ThS. Phạm Thị Hoàn

Khoa Kế toán- Tài chính - Đại học Hải Phòng

Tóm tắt

Ngành dịch vụ được coi là một trong những ngành đóng góp một lượng của cải đáng kể vào tổng thu nhập của quốc gia, nhưng cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều do các yếu tố về dịch bệnh, suy thoái kinh tế và biến động giá, cơ sở hạ tầng. Trong quá trình phát triển khôi phục kinh tế, ngành dịch vụ đã có những bước tiến khởi sắc, doanh thu hoạt động dịch vụ đã đạt được mục tiêu đề ra theo nghị quyết Chính phủ. Việc phân tích thực trạng hoạt động dịch vụ Việt Nam cũng như chỉ ra xu hướng bán lẻ trong thời gian tới, sẽ giúp các nhà quản lý cũng như các doanh nghiệp dịch vụ nội địa có những điều chỉnh kịp thời và phù hợp hơn nữa nhằm giành lại thị phần trên sân nhà.

Từ khóa: hoạt động dịch vụ, bán lẻ, dịch vụ nội địa, doanh nghiệp, ngành dịch vụ

Summary

The service industry is considered one of the industries that contributes a significant amount of wealth to the country's total income, but is also greatly affected by factors such as epidemics, economic recession, price fluctuations, and infrastructure. In the process of economic recovery, the service industry has made positive progress, and service revenue has achieved the target set by the government's resolution. Analyzing the current state of Vietnam's service activities as well as pointing out retail trends in the coming time will help managers as well as domestic service enterprises make more timely and appropriate adjustments to regain market share at home.

Keyword: service activities, retail, domestic services, business, service industry

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, khu vực dịch vụ đang phát triển với tốc độ nhanh và đang đóng góp một phần lớn về sản lượng, thu nhập và việc làm. Bên cạnh đó, năng suất trên mỗi lao động trong hoạt động dịch vụ đang có xu hướng phát triển cao hơn một số ngành khác trong nền kinh tế. Lĩnh vực của hoạt động dịch vụ rất đa dạng, gồm có: hoạt động bán lẻ, hoạt động vẩn chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách, dịch vụ viễn thông... Tầm quan trọng của dịch vụ có thể được đánh giá bằng những đóng góp của nó đối với các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế; hay so sánh năng suất trên mỗi lao động trong khu vực dịch vụ đang trở nên cao hơn so với các khu công nghiệp, nông nghiệp. Vì vậy, ngành dịch vụ đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Thực tế đã chứng minh, phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo Khoản 9, Điều 3 Luật Thương mại năm 2005, hoạt động dịch vụ là một bên thực hiện công việc cho bên khác và nhận thanh toán, còn một bên sử dụng kết quả công việc và thanh toán cho bên kia theo thỏa thuận.

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ TẠI VIỆT NAM

Kết quả đạt được

Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Theo báo cáo tình hình kinh - tế xã hội giai đoạn 2022-2024, ước tính doanh thu từ hoạt động dịch vụ trong năm 2024 lên tới 6.391 nghìn tỷ, tăng 9% so với năm 2023 – được đánh giá là năm đạt mức doanh thu cao. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2024 đạt 4.921,7 nghìn tỷ đồng tương ứng mức tăng 8,3%, đóng góp nhiều nhất trong doanh thu của thị trường bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng. Doanh số bán lẻ có sự tăng trưởng theo đúng mục tiêu và kỳ vọng, trở thành tín hiệu đáng tin vào triển vọng tăng trưởng tốt của thị trường bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng trong nước. Điều này cũng cho thấy, có sự khôi phục của hoạt động của thị trường bán lẻ và tiêu dùng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có mức phục hồi tăng trưởng đáng ghi nhận. Trong năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 6.231,7 nghìn tỷ đồng và tăng 9,6 năm 2022. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 4.858,6 nghìn tỷ đồng tăng 8,6% so với năm 2022; dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 673,5 nghìn tỷ đồng tăng 14,7% so với năm 2022; dịch vụ lữ hành tăng cao nhất trong 3 năm 2021-2023 đạt 37,8 nghìn tỷ đồng tăng 52,5% so với năm trước (Hình 1).

