Đẩy mạnh công tác phân cấp trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng công chức tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Một số kinh nghiệm thực hiện phân cấp trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng công chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2010/NĐ-CP, ngày 05/3/2010 về đào tạo, bồi dưỡng công chức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ Kinh tế - Kế hoạch chủ động nghiên cứu và sớm thực hiện các quy định về phân cấp trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng công chức. Ngay từ năm 2011, Trung tâm đã chủ động tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo phân cấp cho công chức của Bộ, bao gồm: bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính; đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ kế hoạch và đầu tư.
Kết quả là từ năm 2011 đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 29 lớp bồi dưỡng cho 1.714 lượt học viên là công chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chương trình được phân cấp (Bảng).
Kết quả nêu trên đã căn bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng công chức của Bộ, hoàn thành mục tiêu đề ra trong Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức giai đoạn 2011-2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đặc biệt, năng lực và tính chuyên nghiệp của Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ Kinh tế - Kế hoạch đã được nâng lên rõ rệt, thể hiện ở việc thực hiện tốt tất cả các công việc liên quan đến tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, được học viên đánh giá cao.
Lớp tập huấn Hướng dẫn Nghị định số 84/2015/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư
Trong quá trình tổ chức các chương trình được phân cấp, Trung tâm cũng gặp phải tất cả những thuận lợi và khó khăn như nhất định, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, công tác chuẩn bị cần được thực hiện một cách chặt chẽ, kỹ lưỡng để đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của Nghị định, nhất là về chương trình, tài liệu, giảng viên, cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, cần thực hiện linh hoạt và có hiệu quả một số công việc như xây dựng lịch học, ấn định hình thức học tập phù hợp để các công chức có điều kiện thuận lợi vừa hoàn thành nhiệm vụ học tập vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn.
Hai là, giảng viên đóng vai trò quyết định đối với sự thành công của các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Vì vậy, tại tất cả các lớp học Trung tâm đều mời giảng viên là những giảng viên, chuyên gia giỏi (bao gồm cả chuyên gia đầu ngành), nhiều kinh nghiệm thực tế và có nghiệp vụ sự phạm tốt tham gia giảng dạy; qua đó Trung tâm cũng xây dựng được một đội ngũ cộng tác viên giảng viên có chất lượng.
Ba là, tích cực áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến vào các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Đối với các chuyên đề đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng thực thi nhiệm vụ, công vụ có trong các chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, lãnh đạo cấp phòng… Trung tâm luôn yêu cầu giảng viên và Ban Tổ chức lớp áp dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến nhằm nâng cao tinh thần học tập của học viên cũng như chất lượng của các buổi học.
Để việc phân cấp đào tạo, bồi dưỡng công chức tiếp tục phát huy hiệu quả
Qua việc đánh giá tình hình thực hiện phân cấp trong đào tạo, bồi dưỡng công chức theo quy định tại Nghị định 18/2010/NĐ-CP trên phạm vi cả nước và từ kinh nghiệm thực tiễn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi xin đưa ra một số kiến nghị, đề xuất để thực hiện có hiệu quả hơn nội dung này trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp hơn nữa trong thực hiện một số chương trình đào tạo, bồi dưỡng, chẳng hạn như chương trình đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo cấp Vụ. Đối tượng lãnh đạo cấp Vụ rất khó bố trí thời gian để tham gia các khóa học tập trung dài ngày, vì vậy việc giao cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở Bộ, ngành, địa phương chủ động tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo cấp Vụ và tương đương sẽ giải quyết được khó khăn này. Bên cạnh đó, về chương trình cũng có thể xem xét để thay đổi cho phù hợp, chẳng hạn như mời các chuyên gia nước ngoài, các nhà quản lý cấp cao… tham gia giảng dạy.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung, chương trình, tài liệu và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng theo hướng bám sát thực tiễn, nhu cầu người học, khắc phục tình trạng lý thuyết, trùng lặp. Bên cạnh những chương trình tổng quan chung do Bộ Nội vụ ban hành, các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ của riêng mình. Xúc tiến nhanh việc nghiên cứu xây dựng các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm, nhất là khi các cơ quan, đơn vị đã hoàn thành các đề án vị trí việc làm của mình. Liên quan đến nội dung này, đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, đơn giản hóa hơn các quy trình, thủ tục về thẩm định, phê duyệt chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo quy định tại Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP.
Thứ ba, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng và đội ngũ giảng viên. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để trang bị một cách bài bản những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng. Về đội ngũ giảng viên, cần tăng cường xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, có kiến thức chuyên môn sâu, kiến thức thực tiễn phong phú và phương pháp sư phạm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. Tiếp tục quan tâm xây dựng và sử dụng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng. Cần có cơ chế riêng, nhất là trả thù lao thỏa đáng, để huy động sự tham gia tích cực của đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là những chuyên gia đầu ngành.
Thứ tư, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng để có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các bộ, ngành, địa phương hàng năm cần bố trí nguồn kinh phí để đầu tư cho các cơ sở này, trong đó chú ý đầu tư cho những tiện ích mới như phòng học đa năng, thư viện, trang thiết bị dạy và học hiện đại, hệ thống mạng Internet tốc độ cao… phù hợp cho việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo phương pháp mới. Bên cạnh đó, cần đảm bảo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hoạt động theo cơ chế cạnh tranh có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
Thứ năm, thực hiện đồng bộ các giải pháp về tài chính cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Cụ thể là:
- Hàng năm Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính cần bố trí đủ kinh phí để các Bộ, ngành, địa phương có thể thực hiện có hiệu quả các chế độ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo quy định.
- Bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương cần đa dạng hóa nguồn kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức bằng các phương thức hợp lý; chú trọng huy động kinh phí từ các chương trình, dự án do ngân sách nhà nước và các tổ chức nước ngoài tài trợ.
- Nghiên cứu đổi mới cơ chế phân bổ và quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo sự chủ động, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Việc sử dụng kinh phí phải dựa trên nguyên tắc hiệu quả, vừa đảm bảo tuân thủ các chế độ quy định đồng thời cần linh hoạt để hoàn thành các công việc với kết quả cao. Đề nghị Bộ Tài chính bổ sung, sửa đổi Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo hướng tăng mức chi và nới lỏng đối với một số khoản mục chi phí, chẳng hạn như tăng định mức chi trả tiền giảng bài cho giảng viên để phù hợp với mặt bằng giá cả thực tế, hoặc cho phép chi trả tiền biên soạn bài giảng cho giảng viên…
Thứ sáu, trong thời gian tới, cần chú trọng đến các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Muốn vậy, cần tăng cường hoạt động đánh giá chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, đưa hoạt động này trở thành hoạt động thường xuyên của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, đơn vị quản lý và đơn vị sử dụng cán bộ, công chức. Thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả công tác đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng theo Hướng dẫn 4524/BNV-ĐT ngày 27/10/2014 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện công tác đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức./.
Bình luận