Giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình
Nguyễn Thọ Quang Anh
Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Lưu Ngọc Lương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trần Đình Thao, Nguyễn Hữu Nhuần
Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Tác giả liên hệ: thaoktl@vnua.edu.vn
Tóm tắt
Bài viết phân tích thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Kết quả nghiên cứu chỉ ra những hạn chế về cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ và khả năng quản lý du lịch, từ đó đề xuất các giải pháp như phát triển hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và tăng cường quảng bá. Kết quả nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng chính sách phát triển du lịch nông nghiệp bền vững tại khu vực này.
Từ khóa: du lịch nông nghiệp, chất lượng dịch vụ, huyện Cao Phong
Summary
The article analyzes the current agricultural tourism development situation in Cao Phong District, Hoa Binh Province. The research results point out the limitations of infrastructure, service quality, and tourism management capacity, thereby proposing solutions such as infrastructure development, diversification of tourism products, and increased promotion. The research results provide a scientific basis for developing sustainable agricultural tourism development policies in this area.
Keywords: agricultural tourism, service quality, Cao Phong District
GIỚI THIỆU
Trong bối cảnh chuyển dịch kinh tế nông thôn theo hướng phát triển bền vững, du lịch nông nghiệp được xem là chiến lược then chốt nhằm gia tăng thu nhập cho nông dân và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống (Tô Xuân Hùng, 2022). Việc tích hợp sản xuất nông nghiệp với dịch vụ du lịch không chỉ đa dạng hóa nguồn thu, mà còn góp phần tạo nên một mô hình kinh tế nông thôn đồng bộ và bền vững.
Là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình cũng đang chú trọng xu hướng này. Năm 2023, Huyện có khoảng 15 mô hình du lịch nông nghiệp đang hoạt động. Mặc dù vậy, chỉ 30% mô hình đạt được mức lợi nhuận ổn định (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, 2023). Nguyên nhân xuất phát từ sự bất đồng bộ trong quản lý và thực hiện các chính sách hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Mặt khác, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn nhiều bất cập. Chỉ có 45% tuyến đường dẫn tới các điểm du lịch được trải nhựa, dẫn đến hạn chế trong việc thu hút và phục vụ khách du lịch một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, vấn đề nguồn nhân lực chuyên môn trong lĩnh vực quản trị du lịch vẫn chưa được đầu tư đúng mức, gây khó khăn trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả kinh doanh của các mô hình du lịch.
Trước tình hình trên, nghiên cứu được xây dựng nhằm phân tích toàn diện thực trạng hoạt động du lịch nông nghiệp tại huyện Cao Phong, từ đó, góp phần làm rõ những bất cập hiện hữu. Những khuyến nghị từ nghiên cứu kỳ vọng sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng nghiên cứu trong việc xây dựng một chiến lược phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Du lịch nông nghiệp được hiểu là hoạt động tích hợp giữa sản xuất nông nghiệp và dịch vụ du lịch, nhằm cung cấp những trải nghiệm thực tiễn cho du khách, đồng thời tạo ra nguồn thu nhập bổ sung cho nông dân (Barbieri, 2013). Theo Phillip và cộng sự (2010), lĩnh vực này có thể được phân chia thành 5 loại hình chính, gồm: (i) Du lịch dựa vào cảnh quan nông nghiệp, (ii) Du lịch trải nghiệm nông nghiệp, (iii) Du lịch học tập, (iv) Du lịch văn hóa nông thôn và (v) Du lịch sinh thái. Những phân loại này không chỉ thể hiện tính đa dạng của du lịch nông nghiệp, mà còn mở ra các hướng nghiên cứu chuyên sâu về ảnh hưởng của từng loại hình đến phát triển kinh tế – xã hội ở các khu vực nông thôn.
Lý thuyết phát triển bền vững đặt trọng tâm vào việc duy trì sự cân bằng giữa 3 yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường. Trong bối cảnh du lịch nông nghiệp, nguyên tắc này được áp dụng nhằm đảm bảo rằng, các hoạt động du lịch không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và duy trì giá trị văn hóa của cộng đồng địa phương. Barbieri (2013) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng giữa lợi nhuận kinh tế và việc bảo tồn môi trường tự nhiên, điều này được xem là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển bền vững trong lĩnh vực này. Ngoài ra, các nghiên cứu của McGehee (2007) cho thấy rằng, các mô hình du lịch nông nghiệp thành công thường có sự hỗ trợ đồng bộ từ các chính sách và sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong ngành, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững (Lâm Văn Siêng, 2021).
