TS. Nguyễn Hữu Thọ,

Email: tho@mpi.gov.vn

Trưởng Ban Phân tích và dự báo kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Lương Hương Giang

Trợ lý nghiên cứu, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.haileyluong20042007@gmail.com

Tóm tắt

Nghiên cứu tập trung phản ánh diễn biến kinh tế thế giới có liên quan đến kinh tế Việt Nam thông qua 3 kênh chủ đạo là thương mại, đầu tư nước ngoài và du lịch quốc tế. Từ đó, xác định những thuận lợi, khó khăn để đưa ra khuyến nghị chính sách phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2025, hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Từ khóa: kinh tế thế giới, tăng trưởng kinh tế, chính sách, phát triển kinh tế, Việt Nam

Summary

This study reflects the world economic developments related to the Vietnamese economy through three main channels: trade, foreign investment, and international tourism. From there, this study identifies the advantages and disadvantages of making recommendations for Vietnam’s economic development policies until 2025, toward the goal of Vietnam’s economic growth in 2021-2025.

Keywords: world economy, economic growth, policy, economic development, Vietnam

GIỚI THIỆU

Việt Nam điều hành kinh tế theo từng kỳ kế hoạch, hiện nay đang là kỳ kế hoạch 2021-2025, tính đến hết năm 2025 là chỉ còn gần 2 năm thực hiện. Theo Nghị quyết số 16/2021/QH15, ngày 27/7/2021 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam bình quân 5 năm giai đoạn 2021-2025 là từ 6,5%÷7,0%. Tuy nhiên, thực tế tăng trưởng GDP bình quân của 3 năm (2021-2023) thực hiện đầu kỳ mới đạt 5,24%. Như vậy, thời gian gần 2 năm cuối kỳ là rất quan trọng, cần phải tận dụng mọi cơ hội, mọi nguồn lực để phát triển kinh tế. Kết quả tăng trưởng kinh tế của 2 năm (2024-2025) còn lại của Kế hoạch không chỉ góp phần hướng gần hơn mục tiêu đã đề ra, mà còn làm nền tảng cho việc xây dựng mục tiêu kế hoạch giai đoạn mới (giai đoạn 2026-2030).

Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu, rộng với thế giới, với việc ký và tham gia 17 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, khiến nhiều hoạt động kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng bởi diễn biến kinh tế thế giới, như: hoạt động thương mại quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài và thu hút khách du lịch quốc tế. Chính vì thế, để có cơ sở lựa chọn chính sách cho tăng trưởng kinh tế ở 2 năm cuối kỳ kế hoạch 2021-2025, việc đánh giá diễn biến kinh tế thế giới là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường như hiện nay.

DỰ BÁO DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH KINH TẾ THẾ GIỚI ĐẾN NĂM 2025

Về tăng trưởng kinh tế

Giai đoạn 2021-2025 là những năm nền kinh tế thế giới chịu nhiều khó khăn. Đại dịch Covid-19 đã làm cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, thậm chí có năm tăng trưởng âm (năm 2020). Bước sang năm 2021 và năm 2022, nền kinh tế chưa kịp phục hồi sau đại dịch thì lại bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự bất ổn chính trị với tâm điểm là hai cuộc xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine và giữa Israel - Hamas. Vì lẽ đó, nhiều tổ chức quốc tế cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu giai đoạn này đạt thấp và dự báo đến năm 2025 mới có xu hướng phục hồi nhẹ. Theo IMF (tháng 7/2024), tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2011-2019 (trước đại dịch) đạt trung bình khoảng 3,7%/năm; những năm sau đại dịch chỉ đạt khoảng 3,3%/năm. Cụ thể, năm 2023 ước đạt 3,3%; năm 2024 dự báo là 3,2% và năm 2025 dự báo đạt 3,3% (cải thiện nhẹ, tăng 0,1 điểm % so với năm 2024). Cùng xu hướng đó, WB (tháng 7/2024) và OECD (tháng 5/2024) đều dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 đạt như năm 2023, đến năm 2025 cải thiện nhẹ, tăng 0,1 điểm phần trăm so với năm 2024. Tuy tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng cải thiện nhẹ, năm sau bằng hoặc cao hơn năm trước, nhưng 5 đối tác thương mại lớn của Việt Nam là: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khối các nước châu Âu (Euro Zone), lại có sự phục hồi kinh tế khác nhau. Trong 5 đối tác này, dự báo đến năm 2025 chỉ có 2 đối tác phát triển kinh tế thuận lợi (tăng trưởng kinh tế năm 2025 cao hơn năm 2023), đó là khối Euro Zone và Hàn Quốc. Nếu như tốc độ tăng trưởng kinh tế của khối Euro Zone năm 2023 ước đạt 0,5%, thì đến năm 2025 dự báo đạt 1,5%; tương ứng Hàn Quốc từ 1,4% lên 2,3%. Trong khi đó, có tới 3 đối tác phát triển kinh tế khó khăn, đó là Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Nếu như tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm 2023 ước đạt 2,5%, thì đến năm 2025 dự báo chỉ còn 1,9%; tương ứng Nhật Bản từ 1,9% xuống còn 1,0%; Trung Quốc từ 5,2% xuống còn 4,5% (IMF, tháng 7/2024).

