Doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng mở rộng tiềm năng xuất khẩu vào Việt Nam
Đây là thông tin được ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản - JETRO tại Hà Nội đưa ra tại chương trình Kết nối doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, thủy sản, thực phẩm Nhật Bản tại Hà Nội năm 2019, được tổ chức ngày 13/9 tại Hà Nội. Chương trình nhằm đẩy mạnh giao thương giữa hai nước trong lĩnh vực cả hai có nhiều thế mạnh, đồng thời là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.
Tại chương trình, ông Hironobu Kitagawa cho rằng, Việt Nam là quốc gia có dân số đông, với số lượng tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và có nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm chất lượng cao ngày càng lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá rất cao tiềm năng tiêu dùng của thị trường Việt Nam. Ông Hironobu Kitagawa cũng kỳ vọng các doanh nghiệp Nhật Bản cũng có thể mở rộng tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản, thực phẩm tại thị trường Việt Nam.
Ông Hironobu Kitagawa cho rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá rất cao tiềm năng tiêu dùng của thị trường Việt Nam.
Theo thống kê thương mại của Bộ Tài chính Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thực phẩm từ Nhật Bản sang Việt Nam năm 2018 đạt mức kỷ lục cao nhất từ trước tới nay 45,7 tỷ Yên, tăng 15,9% so với năm trước đó, đồng thời cũng là lần đầu tiên vượt mức 40 tỷ Yên.
Xét riêng theo từng quốc gia, thì kim ngạch này đứng thứ 6 sau Hàn Quốc. Xét theo từng mặt hàng, thì các mặt hàng thực phẩm chế biến tăng mạnh so với năm trước (xấp xỉ 1,5 lần). Mặt khác, các mặt hàng thủy sản chiếm tỷ lệ kim ngạch lớn nhất, trong đó, kim ngạch của mặt hàng cá saba, cá hồi cũng tăng lên, với mức tăng tổng thể là 6,4%, cho thấy một sự tăng trưởng vững chắc.
Trong khi đó, hiện nay các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nhật Bản là thủy sản và nông sản. Các mặt hàng thủy sản, như: tôm, mực, bạch tuộc, cá ngừ, cua, ghẹ…; nông sản gồm các mặt hàng, như: rau quả, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, cao su, sắn…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, Nhật Bản là một trong 5 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chính của Việt Nam. Hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản đang ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực, như: hợp tác kỹ thuật, nghiên cứu, phát triển kết cấu hạ tầng, liên doanh liên kết và đầu tư trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp…
Doanh nghiệp Nhật Bản giới thiệu sản phẩm đến khách hàng Việt Nam.
Đánh giá về năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam, ông Hironobu Kitagawa cho biết, trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam rất cao và ngày càng cải tiến. Đồng thời, môi trường kinh doanh khá hoàn thiện và được cải tiến rõ rệt, do đó, đã tạo được sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản.
Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam cũng cần nghiên cứu về mùi vị và những ý tưởng mới về sản phẩm để 2 bên có thể làm việc chung. Bên cạnh đó, tìm hiểu về văn hóa giữa 2 nước, về cách thức làm việc và hợp tác, kinh doanh đầu tư để 2 bên có thể trao đổi, hiểu rõ hơn tiến tới thúc đẩy kinh doanh giữa 2 nước.
Ông Hironobu Kitagawa cũng cho biết, không chỉ các doanh nghiệp Nhật Bản, mà cả những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam vẫn còn e ngại về chính sách và luật pháp của Việt Nam. Các chính sách và luật pháp đối với doanh nghiệp nước ngoài vẫn chưa được cụ thể, chi tiết rõ ràng. Do đó, ông hy vọng rằng, những chính sách và luật pháp của Việt Nam sẽ được phổ cập và diễn giải cụ thể, chi tiết đến từng doanh nghiệp. Hay tổ chức những buổi tọa đàm trình bày các văn bản luật pháp để các doanh nghiệp thể hiểu rõ hơn.
Toàn cảnh chương trình.
Về phía doanh nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và quảng cáo Blue Ocean cho biết, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng chuộng hàng nhập khẩu hơn hàng trong nước. Bà đánh giá rất cao sản phẩm sữa tươi của Nhật Bản.
Mặc dù thị trường sữa ở Việt Nam như “một đại dương đỏ” với rất nhiều loại sữa, tuy nhiên, chỉ sữa bột mới có nhiều nhãn sữa nhập khẩu, còn sữa tươi thì rất ít và chất lượng không được như sữa của Nhật. Hơn nữa, chỉ bảo quản được 6 đến 12 tháng, còn sữa của Nhật Bản thì có thể bảo quản được đến 30 tháng.
Bên cạnh đó, theo bà Phương, ở Việt Nam cũng có xu hướng dùng sữa tươi nhiều hơn sữa bột, sữa bột chỉ dùng cho bé đến khoảng 2 tuổi, sau đó sẽ chuyển sang dùng sữa tươi cho đến già. Như vậy, khả năng mở rộng thị trường sữa tươi ở Việt Nam là rất lớn và sữa tươi của Nhật Bản có khả năng cạnh tranh ở thị trường Việt Nam./.
Chương trình Kết nối doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, thủy sản, thực phẩm Nhật Bản năm 2019 có sự tham gia của 34 doanh nghiệp đến từ Nhật Bản hoạt động trong các lĩnh vực: thủy sản, sản phẩm thủy sản chế biến; thực phẩm chức năng; thực phẩm chế biến (bánh kẹo…); thực phẩm cho trẻ em; Waggu (Thịt bò Nhật). Chương trình đã thu hút sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp của Nhật Bản và Việt Nam. |
Bình luận