Giới thiệu Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 12 (572)
Vấn đề giảm nghèo không chỉ đơn thuần là tăng thu nhập, muốn giảm nghèo bền vững phải tập trung xử lý tận gốc những nguyên nhân gây tái nghèo, đó chính là cải thiện các nguồn lực đầu vào cho người nghèo, như: trình độ giáo dục, điều kiện y tế, chăm sóc sức khỏe. Qua bài viết “Giảm nghèo bền vững: Hỗ trợ từ chính sách giáo dục - đào tạo và y tế”, tác giả Hoàng Triều Hoa sẽ phân tích những bất cập cần phải khắc phục trong chính sách hỗ trợ người nghèo và đưa ra một số giải pháp.
TPP là cơ hội lớn đối với Việt Nam nếu các ngành và các doanh nghiệp đã chuẩn bị một hành trang vững chắc. Là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, ngành sữa cần chuẩn bị những gì để bước chân vào TPP? Vấn đề này sẽ được tác giả Ngạc Thị Phương Mai đề cập cụ thể qua bài viết “Ngành sữa Việt Nam: Thách thức và giải pháp”.
Trong xu thế hội nhập ngày càng mạnh mẽ, việc thành lập các hiệp định thương mại tự do (FTA) trở thành một trào lưu trên thế giới, Việt Nam không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, không phải FTA nào cũng tác động tích cực lên nền kinh tế. Bài viết “Thách thức trong quá trình thực hiện các cam kết” của tác giả Võ Tá Tri sẽ đi sâu phân tích để thấy đâu là cơ hội và thách thức đối với Việt Nam. Và điều quan trọng, chúng ta phải làm gì để tận dụng cơ hội.
Mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc tới kinh tế của Việt Nam như thế nào? Qua bài “Tổng cầu cuối cùng, sản xuất và thu nhập của Việt Nam: Một vài so sánh với Trung Quốc”, nhóm tác giả Nguyễn Phương Thảo, Ngô Văn Phong và Bùi Trinh sẽ tính toán một số chỉ tiêu liên quan đến mối quan hệ giữa tổng cầu cuối cùng với sản xuất, thu nhập và nhập khẩu, qua đó cho thấy một số vấn đề vĩ mô hiện nay của nước ta. Đồng thời, so sánh với Trung Quốc về cấu trúc kinh tế, nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc tới kinh tế của Việt Nam.
Theo đánh giá và xếp hạng của các tổ chức quốc tế, thì năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đang ở mức thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và chỉ ở mức trung bình thấp so với các nước ASEAN. Làm gì để cải thiện tình hình này, tác giả Trần Thị Thu Hương đã đưa ra một số gợi ý chính sách qua bài “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam”.
Hiến pháp sửa đổi năm 2013 của Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định “thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Tuy nhiên, phát huy tối đa vai trò cũng như hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước là một bài toán khó giải. Vấn đề này sẽ được tác giả Lương Thanh Bình bàn luận sâu trong bài “Vai trò của doanh nghiệp nhà nước và những vấn đề cần thay đổi”.
Là đối tượng dễ bị tổn thương khi có biến động kinh tế vĩ mô, nên ngân hàng khá e ngại khi cho DNNVV vay vốn. Vì thế, mặc dù thuộc 5 nhóm ưu tiên vay vốn với lãi suất ưu đãi, nhưng DNNVV vẫn chật vật trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng. “Gỡ” vấn đề này như thế nào sẽ được tác giả Nguyễn Thị Thu phân tích chi tiết qua bài “Nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Năm 2013, mặc dù tình hình kinh tế cả nước khó khăn, nhưng Bình Định đã nỗ lực đạt kết quả khả quan trong thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội. Đây là động lực giúp Bình Định vững bước trong năm 2014 và những năm tiếp theo. Tạp chí Kinh tế và Dự báo số này dành nhiều bài viết phản ánh tình hình kinh tế - xã hội của Bình Định, những thành quả đạt được cũng như giới thiệu tiềm năng của Tỉnh để bạn đọc có thêm thông tin về thực tiễn phát triển của mảnh đất giàu truyền thống này.
Cùng với Bình Định, Tạp chí còn nhiều bài viết phản ánh các mặt kinh tế - xã hội của các địa phương khác, như: Đà Nẵng, Đồng Tháp, Quảng Bình... Bên cạnh đó là những bài viết khác trong các lĩnh vực: tài chính, bất động sản, phát triển nguồn nhân lực.../.
Bình luận