Về kiểm soát lạm phát

Lạm phát ở mức thấp và ổn định là yếu tố quan trọng để các nước sử dụng linh hoạt chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ thúc đẩy phát triển kinh tế. Tình hình lạm phát thế giới giai đoạn 2021-2025 tăng khá cao, nhưng đang có xu hướng giảm dần và hướng về mức lạm phát tương đối tốt của giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Theo IMF (tháng 7/2024), lạm pháp toàn cầu trung bình giai đoạn trước đại dịch Covid-19 (giai đoạn 2011-2019) khoảng 3,5%, nhưng trong giai đoạn 2021-2025 lại khá cao. Cao nhất là năm 2022 với mức 8,7% và đang có xu hướng giảm dần, năm 2023 còn 6,7%, dự báo năm 2024 chỉ còn 5,9% và năm 2025 dự báo là 4,4%. Lạm phát giảm một phần là do sự hạ nhiệt dần của thị trường lao động, cùng với đó giá năng lượng giảm. Tuy nhiên, tình hình lạm phát chung toàn cầu giảm dần, nhưng lại không đồng đều giữa các khu vực và các nước. Trong đó, các nước kinh tế phát triển lạm phát thấp còn các nước mới nổi và đang phát triển trong đó có Việt Nam lạm phát cao. Theo IMF (tháng 7/2024), lạm phát trung bình ở các nước phát triển năm 2023 ước đạt 4,6%, đến năm 2025 dự báo còn 2,1%; Trong khi, ở các nước mới nổi và đang phát triển là 8,3% năm 2023, dự báo đến năm 2025 có hạ, nhưng vẫn ở mức 6,0%.

Về dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI)

Dòng vốn FDI trên thế giới trong những năm tới có xu hướng giảm dần. Theo UNTACD (2024), dòng vốn FDI toàn thế giới năm 2015 khoảng 2.049 tỷ USD, thì đến năm 2023 chỉ còn 1.331 tỷ USD, giảm 35,1%. Mặc dù dòng vốn FDI toàn thế giới giảm, nhưng chỉ giảm mạnh ở các nước phát triển, còn vẫn tăng ở các nước đang phát triển, trong đó có các nước châu Á (dòng vốn FDI đang dịch chuyển về châu Á). Nếu như năm 2015, tổng FDI vào châu Á là 523 tỷ USD, thì đến năm 2023 đã là 624 tỷ USD, tăng 18,7%. Xu hướng này dự báo vẫn diễn ra trong những năm tới, ít nhất là đến năm 2025 và là tín hiệu thuận lợi cho Việt Nam.

Về tình hình thương mại thế giới

Do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và sự bất ổn địa chính trị nên tình hình thương mại thế giới (xuất khẩu, nhập khẩu) giai đoạn 2021-2025 có phần khó khăn, tăng trưởng chậm và không ổn định; tuy nhiên, đang có xu hướng tăng trưởng trở lại. Nếu như những năm 2017 và năm 20218, tốc độ tăng trưởng thương mại từ 4,0%÷5,5%, thì đến năm 2023 chỉ còn 0,8%; dự báo năm 2024 có thể đạt 3,1% và năm 2025 dự báo đạt 3,4% (IMF, tháng 7/2024). Mặc dù vậy, tình hình thương mại thế giới có thể sẽ gặp khó khăn hơn, nhất là dòng thương mại từ các nước châu Âu, nước Mỹ và ngược lại, nếu như khủng hoảng trên biển Đỏ diễn biến phức tạp hơn. Khi đó, lượng hàng hóa vận chuyển qua biển Đỏ sẽ tiếp tục suy giảm, hàng hóa xuất nhập khẩu bị gián đoạn, chi phí vận tải tăng cao.