Phương pháp nghiên cứu
Bên cạnh sử dụng dữ liệu sơ cấp từ các báo cáo, tạp chí có liên quan, nhóm tác giả tiến hành thu thập dữ liệu thông qua khảo sát trực tiếp 150 hộ gia đình tham gia du lịch nông nghiệp tại huyện Cao Phong và 90 du khách đã trải nghiệm du lịch nông nghiệp trên địa bàn Huyện. Khảo sát được tiến hành trong năm 2024 (Nghiên cứu sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).
KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
Thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình
Dựa trên các số liệu thu thập từ 150 hộ gia đình tham gia du lịch nông nghiệp tại huyện Cao Phong, có thể nhận định rằng, hoạt động du lịch nông nghiệp được triển khai với sự đa dạng và phong phú của các dịch vụ, góp phần tối ưu hóa thu nhập cho hộ dân và tạo nên một hệ sinh thái du lịch bền vững. Cụ thể, theo Bảng 1, dịch vụ lưu trú (bao gồm homestay và farmstay) được cung cấp bởi 39 hộ (65%), ẩm thực bởi 48 hộ (80%), trải nghiệm nông nghiệp bởi 38 hộ (63.33%), chương trình giáo dục bởi 36 hộ (60%) và cung cấp các hoạt động ngoài trời như leo núi, đạp xe, câu cá, cắm trại và trò chơi dân gian bởi 51 hộ (85%). Bên cạnh đó, các dịch vụ phụ trợ như biểu diễn nghệ thuật, cửa hàng/quà tặng, hướng dẫn viên du lịch và dịch vụ vận chuyển được cung cấp bởi 36 hộ (60%), 56 hộ (93.33%), 41 hộ (68.33%) và 54 hộ (90%) tương ứng. Những số liệu này cho thấy mức độ đa dạng và toàn diện của các dịch vụ du lịch nông nghiệp được triển khai tại địa phương, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường và nâng cao trải nghiệm du khách.
Đặc biệt, dịch vụ cửa hàng và quà tặng được cung cấp bởi 93.33% các hộ cho phép du khách mua sắm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm và nông sản địa phương, từ đó tạo thêm nguồn thu nhập và thúc đẩy kinh tế địa phương. Hướng dẫn viên du lịch, với tỷ lệ tham gia 68.33%, đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu, hướng dẫn và truyền tải giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất này cho du khách, góp phần nâng cao chất lượng trải nghiệm du lịch. Dịch vụ vận chuyển, được cung cấp bởi 90% các hộ, đảm bảo tính thuận tiện trong việc di chuyển và khám phá các điểm du lịch, làm tăng cường khả năng cạnh tranh của các sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Bảng 1: Thực trạng dịch vụ hiện có của các hộ tham gia du lịch nông nghiệp tỉnh Hòa Bình
![]() |
Nguồn: Kết quả khảo sát
Khảo sát đánh giá của 90 du khách ở Bảng 2 cho thấy, chất lượng dịch vụ tổng thể được đánh giá ở mức khá cao. Cụ thể, dịch vụ biểu diễn nghệ thuật đạt điểm trung bình 4.04, với 19 người đánh giá rất tốt và 56 người đánh giá tốt, cho thấy các tiết mục văn hóa nghệ thuật được trình bày tại Cao Phong có sức hút đặc biệt. Ngoài ra, dịch vụ cung cấp hoạt động ngoài trời đạt điểm trung bình 3.73, phản ánh sự hài lòng của du khách đối với các hoạt động như leo núi, đạp xe, câu cá và cắm trại. Tuy nhiên, các dịch vụ như trải nghiệm nông nghiệp và chương trình giáo dục có điểm trung bình thấp hơn lần lượt là 3.46 và 3.37, chứng tỏ cần cải thiện để đáp ứng kỳ vọng của du khách.
Bảng 2: Đánh giá của khách du lịch về chất lượng các dịch vụ du lịch nông nghiệp của các hộ trên địa bàn huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình
![]() |
Nguồn: Kết quả khảo sát
Về quy mô sản xuất, kết quả khảo sát ở Bảng 3 cho thấy, 50% số hộ có quy mô vừa (1-3 ha), 35% có quy mô nhỏ (< 1 ha) và chỉ 15% có quy mô lớn (> 3 ha). Điều này phản ánh thực trạng du lịch nông nghiệp tại Cao Phong chủ yếu được triển khai trên quy mô nhỏ lẻ, chưa có sự đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, về yếu tố con người, 65% hộ có chủ hộ tốt nghiệp từ THPT trở lên, tuy nhiên chỉ 40% hộ có chiến lược tiếp thị rõ ràng, cho thấy còn nhiều hạn chế trong việc tiếp cận thị trường và thu hút khách du lịch. Một điểm đáng chú ý khác là, 70% số hộ đã từng tham gia các khóa đào tạo liên quan đến du lịch nông nghiệp, tuy nhiên việc áp dụng kiến thức từ đào tạo vào thực tiễn còn hạn chế do thiếu sự hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể.
