ hay đầu tư vào công nghệ xanh có thể tốn kém rất nhiều chi phí. Ngoài ra, sự thiếu hụt các nguồn tài chính hỗ trợ cho chuyển đổi xanh cũng là một yếu tố cản trở lớn…
Giải pháp để phát triển bền vững
Nhận định về những khó khăn, hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam trong chuyển đổi xanh, ông Lê Việt Anh cho rằng: “Chúng ta cần phải thừa nhận, trong thời gian vừa qua, tiến trình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh còn gặp rất nhiều rào cản và thách thức. Thách thức đó đến từ môi trường chung cũng như từ các doanh nghiệp”.
Đề cập các giải pháp trong thời gian tới, dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Binu Jacob cho rằng, trước tiên là cải thiện khung khổ pháp lý để thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững. Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực để có thể triển khai việc phát triển bền vững, phát triển xanh. Cuối cùng, cần xây dựng những sáng kiến, mô hình ở địa phương, bởi những mô hình tăng trưởng bền vững, mô hình tăng trưởng xanh thường thấy trên thế giới cũng phải điều chỉnh cho phù hợp với từng địa phương, chứ không phải bê nguyên mẫu để áp dụng.
Theo ông Lê Việt Anh, trong tiến trình tăng trưởng xanh, ngoài vai trò hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của Nhà nước thông qua cơ chế, chính sách, thì tính chủ động nắm bắt và vươn lên của doanh nghiệp hết sức quan trọng. Về phía cơ quan nhà nước xác định rõ những nội dung sẽ tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp. Cụ thể, phải nhanh chóng, kịp thời ban hành đầy đủ để hỗ trợ cho phát triển bền vững và tăng trưởng xanh; huy động đủ nguồn lực tài chính để các tiến trình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đủ nguồn lực để triển khai và hỗ trợ cho các doanh nghiệp; tăng cường nâng cao nhận thức cho cả khối doanh nghiệp và người dân, bởi hàng hóa sản xuất cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng có xu hướng tiêu thụ sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, thì sẽ tạo ra động lực rất mạnh để doanh nghiệp tiếp tục quá trình sản xuất, kinh doanh của mình.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Quách Quang Đông cũng cho rằng, về cơ chế, chính sách, chúng ta cần có những nhận định, phân tích, đánh giá; đồng thời, phải có sự ghi nhận, cổ vũ và hỗ trợ để tăng cường nhận thức và định hướng cho việc tiêu dùng và sản xuất bền vững, hướng tới hàng hóa, dịch vụ xanh, sạch. Cần tạo động lực cho doanh nghiệp đi đầu, tiên phong, giữ những vị trí đầu tàu, dẫn dắt, từ đó lan tỏa để thu hút các doanh nghiệp khác đi theo.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ, các bộ, ngành cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đáp ứng với bối cảnh, tình hình mới của thế giới, đồng thời bảo vệ những lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển và hạn chế rủi ro. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành cũng như giữa Trung ương và địa phương.
Ông Lê Việt Anh nhấn mạnh vai trò của hệ thống phân loại xanh quốc gia. Đây là công cụ quan trọng để xác định các tiêu chí và tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp và dự án đầu tư xanh. “Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo rõ ràng về việc xây dựng hệ thống này và hiện nay, các bộ ngành, cơ quan liên quan đang phối hợp để xây dựng hệ thống phân loại xanh đạt chuẩn mực quốc tế, đồng thời đảm bảo tính linh hoạt để cập nhật công nghệ mới và các mô hình kinh doanh xanh”, ông cho biết.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết rằng, hệ thống này sẽ tạo ra được cơ chế, chính sách phù hợp và rõ ràng nhất đối với các doanh nghiệp, để doanh nghiệp biết mình cần phải đáp ứng điều kiện gì và sẽ được những ưu đãi, khuyến khích gì trong cơ chế chính sách quốc gia”.
Tại Tọa đàm, đại diện các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã có những trao đổi, chia sẻ về các chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với doanh nghiệp đầu tư xanh; chính sách để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, cũng như những bài học hay, kinh nghiệm và các nhiệm vụ trọng tâm tập trung triển khai thực hiện cho thu hút các dự án xanh thời gian tới; sáng kiến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà doanh nghiệp đã và đang triển khai ở các nước nói chung và ở Việt Nam nói riêng…/.
Bình luận