Thứ ba 17/09/2024 01:38 | Liên hệ Tòa soạn e-ISSN: 2734-9365

Hỏi - Đáp về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký hợp tác xã

Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

NHÓM NỘI DUNG: QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP

30-10-2023 20:43
Hỏi:Hiện tại, tôi đang là chủ một doanh nghiệp tư nhân và có dự định thành lập thêm một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Xin hỏi, tôi hoặc doanh nghiệp tư nhân của tôi có thể thành lập và là chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không? Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có chủ sở hữu là cá nhân có quốc tịch Việt Nam được pháp luật quy định như thế nào? Tôi có thể uỷ quyền cho cá nhân, tổ chức khác thực hiện thủ tục đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không? Nếu có thì hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp này gồm những giấy tờ gì?
Trả lời:
Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

I. Về quyền thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Khoản 4 Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn”.

Luật Doanh nghiệp không có quy định cấm chủ doanh nghiệp tư nhân thành lập và là chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

II. Về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp thì hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có chủ sở hữu là cá nhân có quốc tịch Việt Nam bao gồm những giấy tờ sau đây:

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân;

Theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Luật Doanh nghiệp năm 2020, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.

III. Về việc ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Theo quy định tại Phụ lục I-2 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp thì người có thẩm quyền ký Giấy đề nghị đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Điều 12 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP thì người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

Căn cứ các quy định nêu trên, người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được quy định như sau:

- Trường hợp ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân được ủy quyền. Văn bản ủy quyền này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

- Trường hợp ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp thì khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, nhân viên bưu chính phải nộp bản sao phiếu gửi hồ sơ theo mẫu do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phát hành có chữ ký xác nhận của nhân viên bưu chính và người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

- Trường hợp ủy quyền cho tổ chức hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính không phải là bưu chính công ích thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân người được giới thiệu.

Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

NHÓM NỘI DUNG: QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ THAY ĐỔI, THÔNG BÁO THAY ĐỔI NỘI DUNG ĐĂNG KÝ HỢP TÁC XÃ

11-10-2023 22:06
Hỏi:Đại hội thành viên hợp tác xã ra quyết định giảm vốn điều lệ của hợp tác xã do trả lại vốn góp cho một thành viên hợp tác xã bị chấm dứt tư cách thành viên. Vậy việc ra quyết định giảm vốn điều lệ như vậy có phù hợp với quy định của pháp luật không? Trong trường hợp này, hợp tác xã phải thực hiện những thủ tục gì với Cơ quan đăng ký kinh doanh?
Trả lời:
Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

I. Về hình thức giảm vốn điều lệ của hợp tác xã

Theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Hợp tác xã năm 2012 thì hợp tác xã có thể giảm vốn điều lệ bằng hình thức trả lại vốn góp cho thành viên. Trường hợp vốn điều lệ giảm mà có thành viên có vốn góp vượt quá mức vốn góp tối đa theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 17 của Luật này thì phải trả lại phần vốn vượt mức vốn góp tối đa theo quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này hoặc huy động thêm vốn của thành viên khác hoặc kết nạp thành viên mới để bảo đảm về tỷ lệ vốn góp tối đa theo quy định của Luật này và điều lệ. Đối với hợp tác xã hoạt động trong ngành, nghề yêu cầu phải có vốn pháp định thì vốn điều lệ sau khi giảm không được thấp hơn vốn pháp định áp dụng đối với ngành, nghề đó.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Hợp tác xã thì hợp tác xã trả lại vốn góp cho thành viên khi chấm dứt tư cách thành viên hoặc trả lại phần vốn vượt quá mức vốn góp tối đa khi vốn góp của thành viên, hợp tác xã thành viên vượt quá mức vốn tối đa quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 17 của Luật này.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 32 Luật Hợp tác xã thì một trong những quyền hạn và nhiệm vụ của đại hội thành viên là quyết định tăng, giảm vốn điều lệ của hợp tác xã.

