Thị trường bất động sản bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế

Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, đã tổ chức phiên họp thứ 3 trong ngày 23/8. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì phiên họp.

Đoàn giám sát về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội đã làm rõ nhiều nội dung quan trọng

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên họp thứ 3 Đoàn giám sát về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo trình bày các dự thảo báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết chuyên đề giám sát. Theo đó, kết quả giám sát cho thấy, thị trường bất động sản trong giai đoạn 2015 - 2023 đã có những bước phát triển về quy mô thị trường, số lượng, quy mô dự án bất động sản và chủ thể tham gia, đa dạng về loại hình sản phẩm bất động sản. Hoạt động kinh doanh bất động sản có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước ở các địa phương; bổ sung nguồn cung nhà ở đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đoàn giám sát về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội đã làm rõ nhiều nội dung quan trọng
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo, hiện giá nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã tăng ở mức cao so với mức thu nhập trung bình của người dân, tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm về an sinh xã hội

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển của thị trường bất động sản và công tác quản lý thị trường bất động sản đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế: thị trường bất động sản phát triển nhanh, nhưng cơ cấu sản phẩm bất động sản không hợp lý; hiện tại, giá nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã tăng ở mức cao so với mức thu nhập trung bình của người dân, tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm về an sinh xã hội. Nhiều trường hợp không cấp được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho khách hàng, do dự án bất động sản gặp vướng mắc pháp lý.

Về nhà ở xã hội, với sự chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã phối hợp tích cực, chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và nhiều gói hỗ trợ nhà ở khác thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công về nhà ở. Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế; tình trạng dư thừa quỹ đất ở, nhà ở thương mại nhưng lại thiếu quỹ đất ở, nhà ở xã hội còn chậm được khắc phục. Giá nhà ở xã hội bình quân còn cao so với thu nhập của đối tượng thụ hưởng. Công tác quản lý nhà nước về nhà ở xã hội vẫn còn nhiều bất cập. Việc bố trí quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội tại nhiều địa phương không đáp ứng yêu cầu…

Đóng góp ý kiến hoàn thiện các dự thảo, thành viên Đoàn giám sát đề nghị cần làm rõ hơn nữa mối quan hệ giữa Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản vừa có hiệu lực và các luật có liên quan, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển nhà ở xã hội. Báo cáo cần bổ sung, cập nhật thêm số liệu cụ thể, chính xác, khoa học về các kết quả đạt được trong quản lý thị trường bất động sản. Cũng cần theo dõi sát sao công tác tổ chức thực thi các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành trong lĩnh vực quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật được ban hành; kịp thời giải đáp những vấn đề có cách hiểu khác nhau. Một số tồn tại hạn chế hiện nay có liên quan đến trách nhiệm của địa phương, của các cơ quan, bộ, ngành hữu quan, nên khi đề xuất giải pháp cần nêu rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cơ quan, không nên quy định chung chung, dẫn đến khó khăn trong triển khai, thực hiện.

Đã làm rõ được nhiều nội dung quan trọng, đúng trọng tâm, trọng điểm

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, thời gian qua, 3 Đoàn công tác của Đoàn giám sát đã hoàn thành giám sát tại 12 địa phương, vừa có tính đại diện, vừa có tính tiêu biểu. Đoàn cũng đã có 2 buổi làm việc với 8 bộ, ngành liên quan, tổ chức tọa đàm tham vấn ý kiến của các cơ quan, chuyên gia, hiệp hội. Qua đó, đã làm rõ được nhiều nội dung quan trọng, đúng trọng tâm, trọng điểm để phục vụ xây dựng dự thảo Báo cáo giám sát, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát.

Đoàn giám sát về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội đã làm rõ nhiều nội dung quan trọng
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Đoàn giám sát về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội đã làm rõ nhiều nội dung quan trọng

Trên cơ sở ý kiến phát biểu của các đại biểu trong phiên họp này, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát sẽ chỉ đạo tổ giúp việc nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện các dự thảo đảm bảo mục tiêu, yêu cầu của Đoàn giám sát, đảm bảo chất lượng của các dự thảo, chuẩn bị các nội dung đề nghị Chính phủ làm rõ tại cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Chính phủ sắp tới.

“Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát này đặt trong bối cảnh 3 luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản được Quốc hội xem xét, thông qua, liên quan trực tiếp đến chuyên đề giám sát, vừa có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Tuy nhiên, qua thực tế, còn nhiều vướng mắc, khó khăn chưa thể tháo gỡ ngay như mong muốn, do đó, việc dự thảo Nghị quyết giám sát, kết quả đầu ra của giám sát cũng rất khó khăn, nhưng cũng là yêu cầu bắt buộc của chuyên đề giám sát này. Thời gian giám sát được tính đến năm 2023, tuy nhiên, các luật khi đi vào khâu tổ chức thực hiện còn có một số vấn đề khúc mắc trong định giá đất, quyền đấu giá, sử dụng đất, các vấn đề riêng của các địa phương.”, ông Hải nói.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, một trong các mục tiêu của giám sát là làm rõ, đánh giá được các kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội. Đề nghị làm rõ những vấn đề nào đã được giải quyết khi Quốc hội thông qua 3 luật có liên quan vừa qua, nội dung nào còn thiếu văn bản hướng dẫn, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội để tiếp tục kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật cho phù hợp./.