Nestlé Việt Nam đồng hành và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong hành trình phát triển bền vững
Thưa ông, ông có thể chia sẻ lý do vì sao Nestlé Việt Nam lại quyết định theo đuổi hướng tiếp cận này?
Nestlé Việt Nam đã được bình chọn là doanh nghiệp bền vững nhất trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam trong 3 năm liên tiếp (2021-2023). Điều này khiến chúng tôi vô cùng tự hào, nhưng đồng thời cũng làm chúng tôi trăn trở. Là một tập đoàn đa quốc gia, chúng tôi có lợi thế nhờ có kiến thức chuyên sâu và định hướng rõ ràng từ tập đoàn. Như các bạn cũng đã biết, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và điều này đặt ra yêu cầu cho tất cả các doanh nghiệp, tập đoàn đang hoạt động tại Việt Nam cũng phải chung tay để góp phần hiện thực cam kết này. Tuy nhiên, trên thực tế, 90% các doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu kiến thức chuyên sâu cũng như sự một sự định hướng rõ ràng. Do vậy, năm nay chúng tôi quyết định không tham gia bảng xếp hạng nhưng sẵn sàng đảm nhận một vai trò mới, đó là đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp rất quan tâm đến việc làm sao để đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam - Đồng Chủ tịch VBCSD phát biểu tại Lễ công bố và trao giải CSI-100 năm 2024 |
Năm nay, với vai trò mới, Nestlé Việt Nam đang định hình chiến lược để hiện thực hóa tầm nhìn dài hạn và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hiệu quả hơn như thế nào?
Tầm nhìn dài hạn của chúng tôi cũng tương đồng với mục tiêu đặt ra của Chính phủ Việt Nam, đó là đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, và chúng tôi đã xây dựng lộ trình cụ thể để có thể đạt được mục tiêu này. Năm 2020, Tập đoàn Nestlé công bố Lộ trình Phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), dựa trên sáng kiến Mục tiêu trên Cơ sở Khoa học (SBTi) để giảm phát thải của Nestlé. Kế hoạch này cho phép chúng tôi bỏ lại phía sau lượng khí thải các-bon cao nhất và đạt được kết quả tích cực hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2025 giảm 20%, đến năm 2030 giảm 50% và đạt Net Zero vào năm 2050.
Về việc hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình, hoạt động có sự tham gia của nhiều bên nhằm thu hút chuyên gia từ nhiều lĩnh vực để chia sẻ, cũng như truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chương trình chia sẻ với chủ đề “Cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ các-bon tại Việt Nam và Lộ trình hướng đến mục tiêu Net Zero 2050” mà chúng tôi phối hợp cùng VBCSD trong khuôn khổ Lễ trao giải Chương trình Đánh giá và Xếp hạng các Doanh nghiệp bền vững Việt Nam (CSI-100) sáng 29/11 mới đây là một ví dụ về nỗ lực của chúng tôi trong lĩnh vực này.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về Chương trình này cũng như những định hướng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong thực hành bền vững mà Nestlé Việt Nam sẽ thực hiện tới đây?
Biến đổi khí hậu là một thách thức toàn cầu, ảnh hưởng sâu rộng đến doanh nghiệp và môi trường. Vì vậy, hành động ngay và quyết đoán là điều cần thiết, đồng thời phải đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành. Tại Nestlé, phát triển bền vững không chỉ là một phần trong chiến lược kinh doanh mà còn là giá trị cốt lõi của chúng tôi. Nestlé Việt Nam tự hào đi đầu trong nỗ lực này với nhiều chiến lược toàn diện nhằm giảm phát thải các-bon. Chúng tôi đã tối ưu hóa chuỗi cung ứng và đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng những mục tiêu đầy tham vọng này không thể đạt được nếu chỉ hành động riêng lẻ. Điều đó đòi hỏi sự chung sức của toàn bộ chuỗi giá trị, đặc biệt là từ những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực bền vững. Chính vì vậy, với tư cách là Đồng Chủ tịch và Cố vấn chiến lược của VBCSD, chúng tôi đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm chia sẻ và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trên hành trình phát triển bền vững. Gần đây nhất, trong khuôn khổ Chương trình Lễ công bố và trao giải CSI-100, Nestlé Việt Nam và VBCSD đã tổ chức buổi gặp gỡ, chia sẻ với chủ đề “Cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ các-bon tại Việt Nam và Lộ trình hướng đến mục tiêu Net Zero 2050”, bởi đây là vấn đề rất thời sự và mang tính toàn cầu được Chính phủ và các doanh nghiệp hết sức quan tâm hiện nay.