DỰ BÁO ẢNH HƯỞNG CỦA KINH TẾ THẾ GIỚI ĐẾN PHÁT TRIỂN KINH TẾ VIỆT NAM THỜI GIAN TỚI

Ảnh hưởng qua kênh thương mại quốc tế

Thương mại hàng hóa quốc tế thông qua hoạt động xuất, nhập khẩu có vai trò lớn đối với phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu là kênh tiêu thụ hàng hóa tốt, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước. Nhập khẩu không chỉ đáp ứng nhu cầu cho tiêu dùng, mà còn đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước. Nghiên cứu của Đinh Thị Hải Phong và Nguyễn Thị Mai Phương (2021) và Lê Hằng Mỹ Hạnh (2021) đều cho rằng, trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, xuất khẩu có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Cụ thể hơn, trong Báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên năm 2023 của Trường Đại học kinh tế Quốc dân (2024) cho rằng, trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, tăng xuất khẩu lên 1% sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế lên 0,01 điểm phần trăm.

Hiện nay, hoạt động xuất - nhập khẩu của Việt Nam đã tăng khá mạnh so với những năm trước. Nếu như năm 2010, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam mới đạt 172,7 tỷ USD, thì đến 2023 đã là 731,6 tỷ USD, tăng gấp 4,2 lần (Tổng cục Thống kê, 2023). Tỷ trọng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trên GDP chỉ đạt 114,0% vào năm 2010, thì đến năm 2023 đã là 170,1%. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam xếp thứ 23 và kim ngạch nhập khẩu xếp thứ 20 trên thế giới (International Trade Centre, 2024). Hoạt động thương mại đã chuyển hướng tích cực, từ chỗ nhập siêu hàng hóa sang xuất siêu hàng hóa trong nhiều năm liên tục, cùng với đó giảm dần nhập siêu dịch vụ (Bảng 1).

Bảng 1: Một số chỉ tiêu về hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam

TT

Chỉ tiêu

ĐVT

2021

2022

2023

1

Tỷ trọng xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trên GDP

%

186,7

187,9

170,1

2

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ

Tỷ USD

691,9

768,6

731,6

3

Chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa

Tỷ USD

3,3

12,4

28,0

4

Chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu dịch vụ

Tỷ USD

-15,8

-12,6

-9,6

Nguồn: Báo cáo kinh tế - xã hội hằng năm của Tổng cục Thống kê

Từ việc phân tích diễn biến kinh tế thế giới trên cho thấy, tình hình xuất - nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đến năm 2025 dự báo sẽ thuận lợi hơn nhờ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ phục hồi. Khi đó, nhu cầu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và hàng hóa cho tiêu dùng toàn cầu sẽ tăng. Mặc dù vậy, hoạt động xuất - nhập khẩu của Việt Nam vẫn có thể gặp một số khó khăn, bất lợi có thể kể đến như:

(i) Tăng trưởng kinh tế của một số đối tác thương mại truyền thống được dự báo là phục hồi khá chậm. Hiện nay, tổng kim ngạch xuất - khẩu của Việt Nam sang Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc đang chiếm khoảng 55,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước, nhưng cả 3 quốc gia này được dự báo là tăng trưởng kinh tế khó khăn. Vì thế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước này có thể sẽ không có đột phá, chỉ duy trì ở mức tăng trưởng bình quân từ 7,0%÷10,0%/năm, như những năm gần đây. Chỉ có 2 đối tác là các nước khu vực Euro Zone và Hàn Quốc được cho là phục hồi kinh tế tốt, do đó, xuất - nhập khẩu của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn.