Bảng 3: Thực trạng quy mô du lịch nông nghiệp huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình
![]() |
Nguồn: Kết quả khảo sát
Nhìn chung, du lịch nông nghiệp tại huyện Cao Phong có tiềm năng phát triển lớn nhờ vào sự đa dạng và chất lượng của các dịch vụ được cung cấp, nhưng cũng tồn tại nhiều thách thức về quy mô sản xuất, chiến lược tiếp thị và chuyên nghiệp hóa trong vận hành.
Thách thức và cơ hội phát triển du lịch nông nghiệp
Du lịch nông nghiệp tại huyện Cao Phong có tiềm năng phát triển đáng kể, nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức cản trở sự phát triển bền vững của ngành này. Một trong những rào cản lớn nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Hệ thống đường sá nối các khu vực du lịch còn hạn chế, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, gây khó khăn trong việc di chuyển của du khách. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thu hút du khách và làm giảm tính hấp dẫn của các điểm đến.
Ngoài ra, thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp là một vấn đề quan trọng. Phần lớn các hộ tham gia mô hình du lịch này vẫn mang tính tự phát, chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng phục vụ du khách, quản lý kinh doanh hay tiếp thị. Điều này dẫn đến chất lượng dịch vụ chưa đồng đều, khó có thể tạo dựng thương hiệu và lòng tin đối với khách du lịch.
Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận các nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế. Phần lớn các hộ gia đình thiếu vốn để nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển sản phẩm du lịch và mở rộng quy mô kinh doanh. Hiện tại, các chính sách hỗ trợ tài chính từ phía chính quyền địa phương còn chưa đủ mạnh để khuyến khích đầu tư dài hạn trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, bên cạnh các thách thức, du lịch nông nghiệp tại Cao Phong cũng có nhiều cơ hội phát triển. Trước hết, xu hướng du lịch trải nghiệm và du lịch xanh ngày càng phổ biến trong nước và quốc tế, tạo ra cơ hội lớn cho các mô hình du lịch nông nghiệp phát triển. Du khách ngày càng quan tâm đến các hoạt động tham quan, trải nghiệm văn hóa địa phương, tìm hiểu quy trình sản xuất nông nghiệp và tận hưởng không gian thiên nhiên trong lành.
Một cơ hội quan trọng khác là chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của chính quyền địa phương và Nhà nước. Các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ vay vốn ưu đãi và đào tạo kỹ năng du lịch đang được triển khai nhằm nâng cao năng lực cho các hộ kinh doanh trong lĩnh vực này. Nếu được triển khai đúng hướng, các chính sách này sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và gia tăng sức cạnh tranh của du lịch nông nghiệp tại Cao Phong.
Hơn nữa, lợi thế về sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện Cao Phong như cam Cao Phong, chè và các sản phẩm thảo dược có thể trở thành nền tảng quan trọng để phát triển các mô hình du lịch kết hợp trải nghiệm nông nghiệp. Việc khai thác đúng tiềm năng này không chỉ giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm địa phương, mà còn tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách.
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG NGHIỆP HUYỆN CAO PHONG, TỈNH HÒA BÌNH
Để thúc đẩy sự phát triển bền vững của du lịch nông nghiệp tại huyện Cao Phong, cần thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp về cơ sở hạ tầng, quản lý, sản phẩm du lịch và chính sách hỗ trợ.
Thứ nhất, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch nông nghiệp. Chính quyền địa phương cần tập trung đầu tư vào hệ thống giao thông kết nối các điểm du lịch, đặc biệt là các tuyến đường dẫn vào khu vực sản xuất nông nghiệp có tiềm năng thu hút du khách. Việc cải thiện hạ tầng giao thông không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm du lịch, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong vận chuyển nông sản và phát triển kinh tế địa phương. Ngoài ra, cần xây dựng và cải tạo các khu lưu trú đạt tiêu chuẩn, phát triển hệ thống điện, nước sạch, nhà vệ sinh công cộng và các khu dịch vụ hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Thứ hai, nâng cao năng lực quản lý và chất lượng dịch vụ du lịch nông nghiệp. Cần tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về quản lý du lịch, kỹ năng tiếp thị, vận hành mô hình du lịch cộng đồng và nâng cao nhận thức về dịch vụ du lịch cho các hộ gia đình tham gia. Chính quyền địa phương có thể hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức phi chính phủ để triển khai các khóa tập huấn về phát triển du lịch bền vững, quản lý tài nguyên và xây dựng thương hiệu điểm đến.