Sự kiện này được tổ chức trong bối cảnh COP29 tại Azerbaijan và APEC Peru 2024 đều nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển bền vững và cắt giảm phát thải khí nhà kính. Tại COP29 ở Baku, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì buổi thảo luận về Kế hoạch Thích ứng Biến đổi Khí hậu Quốc gia của Việt Nam (NAP) cho giai đoạn 2021-2030, hướng tới tầm nhìn 2050. Kế hoạch cập nhật này vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 19/11 vừa qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện hoạt động cùng các chương trình tương tự tới đây để kịp thời chia sẻ tới cộng đồng doanh nghiệp các thông tin cập nhật về những vấn đề mang tính thời sự rất quan trọng và thiết thực này, qua đó, chúng ta cùng chia sẻ những định hướng chiến lược và tầm nhìn để cùng có các giải pháp thực hành bền vững hiệu quả.
Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050, mang đến cho chúng ta thêm niềm tin vào mục tiêu chung. Vì vậy, đây là những cơ hội quý báu để cùng học hỏi, chia sẻ và điều chỉnh chiến lược kinh doanh nhằm đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu và hành trình đến đích Net Zero.
Cùng với vai trò hỗ trợ và đồng hành, Nestlé Việt Nam sẽ đóng góp vào việc hiện thực hóa các mục tiêu chung về phát triển biển vững của Việt Nam thông qua những cách thức nào?
Có 5 lĩnh vực mà Nestlé có thể đóng góp vào mục tiêu chung về phát triển bền vững của Việt Nam, gồm:
Thứ nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Như chúng ta đều đã biết, gần 30% lượng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam đến từ lĩnh vực này. Đây cũng là một lĩnh vực có thế mạnh của chúng tôi bởi ngành hàng mà chúng tôi hoạt động mạnh nhất ở Việt Nam là cà phê. Chúng tôi luôn bảo đảm cà phê Nestlé thu mua từ người sản xuất ở Việt Nam đều là những loại cà phê có chất lượng cao, được sản xuất một cách bền vững. Thông qua chương trình NESCAFÉ Plan, Nestlé đã hỗ trợ hơn 21 nghìn hộ nông dân trồng cà phê chuyển đổi sang canh tác theo phương pháp nông nghiệp tái sinh, giúp giảm 20% lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm 40-60% lượng nước tưới. Với vai trò là đồng chủ trì chương trình Đối tác phát triển Nông nghiệp bền vững ở Việt Nam (PSAV), chúng tôi cũng sẽ nỗ lực để thúc đẩy việc chuyển đổi phương thức canh tác theo hướng tái sinh trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp bền vững và giảm phát thải.
Thứ hai là quản lý nguồn nước, Nestlé Việt Nam cũng đã áp dụng nhiều sáng kiến nhằm tiết kiệm lượng nước sử dụng ở tất cả các nhà máy của mình. Trong 3 năm vừa qua, Nestlé là một trong số ít những công ty ở Việt Nam nhận được chứng chỉ của tổ chức Water Stewardship cho những giải pháp tiết kiệm nước. Hiện nay, chúng tôi thực hiện 100% trung hòa về nước, có nghĩa là hoàn trả và tái tạo 100% nước đã đưa vào sử dụng.
Thứ ba là thúc đẩy kinh tế tuần hoàn với cam kết phát triển bao bì bền vững. Hiện gần 95% bao bì của Nestlé tại Việt Nam đã được thiết kế để có thể tái chế. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa hài lòng với kết quả đó, chúng tôi luôn muốn trở thành doanh nghiệp hàng đầu và mong muốn tìm kiếm được những cách thức để có thể tăng tỷ lệ tái chế.
Thứ tư là về sức khỏe và dinh dưỡng khuyến khích lối sống lành mạnh. Thực tế cho thấy một vấn đề đáng quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới hiện nay là trẻ em ngày càng ít quan tâm tới các hoạt động thể chất, chúng bị hấp dẫn bởi điện thoại di động, các thiết bị cầm tay. Do vậy, thông qua việc hợp tác với các đối tác, trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nestlé đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, điển hình như chương trình Năng động Việt Nam (Activ Việt Nam), nhằm khuyến khích trẻ em Việt Nam năng động hơn, tham gia hoạt động thể chất nhiều hơn. Mỗi năm, các hoạt động, phong trào của Nestlé Việt Nam đã thu hút hơn 500.000 trẻ em tham gia vào các hoạt động thể chất.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là nỗ lực trong việc thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ. Thông qua chương trình hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chúng tôi đã hỗ trợ chương trình đào tạo cho 1,7 triệu phụ nữ nông thôn để giúp họ cải thiện kiến thức, kỹ năng làm việc, chăm sóc sức khỏe gia đình cũng như tạo lập sinh kế bền vững cho họ./.
Bình luận