(ii) Khu vực doanh nghiệp còn khá yếu sau đại dịch Covid-19. Doanh nghiệp là chủ thể chủ lực có liên quan đến xuất - nhập khẩu, nhưng thời gian qua đang gặp phải khủng hoảng. Số lượng doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động khá nhiều, có những thời điểm còn nhiều hơn cả số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng lại khó tiếp cận vốn. Cụ thể, trong quý I/2024, số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường cả nước là 59,9 nghìn doanh nghiệp, trong khi số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tạm dừng hoạt động và giải thể) lên tới 73,9 nghìn doanh nghiệp (Tổng cục Thống kê, 2024). Khi điều tra đại diện 29.300 doanh nghiệp năm 2024, kết quả cho thấy, có tới 47,0% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước điều tiết giảm bớt lãi xuất cho vay để doanh nghiệp giảm áp lực về vốn và chi phí sản xuất kinh doanh - đây là điều có nhiều doanh nghiệp đề nghị nhất trong tổng số 13 đề xuất của các doanh nghiệp hiện nay (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2024).

(iii) Diễn biến khủng hoảng trên biển Đỏ vẫn khó đoán định ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa. Khủng hoảng trên biển Đỏ đang làm cho vận tải hàng hóa trên thế giới và của Việt Nam bị ảnh hưởng, do chi phí vận tải tăng, thời gian vận tải kéo dài. Trước đây, vận chuyển hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ và các nước châu Âu thường đi qua kênh đào Suez, nhưng do khủng hoảng trên biển Đỏ nên nhiều hãng vận tải phải chuyển hướng đi qua mũi Hảo Vọng khiến hành trình của tàu kéo dài thêm 10÷15 ngày, chi phí vận chuyển tăng từ 1,5÷4 lần (Uyên Hương và Minh Hợp, 2024). Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ và các nước châu Âu đang chiếm khoảng 39,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; Còn nhập khẩu hàng hóa từ các nước này vào Việt Nam chỉ chiếm 8,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Như vậy, diễn biến khủng hoảng trên biển Đỏ sẽ có những ảnh hưởng đến xuất khẩu nhiều hơn là nhập khẩu của Việt Nam.

Ảnh hưởng qua kênh thu hút đầu tư nước ngoài

Hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài là kênh kết nối quốc tế đến với Việt Nam để từ đó trong nước có thêm nguồn lực và kỹ năng quản lý cho phát triển kinh tế. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Mỹ Linh và Nguyễn Thị Hoa (2019) cho rằng, FDI có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tương tự, Báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên năm 2023 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (2024) cho rằng, trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, nếu tăng 1% tổng đầu tư tư nhân hoặc đầu tư FDI sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế lên từ 0,03 ÷ 0,04 điểm phần trăm. Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 39.140 dự án FDI của các nhà đầu tư đến từ 144 quốc gia và vùng lãnh thổ, lũy kế vốn đầu tư của các dự án FDI đến tháng 12/2023 là 468,9 tỷ USD (Cục Đầu tư nước ngoài, 2023). Theo đó, khu vực FDI đang đóng góp khoảng 20,8% trong tổng GDP cả nước, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI đang chiếm tới 73,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2023 (Tổng cục Thống kê, 2023).

Dòng vốn FDI trên thế giới hiện đang giảm dần ở nhiều khu vực, nhưng đang có xu hướng dịch chuyển sang các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Theo UNTACD (2024), dòng vốn FDI toàn thế giới năm 2015 ở mức khoảng 2.049 tỷ USD, thì đến năm 2023 chỉ còn 1.331 tỷ USD, giảm 35,1%. Ngược lại, nếu như năm 2015 tổng FDI vào các nước châu Á là 523 tỷ USD, thì đến năm 2023 đã là 624 tỷ USD, tăng 18,7% (Bảng 2). Thực tế, dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian vừa qua luôn tăng, nếu như năm 2010 tổng vốn thực hiện FDI mới là 11 tỷ USD, thì đến năm 2023 đã là 23,2 tỷ USD, tăng gấp 2 lần. Năm 2023, cũng là năm thu hút vốn FDI thực hiện cao nhất trong vòng 5 năm trước đó.

