Cuối năm 2015 sẽ có 85% số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh
Ngày 02/10, Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm chương trình nước sạch và vệ sinh tại 03 nước Việt Nam – Lào – Campuchia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Úc và Tổ chức Đông Tây hội ngộ đã diễn ra.
Báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội thảo cho biết: Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Việt Nam đã được thực hiện qua 03 giai đoạn; giai đoạn 1 từ năm 1999-2005, giai đoạn 2: 2006-2011; giai đoạn 3: 2012- kết thúc cuối năm 2015.
Chương trình được thực hiện theo phương châm phát huy nội lực, dựa vào nhu cầu người sử dụng quyết định mô hình phù hợp với khả năng tài chính là tự tổ chức thực hiện. Nhà nước và các tổ chức quốc tế hỗ trợ nguồn lực và cách tiếp cận, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để phát triển thị trường nước sạch theo hướng đẩy mạnh hóa lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn.
Đánh giá về việc thực hiện Chương trình, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Tính đến cuối năm 2014, đã có 84,5% người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, tăng 48% so với năm 1999 khi bắt đầu chương trình và có 63% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, tăng 37,5%. Dự tính đến hết năm 2015, sẽ có 85% số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 45% đạt QCVN 02/2009-BYT, khoảng 65% hộ gia đình có nhà tiêu đạt tiêu chuẩn hộ vệ sinh.
Mặc dù chương trình đã đạt được những kết quả to lớn, nhưng thực tế ở một số địa phương các công trình đầu tư chưa được đồng bộ dẫn đến công trình chậm phát huy hiệu quả.
Đồng quan điểm này, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế, cũng cho rằng, việc tiếp cận vệ sinh của nước ta không đồng đều, thấp nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt hiện tại 18 tỉnh có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh ít hơn 50%, tình trạng phóng uế bừa bãi, cầu tiêu ao cá tại các tỉnh này còn khá phổ biến.
Sau khi kết thúc giai đoạn 3, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2016 chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn sẽ không còn là chương trình mục tiêu quốc gia độc lập, trong khi nhiều mục tiêu này đến năm 2020 vẫn chưa đạt được, đó là những thách thức đối với Việt Nam, ông Nam cho hay.
Tại hội thảo, bà Võ Thị Hiền, đại diện tổ chức Đông Tây hội ngộ đã chia sẻ kinh nghiệm bài học về huy động sự tham gia của cộng đồng trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh, Bà cho rằng đây sẽ là cơ hội giúp tìm ra những sáng kiến và giải pháp cho 03 nước Việt Nam, Campuchia và Lào.
Tại Lào và Cam-pu-chia, đã huy động thành công người sử dụng nước thông qua Hội người Sử dụng Nước đại diện cho nhu cầu của cộng đồng và hợp tác với doanh nghiệp tư nhân giúp nâng cao chất lượng dịch vụ nước sạch. Tại Việt Nam, một sáng kiến của Đông Tây hội ngộ để thu thập tiếng nói của người sử dụng nước thông qua khảo sát Thẻ chấm điểm Công dân thực hiện bởi Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Quỳnh, Giám đốc Quốc gia Đông Tây hội ngộ cũng cho biết, cần phải huy động nguồn lực tư nhân tham gia vào Chương trình, do khu vực này cũng rất lớn, hiệu suất khai thác cao, tài chính bền vững, năng suất lao động cao hơn. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, để thúc đẩy khu vực này tham gia vào Chương trình cần phải tạo môi trường, thể chế thuận lợi đưa vệ sinh môi trường nông thôn thành tiêu chí phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, kèm theo đó, có chính sách thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân. Đồng thời phải có lựa chọn mô hình phù hợp với từng địa phương./.
Bình luận