Như vậy, căn cứ quy định trên thì việc đại hội thành viên hợp tác xã quyết định giảm vốn điều lệ do trả lại vốn góp cho một thành viên hợp tác xã bị chấm dứt tư cách thành viên là phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã. Tuy nhiên, cần bảo đảm quy định về tỷ lệ vốn góp tối đa và quy định về vốn pháp định (nếu có).

II. Về thủ tục hành chính hợp tác xã phải thực hiện với cơ quan đăng ký kinh doanh

Điều 28 Luật Hợp tác xã quy định:

“1. Trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thay đổi một trong các nội dung về tên, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề sản xuất, kinh doanh, vốn điều lệ, người đại diện theo pháp luật; tên, địa chỉ, người đại diện chi nhánh, văn phòng đại diện thì phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận đăng ký. Việc thay đổi chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký.

2. Khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thay đổi nội dung điều lệ, số lượng thành viên, hợp tác xã thành viên, thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, địa điểm kinh doanh thì phải gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận đăng ký trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thay đổi”.

Theo quy định tại khoản 8, khoản 10 Điều 21 Luật Hợp tác xã thì số lượng thành viên, vốn điều lệ là một trong những nội dung điều lệ hợp tác xã.

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp hợp tác xã giảm vốn điều lệ do trả lại vốn góp cho một thành viên bị chấm dứt tư cách thành viên, hợp tác xã phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ và thủ tục thông báo thay đổi nội dung điều lệ, số lượng thành viên với cơ quan đăng ký hợp tác xã nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính. Cụ thể:

Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 07/2019/TT-BKHĐT ngày 08/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Điều 11 Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT ngày 26/5/2014 hướng dẫn về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã quy định về đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hợp tác xã như sau: “Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hợp tác xã có thay đổi về tên, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề kinh doanh, vốn điều lệ, người đại diện theo pháp luật thì hợp tác xã phải đăng ký với cơ quan đăng ký hợp tác xã nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính. Hợp tác xã nộp 01 bộ hồ sơ gồm: a) Giấy đề nghị đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hợp tác xã; b) Nghị quyết của đại hội thành viên hoặc quyết định của hội đồng quản trị về việc thay đổi nội dung đăng ký hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký hợp tác xã thực hiện việc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký của hợp tác xã và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã cho hợp tác xã. Nếu không thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký của hợp tác xã thì cơ quan đăng ký hợp tác xã thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho hợp tác xã biết”.

Khoản 11 Điều 1 Thông tư số 07/2019/TT-BKHĐT sửa đổi khoản 1 Điều 13 Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT và khoản 2 Điều 13 Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT quy định về thông báo thay đổi nội dung đăng ký hợp tác xã như sau: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thay đổi nội dung điều lệ, nội dung đăng ký thuế, số lượng thành viên, thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên thì hợp tác xã phải gửi thông báo thay đổi nội dung đăng ký hợp tác xã đến cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính. Kèm theo thông báo là nghị quyết của đại hội thành viên hoặc quyết định bằng văn bản của hội đồng quản trị về việc thay đổi nội dung đăng ký hợp tác xã. Trường hợp thay đổi điều lệ thì hợp tác xã gửi kèm theo bản điều lệ của hợp tác xã sau khi thay đổi. Trường hợp thay đổi số lượng thành viên thì hợp tác xã gửi kèm theo bản danh sách thành viên sau khi thay đổi. Trường hợp thay đổi thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát/kiểm soát viên của hợp tác xã thì hợp tác xã gửi kèm theo bản danh sách thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát/kiểm soát viên sau khi thay đổi”.

Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

NHÓM NỘI DUNG: QUY ĐỊNH VỀ CHUYỂN ĐỔI HỘ KINH DOANH THÀNH DOANH NGHIỆP

11-10-2023 22:05
Hỏi:Nhằm mục đích mở rộng quy mô hoạt động, hộ kinh doanh của chúng tôi muốn chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên. Xin hỏi, việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành công ty TNHH hai thành viên trở lên thực hiện ở cơ quan nào? Hồ sơ, trình tự, thủ tục chuyển đổi được quy định như thế nào? Sau khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, chúng tôi dự kiến bổ sung ngành, nghề “kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi”. Xin hỏi, ngành, nghề này có phải là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện hay không? Hồ sơ, trình tự, thủ tục để thông báo bổ sung ngành, nghề này quy định như thế nào?
Trả lời:
Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

I. Đăng ký chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành công ty TNHH hai thành viên trở lên

Khoản 1 Điều 27 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định: “Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh thực hiện tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính”.

Theo quy định tại Điều 23 và khoản 2 Điều 27 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP thì hồ sơ đăng ký thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh bao gồm:

a) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

b) Điều lệ công ty;

c) Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;

d) Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;

e) Bản sao các giấy tờ sau đây:

- Giấy chứng nhận đăng ký thuế;

- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự.

Trường hợp doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh có nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư thì hồ sơ phải có văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành công ty TNHH hai thành viên trở lên quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 32 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP. Theo đó, người nộp hồ sơ nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.

Khoản 1, khoản 2 Điều 33 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp yêu cầu đăng ký không đúng theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ. Phòng Đăng ký kinh doanh ghi toàn bộ yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với mỗi một bộ hồ sơ do doanh nghiệp nộp trong một Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

II. Thông báo bổ sung ngành, nghề “kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi”

Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 quy định: “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Theo quy định tại Phụ lục IV về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2020 thì “kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi” là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì nghĩa vụ của doanh nghiệp là đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.

Khoản 8 Điều 7 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định: “Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành”.

Hồ sơ, trình tự, thủ tục thông báo thay đổi ngành, nghề kinh doanh quy định tại Điều 56 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.

Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

NHÓM NỘI DUNG: QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ NGÀNH, NGHỀ KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP

11-10-2023 22:04
Hỏi:Chúng tôi dự định thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên có 100% vốn trong nước để kinh doanh ngành, nghề “Kinh doanh dịch vụ cầm đồ”. Xin hỏi, cách ghi ngành, nghề kinh doanh này khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp như thế nào? Ngành, nghề “Kinh doanh dịch vụ cầm đồ” có phải là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hay không? Chúng tôi có thể tiến hành hoạt động kinh doanh ngành, nghề “Kính doanh dịch vụ cầm đồ” ngay khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không?
Trả lời:
Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Về việc ghi ngành, nghề kinh doanh trong đăng ký doanh nghiệp

Việc ghi ngành, nghề kinh doanh quy định tại Điều 7 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh hướng dẫn, đối chiếu và ghi nhận ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Nội dung cụ thể của ngành kinh tế cấp bốn quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu ghi ngành, nghề kinh doanh chi tiết hơn ngành kinh tế cấp bốn thì doanh nghiệp lựa chọn một ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, sau đó ghi chi tiết ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp dưới ngành cấp bốn nhưng phải đảm bảo ngành, nghề kinh doanh chi tiết của doanh nghiệp phù hợp với ngành cấp bốn đã chọn. Trong trường hợp này, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp là ngành, nghề kinh doanh chi tiết doanh nghiệp đã ghi.

Theo quy định tại Phụ lục II về nội dung Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam thì “dịch vụ cầm đồ” được phân vào nhóm 6492 – Hoạt động cấp tín dụng khác.

Căn cứ các quy định nêu trên, khi đăng ký kinh doanh ngành, nghề “Kinh doanh dịch vụ cầm đồ”, người thành lập doanh nghiệp ghi tên ngành kinh tế cấp bốn là “Hoạt động cấp tín dụng khác”, mã ngành là “6492” và ghi ngành, nghề chi tiết là “Kinh doanh dịch vụ cầm đồ” dưới ngành kinh tế cấp bốn nêu trên trên Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

Mẫu Giấy đề nghị đăng ký công ty TNHH hai thành viên trở lên quy định tại Phụ lục I-3 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.

2. Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 quy định ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Theo quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2020 thì “Kinh doanh dịch vụ cầm đồ” là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP thì doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định một trong những nghĩa vụ của doanh nghiệp là đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.

Căn cứ các quy định nêu trên, doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh ngành, nghề “Kinh doanh dịch vụ cầm đồ” kể từ khi đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.

Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

NHÓM NỘI DUNG: TỔ CHỨC LẠI, TẠM NGỪNG KINH DOANH, GIẢI THỂ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP, HỘ KINH DOANH, HỢP TÁC XÃ; THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP, GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ HỘ KINH DOANH, GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ HỢP TÁC XÃ

28-09-2023 10:37
Hỏi:Hợp tác xã chúng tôi có trụ sở chính đặt tại huyện Bình Chánh - Thành phố Hồ Chí Minh và 01 văn phòng đại diện tại nước ngoài. Do việc kinh doanh tại nước ngoài không hiệu quả, chúng tôi quyết định chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện này và đăng ký thành lập văn phòng đại diện mới tại Việt Nam. Xin hỏi, việc chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện tại nước ngoài nêu trên có thể thực hiện tại Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh hay không? Hồ sơ, trình tự, thủ tục thông báo chấm dứt hoạt động văn phòng đại điện của hợp tác xã tại nước ngoài và hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam được quy định như thế nào?
Trả lời:
Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thông báo chấm dứt hoạt động văn phòng đại điện của hợp tác xã tại nước ngoài

Khoản 3 Điều 16 Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT ngày 26/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã quy định trường hợp chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh ở nước ngoài thì hợp tác xã phải thực hiện theo quy định pháp luật của nước đó. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận việc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, hợp tác xã phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính để bổ sung vào hồ sơ đăng ký hợp tác xã. Kèm theo thông báo là bản sao xác nhận về việc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.

Như vậy, trường hợp chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện tại nước ngoài, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận việc chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện, hợp tác xã phải gửi thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện ở nước ngoài và bản sao xác nhận về việc chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đến Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh để được xem xét, giải quyết theo quy định.

Mẫu Thông báo về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã ở nước ngoài quy định tại Phụ lục I-12 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2019/TT-BKHĐT ngày 08/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT ngày 26/5/2014 hướng dẫn về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã.

2. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam

Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT và khoản 4 Điều 2 Thông tư số 07/2019/TT-BKHĐT thì khi thành lập văn phòng đại diện, hợp tác xã gửi tới cơ quan đăng ký hợp tác xã nơi đặt văn phòng đại diện 01 bộ hồ sơ đăng ký thành lập văn phòng đại diện của hợp tác xã, gồm:

a) Thông báo về việc đăng ký thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã tại Phụ lục I-7 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2019/TT-BKHĐT;

b) Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã;

c) Nghị quyết của đại hội thành viên về việc mở văn phòng đại diện của hợp tác xã;

d) Quyết định bằng văn bản của hội đồng quản trị về việc cử người đại diện của văn phòng đại diện;

e) Bản sao hợp lệ giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện văn phòng đại diện.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT, khoản 2 Điều 2 và khoản 7 Điều 1 Thông tư số 07/2019/TT-BKHĐT thì nếu ngành, nghề, nội dung hoạt động của văn phòng đại diện phù hợp với ngành, nghề hoạt động của hợp tác xã thì cơ quan đăng ký hợp tác xã cấp giấy chứng nhận đăng ký văn phòng đại diện của hợp tác xã trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, đồng thời bổ sung vào hồ sơ đăng ký hợp tác xã./.

( 35 Q&A ) |< < 1 2 3 4 > >|
Based on MasterCMS Ultimate Edition v2.9 2024