Bảng 2: Một số chỉ tiêu về hoạt động thu hút vốn FDI của Việt Nam

TT

Chỉ tiêu

ĐVT

2010

2021

2022

2023

1

Vốn đăng ký FDI hằng năm

Tỷ USD

19,8

38,8

29,2

39,3

2

Vốn thực hiện FDI hằng năm

Tỷ USD

11,0

19,7

22,4

23,2

3

Vốn thực hiện bình quân 1 dự án FDI

Triệu USD

8,8

10,8

10,3

6,9

4

Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của FDI so với tổng xuất khẩu cả nước

%

54,2

73,4

74,3

73,1

5

Tỷ lệ vốn thực hiện so với vốn đăng ký của FDI

%

55,6

50,8

76,7

59,0

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Với xu thế này, đến năm 2025, dự báo dòng vốn FDI trên thế giới vẫn có thể tiếp tục dịch chuyển mạnh về các nước châu Á và Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp nhận, khi địa chính trị vẫn giữ được ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt cao, lạm phát trong tầm kiểm soát, nhiều hiệp định thương mại đã được thực thi. Những thuận lợi này sẽ giúp cho Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc thu hút FDI của Việt Nam vẫn còn có hạn chế, như: Quy mô vốn đầu tư của các dự án còn khiếm tốn; Số vốn đăng ký nhiều, nhưng thực hiện lại không nhiều. Cụ thể, trung bình vốn thực hiện của một dự án FDI hiện nay mới chỉ khoảng 10,3 triệu USD, quy mô này so với hơn 10 năm về trước vẫn không quá khác biệt, thậm chí lại giảm ở năm 2023. Cùng với đó, lượng vốn thực hiện mới đạt từ 50%÷60% so với vốn đăng ký, điều này cho thấy, các nhà đầu tư còn khá trăn trở khi quyết định thực hiện các dự án FDI ở Việt Nam. Những hạn chế này có thể kể đến do các nguyên nhân chủ yếu sau:

- Hạ tầng giao thông phát triển thiếu đồng bộ, tính kết nối chưa cao giữa các vùng trong nước và giữa trong nước với quốc tế. Đồng thời, hệ thống giao thông, như: đường cao tốc, sân bay, cảng biển chưa thực sự hiện đại.

- Chính sách ưu đãi thu hút FDI chưa thực sự khác biệt, thiếu định hướng rõ nét lĩnh vực cần thu hút đầu tư. Trong khi đó, Việt Nam bắt đầu áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu ở mức thuế 15% với các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 02 năm trong 04 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu euro (EUR) trở lên.

- Việc tiếp cận một số thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài còn chưa hấp dẫn, trong đó có thị trường chứng khoán, thị trường quyền sử dụng đất và nhà ở.

Ảnh hưởng qua kênh thu hút khách du lịch quốc tế

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam góp phần tăng tiêu thụ hàng hóa trong nước (xuất khẩu hàng hóa tại chỗ), cùng với đó thúc đẩy các loại dịch vụ có liên quan phát triển như kinh doanh nhà hàng, khách sạn và lưu trú, vận tải, dịch vụ khám và chữa bệnh. Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong những năm gần đây luôn cao. Trung bình những năm chưa bị Covid-19, mỗi năm Việt Nam đón khoảng 9,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng trung bình 15,7%/năm (giai đoạn 2010-2019). Sau dịch Covid-19, khách du lịch quốc tế lại bắt đầu tăng trở lại, đến năm 2023 đã đón 12,6 triệu lượt khách và chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024 đã đón gần 10 triệu lượt khách, gần bằng 80% của cả năm 2023 (Tổng cục Thống kê, 2024).

Bảng 3: Một số chỉ tiêu về hoạt động du lịch quốc tế của Việt Nam

TT

Chỉ tiêu

ĐVT

2010

2021

2022

2023

1

Tổng lượt khác quốc tế đến Việt Nam trong năm

Triệu lượt

5,0

0,1

3,6

12,6

2

Tỷ trọng GDP ngành dịch vụ nhà hàng trong tổng GDP cả nước

%

2,8

1,7

2,3

2,5

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Hoạt động du lịch quốc tế những năm cuối của giai đoạn 2021-2025 được dự báo sẽ phục hồi mạnh sau dịch Covid-19. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO, 2024), lượng khách du lịch quốc tế đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm tới. Ước tính năm 2023 đã có khoảng 1.286 triệu khách du lịch quốc tế (khách qua đêm) trên toàn thế giới, tăng 34% so với năm 2022, đã phục hồi 88% mức trước đại dịch. Trong đó, khu vực châu Á và Thái Bình Dương phục hồi chậm hơn, mới đạt 65% mức trước đại dịch. Với xu hướng này, hoạt động du lịch quốc tế trong năm 2024 và năm 2025 dự báo sẽ tiếp tục tăng. Việt Nam là nước có nền kinh tế luôn tăng trưởng tốt, địa chính trị ổn định, đa dạng sản phẩm du lịch nên sẽ thuận lợi trong việc tiếp tục đón tiếp khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam trong những năm tới, sẽ chưa thể bứt phá bởi những bất cập trong thu hút khách quốc tế, điều này có thể kể đến như:

- Lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa được đa dạng, chủ yếu mới là khách từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 là khoảng 10 triệu lượt khách, trong đó khách đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm gần 50% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, 2024).

