TS. Ngô Thị Bảo Hương

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Email: huongntb@haui.edu.vn

Tóm tắt

Giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang mở ra một hướng đi mới trong công tác giáo dục, trang bị cho học sinh, sinh viên kiến thức về đổi mới sáng tạo, tạo nền móng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và thay đổi tư duy. Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung nghiên cứu thực trạng giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục ở Việt Nam, trên cơ sở đó đưa ra một số khuyến nghị đến năm 2030.

Từ khóa: khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giáo dục khởi nghiệp, tinh thần khởi nghiệp

Summary

Education on entrepreneurship and innovation is a new direction in education, equipping students with knowledge about innovation, creating a foundation, and promoting the spirit of entrepreneurship and changing thinking. Within the scope of the article, the author focuses on researching the current status of innovation and entrepreneurship education in educational institutions in Vietnam, and on that basis makes some recommendations until 2030.

Keywords: entrepreneurship, innovation, entrepreneurship education, entrepreneurial spirit

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hoạt động đào tạo đổi mới sáng tạo trong nhà trường giúp nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu ứng dụng thực tiễn khoa học đổi mới sáng tạo vào sản xuất, kinh doanh, đồng thời tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp trong ngành giáo dục được triển khai tốt sẽ tạo ra thế hệ học sinh, sinh viên có tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Mặt khác, giúp người dạy luôn có ý thức trong việc nâng cao năng lực phục vụ hoạt đông đào tạo, trong khi người học phát huy sự sáng tạo, đổi mới và thực hành ứng dụng thực tiễn ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thúc đẩy phát triển năng lực và tố chất của học sinh, sinh viên. Đưa giáo dục khởi nghiệp vào giảng dạy trong nhà trường cũng sẽ giúp người học được trang bị kiến thức về đổi mới sáng tạo, thay đổi phương pháp học tập, giúp tư duy nhạy bén để giải quyết các vấn đề, cũng như ứng dụng các kỹ năng về đổi mới sáng tạo trong quá trình học tập, rèn luyện. Ngoài ra, còn thúc đẩy tinh thần đổi mới, khát vọng và động lực nghiên cứu, học tập, cũng như xây dựng tinh thần yêu nước, có ý thức vào việc đóng góp công sức vào việc phát triển đất nước, phục vụ xã hội.

Nhìn chung, giáo dục đổi mới sáng tạo đang trở thành yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của các cơ sở đào tạo trong nước và trên thế giới. Đây cũng được coi là tiêu chí để đánh giá sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Vì vậy, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả giáo dục đổi mới sáng tạo là việc hết sức cần thiết và cấp bách.

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO Ở VIỆT NAM

Trong 10 năm qua, tổng số vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam tuy có nhiều biến động, song vẫn chứng kiến xu hướng tăng dần. Trong đó, năm 2021 chứng kiến nguồn vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp lớn nhất (hơn 1,4 tỷ USD) và nhiều thương vụ nhất (165 thương vụ). Bước sang năm 2022, vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam giảm mạnh 56% so với năm 2021, tuy nhiên vẫn tăng 41% so với năm 2020. Tổng số thương vụ giảm 19% so với năm 2021, tuy nhiên tăng 28% so với số liệu năm 2020. Mức độ bất ổn tài chính và biến động thị trường gia tăng đã ảnh hưởng nhiều đến tâm lý nhà đầu tư đối với các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Năm 2023, tổng vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam đạt 529 triệu USD, giảm 17% so với năm 2022. Số lượng thương vụ cũng giảm nhẹ 9% xuống còn 122 thương vụ (Hình).

Hình: Báo cáo tổng số vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp giai đoạn 2013-2023

Giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam: Thực trạng và định hướng giải pháp đến năm 2030

Nguồn: Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia

Theo số liệu của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bảng), năm 2023, lĩnh vực Y tế nhận được số vốn đầu tư cao kỷ lục, tăng vọt 391% so với cùng kỳ năm 2022, trở thành lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất. Giáo dục cũng nhận số vốn cao kỷ lục, tăng 107% so với cùng kỳ.

Bảng: Tổng số vốn đầu tư khởi nghiệp theo ngành qua các năm

Đơn vị: Triệu USD

Giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam: Thực trạng và định hướng giải pháp đến năm 2030

Nguồn: Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia

GIÁO DỤC KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TẠI VIỆT NAM

Tại Việt Nam, những chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã từng bước được hình thành, trong đó, nổi bật là Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18/5/2016; Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1665/QĐ-TTg, ngày 30/10/2017… Những đề án này đã giúp hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các trường sôi động hơn và đạt nhiều thành tựu.

Trong đó, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên diễn ra hằng năm từ năm 2018 đến nay đã thực sự trở thành sân chơi trí tuệ, nơi hình thành các ý tưởng, nghiên cứu khoa học giá trị nhằm thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp của giới trẻ. Đây cũng là môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, sau 6 năm thực hiện Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, đã có 100% các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp có kế hoạch triển khai hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Có 90% học sinh, sinh viên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp; thu hút được gần hơn 3.000 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trên 4.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Có 110 không gian làm việc chung dành cho khởi nghiệp trong các trường đại học; hơn 120 trường đại học đã đưa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn; có 10 cơ sở đào tạo đã bố trí được các Quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp (Phạm Tiếp, 2024).

