Doanh nhân Đinh Trọng Vỹ: "Tôi mong ước không còn trẻ em nào bị ngược đãi"
5 năm trên hành trình kết nối yêu thương, anh Đinh Trọng Vỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Hành trình kết nối yêu thương Việt Nam đã ghi dấu ấn trên cả nước, bởi tấm lòng nhân ái, từ thiện minh bạch, bảo vệ phụ nữ và trẻ em tránh khỏi nạn ngược đãi, bạo hành.
Ông Đinh Trọng Vỹ nhận Bằng khen từ Bộ trưởng Bộ LĐTB & XH Đào Ngọc Dung vì có thành tích giúp cho trẻ em nghèo vượt khó học giỏi trên 63 tỉnh thành |
Số phận bi kịch của doanh nhân Định Trọng Vỹ
Đinh Trọng Vỹ sinh ra ở một làng quê nghèo thuộc vùng núi Nghĩa Thắng, tỉnh Quảng Ngãi. Ngay từ nhỏ, anh đã thiếu vắng tình yêu thương vì bố mẹ ly hôn khi anh mới 1 tuổi. Anh sống cùng ông bà ngoại, trải qua những tháng ngày thiếu ăn thiếu mặc, khó khăn nhất trong cuộc đời. Lên 7 tuổi, Trọng Vỹ phải đi ở đợ, chăn thuê trâu, vịt, ngỗng cho nhà khác. Anh từng đi dội nước cho đội cưa bom lấy vỏ bom, đạn cối, được trả công là vòng đồng bom, đem đổi lấy gạo, bán lấy tiền mua sách vở...
Năm 14 tuổi, anh Vỹ được bố đón về sống cùng mẹ kế, nhưng chịu cảnh phân biệt đối xử con riêng, bị vu khống tội ăn cắp. Anh nhiều lần tủi thân, cảm thấy không có tình thương từ gia đình và từng nghĩ quẩn, nhưng sau đó anh đã quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp. Ban đầu, anh không có việc làm, phải đi xin ăn, ngủ vỉa hè... Mãi sau, được người chủ quán nơi anh hay lui tới xin cơm thừa, nhận làm chân chạy việc, rửa chén bát cho tiệm.
Một thời gian sau, anh Vỹ chuyển qua các công việc khác như công nhân may, nhưng lại bị quỵt tiền lương. Một lần khác, khi làm ở xưởng gỗ, anh vì đỡ gỗ giúp một công nhân khác mà bị máy xén mất ngón tay, nhưng công ty từ chối chi trả bảo hiểm, nên đành nghỉ việc.
Mất việc, trở thành kẻ tha hương, Đinh Trọng Vỹ một lần nữa định kết thúc cuộc đời khổ đau của mình. Nhưng may mắn cho anh, anh được người dân tốt bụng cứu sống. Sau đó, anh xin làm may và lên tổ trưởng, rồi tự mở xưởng và kinh doanh thêm bất động sản. Tưởng chừng cuộc sống an ổn phần nào thì biến cố lại xảy ra, anh bị lừa và mất trắng.
Năm 2007, với 12 tỉ đồng tiền nợ, Đinh Trọng Vỹ không gục ngã mà quyết tâm làm lại từ đầu. Anh làm việc không kể ngày đêm ở một công ty hoá chất. Hai năm sau, ông chủ về Canada, công ty rệu rã. Anh xin nghỉ làm, về tự sản xuất theo công thức trước đó được ông chủ chỉ dạy. Anh tự chào bán sản phẩm, khi có lợi nhuận hơn thì thuê nhân viên và mở rộng cơ đồ. Thành công nối tiếp thành công, Đinh Trọng Vỹ dần trả được nợ và có sự nghiệp ổn định.
Trải qua tuổi thơ cơ cực, Chủ tịch CPCP Đầu tư Hành trình kết nối yêu thương Việt Nam Đinh Trọng Vỹ nguyện nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho trẻ em và phụ nữ |
Bán nhà, từng vay tiền để làm từ thiện
Có lẽ vì phải trải qua quá nhiều bi kịch, nên Đinh Trọng Vỹ thường hay chiêm nghiệm về cuộc đời mình. Chứng kiến những hoàn cảnh nào khó khăn, nhất là các em bé, tự trong lòng anh trào lên niềm thương xót. Chính tình thương ấy đã khiến anh quyết tâm bước vào con đường làm từ thiện. Anh viết Đề án gửi Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam trực thuộc Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, sáng lập ra dự án Hành trình Kết nối yêu thương Việt Nam, nhằm mục đích tuyên truyền quyền bảo vệ trẻ em.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của doanh nhân Đinh Trọng Vỹ cùng Hành trình Kết nối yêu thương Việt Nam |
5 năm qua, doanh nhân Đinh Trọng Vỹ đã tài trợ và kết nối kêu gọi thông qua nhiều tổ chức tổng số tiền và hiện vật hơn 250 tỷ đồng, trao trực tiếp đến những hoàn cảnh khó khăn trên mọi miền tổ quốc |
Anh chia sẻ: “Phải chăng kiếp trước đã gây nghiệp nên kiếp này phải trải qua những tai ương? Lúc đứng vững chính là lúc tôi cần trả nợ tiền kiếp, nhân rộng tình yêu thương để kiếp nhân sinh bất cứ ai cũng là niềm vui, ngập tràn yêu thương. Tôi không muốn thế hệ trẻ em sau này bị ngược đãi như tôi của ngày xưa nữa”.
Khát vọng và nỗ lực làm từ thiện là rất đẹp, nhưng quá trình thực thi nó chưa bao giờ dễ dàng. Anh Vỹ cho biết, một số người lợi dụng chương trình đứng lên đấu giá, rồi không chuyển tiền vào Quỹ. Để giữ chữ tín cho chương trình, anh đã từng bán nhà 2-3 lần, bán xe thậm chí đi vay lãi để có tiền trao quà hiện vật cho người nghèo.
Chính sự minh bạch và tận tâm của mình, doanh nhân Đinh Trọng Vỹ đã dẫn lối cho nhiều người mong muốn làm từ thiện gia nhập vào chương trình kết nối yêu thương.
Trước khi biết đến anh Vỹ, vợ chồng chị Hoa cũng đã và đang làm từ thiện, nhưng chưa có sự dẫn dắt cụ thể để cho đúng nơi, trao đúng chỗ cần. Trải qua cửa tử khi gặp sản giật lúc sinh con, chị Hoa cho biết, bản thân càng trân quý hơn giá trị cuộc sống, muốn được làm việc có ích nhiều hơn nữa.
Theo thời gian, Quỹ Hành trình Kết nối yêu thương Việt Nam ngày càng lớn mạnh, tạo tiền đề ra mắt Tập đoàn Vilco Group. Nơi đây hội tụ hệ sinh thái với sự tham gia của các doanh nghiệp, doanh nhân trong rất nhiều ngành nghề. 90% lợi nhuận của các công ty tham gia trong Tập đoàn sẽ được đưa vào Quỹ từ thiện, giúp đỡ người lao động, trẻ em và những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Tập đoàn Vilco Group ra đời gắn kết các doanh nghiệp, doanh nhân trong nhiều ngành nghề, tạo nên một môi trường kết nối cùng nhau phát triển và làm thiện nguyện |
Bình luận