- Dù cho lượng khách quốc tế đến Việt Nam có sự gia tăng đáng kể, nhưng mức độ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 và năm 2023 khác nhau rất nhiều (năm 2023 tăng gấp 3,5 lần so với năm 2022), nhưng vai trò của hoạt động dịch vụ và lưu trú đối với nền kinh tế không tương xứng, tỷ trọng GDP của hoạt động này trong tổng GDP cả nước của năm 2023 và năm 2022 khác nhau không nhiều (Bảng 3). Tương tự, trong quý I/2023 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam là 2,6 triệu lượt người, góp phần tạo nên GDP của hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống là 35,6 nghìn tỷ đồng (giá so sánh), tương đương 13,6 nghìn tỷ đồng/1 triệu lượt khách quốc tế. Nhưng, sang đến quý I/2024, tổng lượng khách quốc tế Việt Nam lên tới 4,6 triệu lượt, nhưng GDP của hoạt động dịch vụ và lưu trú cũng chỉ đạt khoảng 37,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 8,1 nghìn tỷ đồng/1 triệu lượt khách quốc tế (chỉ bằng 59,5% so với quý I/2023). Như vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam không quyết định tất cả GDP của hoạt động dịch vụ và ăn uống, nhưng qua đây cũng cho thấy, lượng khách du lịch đông nhưng chi tiêu cho ăn và ngủ lại có xu hướng giảm, đóng góp cho tăng trưởng không thuận chiều với số lượng khách.

MỘT SỐ GỢI Ý CHÍNH SÁCH CHO ĐIỀU HÀNH KINH TẾ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2025

Đối với thúc đẩy thương mại quốc tế

- Chính phủ mà trọng tâm là Bộ Công Thương cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác hiệu quả hơn các cơ hội kinh doanh, cơ hội đầu tư từ các hiệp định thương mại tự do đã ký. Theo đó, (i) Cần đẩy mạnh tiến độ hoàn thiện văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn để thực thi các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do đã ký; (2) Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, giới thiệu những vấn đề, những lợi thế và các yêu cầu bắt buộc để các doanh nghiệp nắm bắt và khai thác lợi thể; (3) Tăng cường công tác dự báo thị trường quốc tế để cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định trong điều hành và các doanh nghiệp ra quyết định trong kinh doanh.

- Chính phủ mà trọng tâm là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp xuất khẩu và doang nghiệp nhập khẩu. Trong đó, cần ưu tiên hơn cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu. Bởi, khi thúc đẩy được sản xuất thay thế nhập khẩu, sẽ giúp cho tăng trưởng kinh tế tốt hơn, đồng thời tiết kiệm chi phí vận tải và hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp khi vận tải hàng hóa qua biển Đỏ đang trong thời kỳ khủng hoảng.

- Cùng với việc duy trì xuất khẩu sang 3 đối tác truyền thống đang có xu hướng tăng trưởng kinh tế chậm là Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, Chính phủ cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ khu vực doanh nghiệp chuyển hướng xuất khẩu hàng hóa nhiều hơn sang các thị trường mới và 2 thị trường truyền thống được dự báo là phục hồi kinh tế tốt trong giai đoạn tới là Hàn Quốc và các nước châu Âu để đón đầu sự phục hồi kinh tế của các nước này.

- Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư theo chiều sâu, thực hiện gọn theo từng vấn đề thay vì giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc như hiện nay.

Đối với thu hút vốn đầu tư nước ngoài

- Việt Nam nên có chính sách ưu đãi vượt trội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thay cho việc sử dụng chung cùng một chính sách cho toàn bộ các loại hình doanh nghiệp. Đồng thời, Nhà nước cần phối kết hợp sử dụng công cụ tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp, như: chính sách miễn, giảm các loại thuế, gia hạn nộp thuế; Và nên tăng cường sử dụng công cụ phi tài chính để thu hút vốn FDI. Cụ thể, cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện nhanh và hiện đại các tuyến đường cao tốc, các cảng biển, cảng hàng không để tăng kết nối giữa các vùng trong nước và giữa trong nước với quốc tế để không chỉ phục vụ cho nhà đầu tư FDI, mà còn phục vụ cho cả hoạt động xuất nhập - khẩu và du lịch quốc tế; Tăng cường sự đồng hành của chính quyền địa phương để cùng tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp; Tăng cường các hoạt động quảng bá xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại ra nước ngoài và với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.