Việc kết nối các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp trong toàn hệ sinh thái đã có chuyển biến cơ bản; đã xây dựng được mạng lưới kết nối trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp các trường đại học, cao đẳng. Nhiều trường đại học, như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân… đã thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp. Các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp có vai trò là một trung tâm kết nối, hỗ trợ toàn diện cho sinh viên và giảng viên trong trường phát triển tài năng, ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thương mại hóa tài sản tri thức, đưa nghiên cứu ứng dụng tiếp cận với thực tế, thị trường, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong đội ngũ giảng viên, cũng như học sinh, sinh viên. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ kết nối với các doanh nghiệp đối tác ngoài trường nhằm tạo thêm cơ hội học tập rèn luyện thực tiễn, cũng như cơ hội việc làm cho sinh viên, nâng cao chất lượng đầu ra; giúp cho các giảng viên và các sinh viên có năng lực sáng tạo tiếp cận được nguồn lực đào tạo, cũng như các nguồn vốn trong nước và quốc tế. Qua đó sẽ ươm tạo, nuôi dưỡng được nhiều ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thành công, nâng cao năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đối với học sinh, sinh viên triển khai còn chậm; hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục chưa đi vào chiều sâu. Hệ thống cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm chưa đầy đủ; đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp còn ít; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các bên liên quan chưa tốt, nhất là sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường thiếu thông tin và cơ chế. Nhận thức của sinh viên, giảng viên và nhà trường chưa cao.

Hơn nữa, giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn là một lĩnh vực mới, nên hiện nay ở Việt Nam chưa có chuyên ngành riêng đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dường như chỉ gói gọn trong một vài học phần quản trị kinh doanh và nằm ở chuyên ngành kinh tế, quản trị là chủ yếu, còn các chuyên ngành khác hầu như không thấy. Đội ngũ giảng viên về giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn mỏng và yếu, chưa được đào tạo bài bản, hệ thống.

Ngoài ra, các cơ chế tài trợ, cơ chế ươm mầm chưa có hiệu quả trong giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thiếu kinh phí để hỗ trợ thực hành giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng đang là vấn đề đặt ra hiện nay.

ĐỊNH HƯỚNG GIẢI PHÁP

Để thúc đẩy hoạt động giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đến năm 2030, tác giả đưa ra một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chính sách hiện hành; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để học sinh, sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo bao gồm: cơ chế, chính sách, công tác quản lý, phát triển đội ngũ chuyên trách, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo gắn với hoạt động khoa học công nghệ, đào tạo, kết nối các nguồn lực trong và ngoài trường..., tạo ra môi trường thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khoa học công nghệ trong giảng viên, sinh viên. Những chính sách và hướng đi phù hợp sẽ giúp giải phóng sức sáng tạo to lớn của đội ngũ cán bộ, giảng viên, phát huy nguồn trí tuệ và tâm huyết của đội ngũ nhà khoa học để tạo thành sức mạnh và năng lượng cho phát triển, đặc biệt là trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Mặt khác, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chiến lược về giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quốc gia phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng cường nguồn lực đầu tư cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; kiến tạo môi trường thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong trường đại học; các trường đại học cần phải thể hiện vai trò tiên phong thực hiện sứ mệnh đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”.

Thứ hai, đối với các cơ sở giáo dục, cần chủ động bố trí nguồn lực sớm xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp; hỗ trợ cán bộ, giảng viên đăng ký sở hữu bằng độc quyền sáng chế. Cùng với đó là thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ của cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; phát triển mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, mạng lưới chuyên gia, cố vấn, tư vấn hỗ trợ các khóa huấn luyện, đào tạo, các tổ chức thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, quỹ hỗ trợ vốn đầu tư mạo hiểm; kết nối với mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Nâng cao tinh thần đổi mới sáng tạo trong ngành giáo dục, trong đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên, học sinh, sinh viên; tập trung đề xuất, hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó là tập trung đề xuất xây dựng sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, thanh niên với các doanh nghiệp.

Thứ ba, tăng cường liên kết giữa các trường đại học, trường cao đẳng với trung tâm nghiên cứu có đầy đủ trang thiết bị hiện đại giúp học sinh, sinh viên có thể nghiên cứu, tạo nên những sản phẩm mẫu; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên.

Hơn nữa, cần kết nối các Trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với Trung tâm khởi nghiệp tại địa phương, hình thành mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia; kết nối địa phương với trường đại học trong việc đặt hàng, giao nhiệm vụ phát triển dự án khởi nghiệp trên tinh thần giải quyết những vấn đề thực tiễn của địa phương; kết nối giáo dục khởi nghiệp từ phổ thông lên bậc học cao hơn thành những nội dung, chương trình xuyên suốt.

Ngoài ra, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan đơn vị sử dụng sản phẩm được hình thành từ dự án khởi nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ cơ sở giáo dục triển khai thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Khoa học và Công nghệ (2024), Bản tin Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo số 18.2024.

2. Phạm Tiếp (2024), Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là động lực và nguồn lực quan trọng trong phát triển, truy cập từ https://dangcongsan.vn/lanh-dao-dang-nha-nuoc/khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-la-dong-luc-va-nguon-luc-quan-trong-trong-phat-trien-664873.html.

3. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (2024), Báo cáo hoạt động khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2023.

Ngày nhận bài: 10/5/2024; Ngày phản biện: 10/6/2024; Ngày duyệt đăng: 28/6/2024