Thứ ba, đa dạng hóa sản phẩm du lịch nông nghiệp. Du lịch nông nghiệp tại Cao Phong cần phát triển theo hướng kết hợp giữa trải nghiệm sản xuất nông nghiệp và khám phá văn hóa địa phương. Các mô hình du lịch nên tích hợp nhiều hoạt động như: tham quan vườn cây ăn quả, trải nghiệm thu hoạch nông sản, chế biến thực phẩm truyền thống và tham gia các hoạt động văn hóa dân gian. Ngoài ra, có thể phát triển các gói du lịch kết hợp giữa du lịch nông nghiệp và du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để tăng thêm sự hấp dẫn.
Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ và đổi mới phương thức tiếp thị. Việc áp dụng công nghệ số vào du lịch nông nghiệp sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý và tiếp cận thị trường. Huyện Cao Phong cần xây dựng các nền tảng trực tuyến để quảng bá điểm đến, cung cấp thông tin chi tiết về các sản phẩm du lịch và hỗ trợ đặt tour trực tuyến. Việc tận dụng mạng xã hội, website và các ứng dụng du lịch thông minh sẽ giúp mở rộng thị trường khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
Thứ năm, thúc đẩy chính sách hỗ trợ tài chính và cơ chế khuyến khích đầu tư. Chính quyền cần có các chính sách hỗ trợ tài chính thông qua các gói vay ưu đãi, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp và miễn giảm thuế cho các hộ kinh doanh trong giai đoạn đầu phát triển. Bên cạnh đó, cần khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào du lịch nông nghiệp thông qua các cơ chế hợp tác công - tư (PPP) nhằm phát huy tối đa tiềm năng của ngành này.
Thứ sáu, xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp đặc trưng cho huyện Cao Phong. Cần có chiến lược dài hạn để định vị thương hiệu du lịch nông nghiệp Cao Phong trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Việc tổ chức các sự kiện thường niên như: lễ hội cam Cao Phong, hội chợ nông sản và các chương trình xúc tiến thương mại du lịch sẽ giúp quảng bá mạnh mẽ hình ảnh của địa phương./.
Tài liệu tham khảo
1. Barbieri, C. (2013), Sustainable tourism and agritourism: Exploring the relationship, Journal of Sustainable Tourism, 21(3), 201-220.
2. Học viện Nông nghiệp Việt Nam (2024), Phát triển Du lịch Nông nghiệp: Cơ hội và thách thức, truy cập từ https://vnua.edu.vn/tin-tuc-su-kien/tin-hoat-dong-khac/phat-trien-du-lich-nong-nghiep-co-hoi-va-thach-thuc-56239.
3. Lâm Văn Siêng (2021), Những yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của hộ nông dân trồng lúa tại huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính - Marketing, 64(4), 66-78.
4. Nguyen, T., Tran, D. (2022), Impacts of agritourism on rural income: Evidence from Vietnam, Vietnam Journal of Economic Development, 34(2), 45-60.
5. Ngọc Thủy (2024), Du lịch nông nghiệp, nông thôn góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, truy cập từ https://nongthon.vietnamtourism.gov.vn/du-lich-nong-nghiep-nong-thon-gop-phan-bao-ton-phat-huy-van-hoa-truyen-thong/
6. Phillip, S., Hunter, C., Blackstock, K. (2010), A typology for defining agritourism, Tourism Management, 31(6), 754-758.
7. Phạm Kim Anh (2024), Phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững trong bối cảnh chuyển đổi số, Tạp chí Tài chính, 2(3).
8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình (2023), Các cơ sở lưu trú du lịch huyện Cao Phong, truy cập từ https://www.hoabinh.gov.vn/tin-chi-tiet/-/bai-viet/cac-co-so-luu-tru-du-lich-huyen-cao-phong-47461-1123.html
9. Tew, C., Barbieri, C. (2012), The perceived benefits of agritourism: The provider’s perspective, Tourism Management, 33(1), 215-224.
10. Tô Xuân Hùng (2022), Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn bền vững: Nhìn từ thực tiễn mô hình kinh doanh theo tiêu chí NTM ở Hà Nội, truy cập từ https://kinhtevadubao.vn/chuyen-dich-co-cau-kinh-te-nong-thon-ben-vung-nhin-tu-thuc-tien-mo-hinh-kinh-doanh-theo-tieu-chi-ntm-o-ha-noi-24927.html
11. UBND tỉnh Hòa Bình (2023), Báo cáo về tình hình phát triển du lịch nông nghiệp tại tỉnh Hòa Bình.
Ngày nhận bài: 29/12/2024; Ngày phản biện: 05/02/2025; Ngày duyệt đăng: 27/02/2025 |
Bình luận