- Việp áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu lớn có thể sẽ có ảnh hưởng đến tâm lý, ảnh hưởng đến việc ra quyết định đầu tư và mở rộng các dự án FDI ở Việt Nam. Do đó, Nhà nước nên xây dựng chính sách ưu đãi có tính chất riêng biệt và vượt trội để cạnh tranh được với các quốc gia khác trong việc thu hút các dự án FDI quy mô lớn.

- Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp luật để khuyến khích, cho phép các nhà đầu tư FDI tiếp cận tốt hơn vào một số thị trường trong nước, như: thị trường chứng khoán, thị trường quyền sử dụng đất và nhà ở.

Đối với thu hút khách du lịch quốc tế

- Chính phủ nên đưa việc xây dựng các tuyến du lịch, các sản phẩm du lịch làm trọng tâm trong điều hành kinh tế giai đoạn tới để tạo đột phá nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Khi đó, không chỉ phục vụ tốt hơn lượng khách phổ thông mà sẽ hướng đến nhiều hơn trong việc đón khách quốc tế đến từ các nước phát triển, các nước chi tiêu nhiều cho du lịch, như: các nước châu Âu, một số nước ở châu Mỹ.

- Chính phủ cần tăng cường tổ chức các hoạt động quảng bá du lịch ở cấp quốc gia ra các nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trọng tâm là các quốc gia ở châu Âu và một số nước châu Mỹ nhằm xoay chuyển thị trường mục tiêu, cải thiện thị trường truyền thống.

- Chính phủ cần tiếp tục điều chỉnh một số chính sách nhằm tạo sự khác biệt, vượt trội với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn, như: Chính sách kéo dài thời hạn lưu trú tại Việt Nam; Mở rộng đối tượng được miễn thị thực và miễn phí cấp thị thực; Tăng các chuyến bay để đáp ứng nhu cầu đi lại của khách du lịch./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2024), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ.

2. Cục Đầu tư nước ngoài (2023), Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2023, truy cập từ https://fia.mpi.gov.vn/.

3. Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (2024), Thông tin du lịch tháng 7/2024, truy cập từ https://vietnamtourism.gov.vn/.

4. IMF (2024), World Economic Outlook, April 2024, retrieved from https://www.imf.org/.

5. International Trade Centre (2024), Trade statistics for international business development, retrieved from tttps://www.trademap.org/.

6. Tổng cục Thống kê (2010), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2010.

7. Tổng cục Thống kê (2023), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023.

8. Tổng cục Thống kê (2024), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024.

9. UNWTO (2024), World Tourism Barometer, retrieved from https://www.e-unwto.org/doi/epdf/.

10. Uyên Hương và Minh Hợp (2024), Tình hình Biển Đỏ: Gián đoạn dòng chảy thương mại của Việt Nam, truy cập từ https://www.vietnamplus.vn/tinh-hinh-bien-do-gian-doan-dong-chay-thuong-mai-cua-viet-nam-post935987.vnp.

11. Đinh Thị Hải Phong và Nguyễn Thị Mai Phương (2021), Tác động tích cực từ xuất khẩu hàng hóa tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/tac-dong-tich-cuc-tu-xuat-khau-hang-hoa-toi-tang-truong-kinh-te-cua-viet-nam.html.

12. Lê Hằng Mỹ Hạnh (2021), Đánh giá tác động của xuất khẩu đến tăng trưởng kinh tế, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/danh-gia-tac-dong-cua-xuat-khau-den-tang-truong-kinh-te.html.

13. Nguyễn Thị Mỹ Linh và Nguyễn Thị Hoa (2019), Tác động của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học kinh tế, số 7(1), 18-29.

14. Trường Đại học kinh tế Quốc dân (2024), Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023: Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

Ngày nhận bài: 20/7/2024; Ngày phản biện: 01/8/2024; Ngày duyệt đăng: 06/8/2024