NHÓM NỘI DUNG: QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ NGÀNH, NGHỀ KINH DOANH CỦA HỢP TÁC XÃ
08-12-2023 13:31I. Về ngành, nghề kinh doanh của hợp tác xã
Khoản 5 Điều 1 Thông tư số 07/2019/TT-BKHĐT ngày 08/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Điều 5 Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT ngày 26/5/2014 hướng dẫn về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã quy định về ngành, nghề kinh doanh của hợp tác xã như sau:
1. Khi đăng ký thành lập hợp tác xã, khi đăng ký bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh hoặc khi đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, hợp tác xã lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong giấy đề nghị đăng ký hợp tác xã. Cơ quan đăng ký hợp tác xã hướng dẫn và ghi nhận ngành, nghề kinh doanh của hợp tác xã vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký hợp tác xã.
2. Nội dung cụ thể của ngành kinh tế cấp bốn quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
3. Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
4. Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
5. Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì cơ quan đăng ký hợp tác xã xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký hợp tác xã nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.
6. Trường hợp hợp tác xã có nhu cầu đăng ký ngành, nghề kinh doanh chi tiết hơn ngành kinh tế cấp bốn thì hợp tác xã lựa chọn một ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, sau đó ghi chi tiết ngành, nghề kinh doanh của hợp tác xã ngay dưới ngành cấp bốn nhưng phải đảm bảo ngành, nghề kinh doanh chi tiết phù hợp với ngành cấp bốn đã chọn. Trong trường hợp này, ngành, nghề kinh doanh của hợp tác xã là ngành, nghề kinh doanh chi tiết hợp tác xã đã ghi.
7. Việc ghi ngành, nghề kinh doanh quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều này; trong đó, ngành, nghề kinh doanh chi tiết được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.
8. Hợp tác xã được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của hợp tác xã thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 65 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư thì hành vi kinh doanh ngành, nghề không được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
II. Về ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh hợp tác xã
Theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Luật Hợp tác xã năm 2012 thì ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Điểm a khoản 1 Điều 69 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP quy định trường hợp ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh không phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của hợp tác xã thì hợp tác xã bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.