Hình 1: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2022- 2024

Hoạt động dịch vụ ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị
Nguồn: Cục Thống kê (2022-2024)

Vận tải hành khách và hàng hóa

Vận tải hành khách tăng nhanh. Năm 2024, hoạt động vận tải tăng trưởng cao trong những tháng cuối năm đáp ứng được các nhu cầu đi lại trong nước cũng như quốc tế, phục vụ sản xuất, tiêu dùng và xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng khách vẫn đà tăng trưởng tăng 8,3% so với năm trước (Hình 2). Năm 2023 vận tải hành khách đạt 4.679,3 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 12,3% so với năm trước và luân chuyển đạt 246,8 tỷ lượt khách.km, tăng 24,2% do lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trở lại. Năm 2022, vận tải hành khách ước đạt 3.664,1 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 52,8% so với năm trước.

Hình 2 : Vận tải hành khách theo lĩnh vực vận tải giai đoạn 2022-2024

Hoạt động dịch vụ ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị
Nguồn: Cục Thống kê (2022-2024)

Vận tải hàng hóa duy trì đà tăng trưởng cao qua các năm. Năm 2022, vận tải hàng hóa đạt 2.009,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 23,7% so với năm trước (năm 2021 giảm 8,4%) và luân chuyển 441,3 tỷ tấn.km, tăng 29,4% (năm 2021 tăng 0,5%). Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 1.966,5 triệu tấn vận chuyển, tăng 23,4% và 270,7 tỷ tấn.km luân chuyển, tăng 46,5%; vận tải ngoài nước ước đạt 43,1 triệu tấn vận chuyển, tăng 40,6% và 170,6 tỷ tấn.km luân chuyển, tăng 9,2%.

Năm 2024, theo đà tăng trưởng các năm, đây là năm có mức tăng cao nhất giai đoạn này, với 2.670,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển tăng 14,01% so với năm 2023 do nhu cầu vận chuyển hàng hóa sản xuất, tiêu dùng và xuất nhập khẩu tăng cao.

Dịch vụ viễn thông có bước tăng trưởng vượt bậc. Nếu năm 2023, d­­oanh thu hoạt động viễn thông đạt 338,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm 2022 (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 0,2%), thì năm 2024 chính là năm đánh dấu mốc quan trọng trong phát triển viễn thông Việt Nam. Năm 2024 là năm các công nghệ cũ « 2G- cắt sóng » để nhường chỗ chô các công nghệ mới 4G, 5G. Công nghệ %G không không chỉ là bước nhảy vọt trong ngành viễn thông mà còn là động lực chiến lược thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện tại Việt Nam. Doanh thu hoạt động viễn thông đạt 355,4 nghìn tỷ đồng, tăng gần 4,01% so với năm 2023 (Hình 3). Tổng số thuê bao có giảm 4,6% so với năm trước do có sự quản lý quyết liệt đến các SIM rác và đăng ký không chính chủ.

Hình 3 : So sánh mức độ thuê bao hoạt động viễn thông giai đoạn 2022-2024

Hoạt động dịch vụ ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị
Nguồn: Cục Thống kê (2022-2024)

Khó khăn hạn chế trong hoạt động dịch vụ và nguyên nhân của nó

Hoạt động dịch vụ được coi như là mũi nhọn phát triển của nền kinh tế, nhưng cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều yếu tố từ bên ngoài, như: dịch bệnh và các yếu tố đầu vào sản xuất như giá nguyên, nhiên liệu. Qua quá trình xem xét thực trạng của hoạt động dịch vụ trong 3 năm 2022-2024 cho thấy, ngành dịch vụ chịu tác động mạnh mẽ từ yếu tố dịch bệnh dẫn đến sự sụt giảm về doanh thu của hoạt động dịch vụ, nhưng cũng đồng thời là ngành có mức độ phục hồi nhanh khi mọi phương diện của hoạt động dịch vụ đều khởi sắc. Tuy nhiên, ngành dịch vụ luôn phải đối mặt với nhưng khó khăn, như:

- Các ngành dịch vụ về vận tải phải chịu áp lực về sự tăng giá nguyên nhiên liệu. Giá xăng, dầu vẫn tăng ở mức cao, trong khi nguồn cung trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, số lượng doanh nghiệp vận tải quay lại hoạt động chưa nhiều. Trong đó, vận tải đường sắt còn yếu kém về hạ tầng; vận tải đường biển lại yếu kém về phương tiện; vận tải đường bộ, đường không, đường thủy nội địa vừa mới tạm qua khó khăn về đại dịch, lại gặp “bão” giá xăng dầu… Thêm vào đó, năng lực vận tải đường biển nhiều năm ở trạng thái yếu kém, lép vế, “nhường” phần lớn thị phần vận tải, nhất là hàng hóa xuất, nhập khẩu cho nước ngoài... Tất cả những điều này đang là những khó khăn, thách thức cả về trước mắt và lâu dài đối với lĩnh vực dịch vụ vận tải.

- Các ngành dịch vụ tri thức cao, giá trị cao còn phát triển chậm. Nguyên nhân chính là do thiếu nhân lực, cũng như cơ chế đãi ngộ, khuyến khích và nhiều yếu tố để thúc đẩy phát triển toàn diện chưa được hình thành, hoặc nếu có cũng nhiều lạc hậu chưa theo kịp yêu cầu của sự phát triển.

- Các dịch vụ đang thiếu sự gắn kết và kết nối với các ngành kinh tế của nền kinh tế, hoặc nếu có thì tính đa dạng cũng chưa nhiều và thiếu sự liên kết.

- Sau giai đoạn giãn cách khá dài về dịch bệnh, thì đội ngũ nhân lực ngành du lịch còn nhiều mặt chưa đáp ứng nhiệm vụ phát triển du lịch khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức. Số lượng nhân lực còn ít, cơ cấu chưa đồng bộ và năng lực thực tiễn chưa tương xứng với bằng cấp. Nhân lực có trình độ, tay nghề cao chưa nhiều và ngày càng thiếu những cán bộ đầu đàn làm nòng cốt đào tạo nhân lực trẻ. Kiến thức hội nhập, ngoại ngữ, tin học; năng lực sáng tạo, lãnh đạo, quản lý, quản trị và kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế chưa tương ứng với yêu cầu phát triển của Ngành.

Một bộ phận nhỏ chưa tích cực tự học, còn ngại học, kết quả làm việc không cao. Nhiều lĩnh vực chuyên môn sâu còn thiếu nhiều nhân lực. Nguồn nhân lực ngành Du lịch hiện đang cần bổ sung ở một số vị trí như cán bộ quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, chuyên gia hoạch định chính sách, nghiên cứu chiến lược phát triển Ngành; đặc biệt thiếu chuyên gia đầu ngành giỏi kỹ thuật,

+ Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chính phủ điện tử còn tương đối chậm. So với nhiều quốc gia trong cùng lĩnh vực, thì còn theo sau rất lâu. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm nhân sự có trình độ chuyên sâu liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin khiến các doanh nghiệp công nghệ gặp rất nhiều khó khăn không chỉ về nguồn vốn, vì vậy 53,6% các doanh nghiệp công nghệ cho rằng Chính phủ nên khuyến khích hệ sinh thái khởi nghiệp (start-up) công nghệ số đổi mới, tạo cơ hội cho các hướng đi mới, linh hoạt thích ứng với thị trường.

KHUYẾN NGHỊ

Từ phân tích thực trạng hoạt động dịch vụ ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của ngành dịch vụ đáp ứng yêu cầu kết nối, thông suốt của nền kinh tế trước bối cảnh cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt, đòi hỏi cần tập trung thực hiện tốt các biện pháp quản trị như sau:

Một là, tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ cao và dịch vụ kinh tế đối ngoại, như: hàng không, cảng biển quốc tế, xuất khẩu lao động, xúc tiến thương mại quốc tế, viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng bảo hiểm, chứng khoán, thương mại điện tử, cùng các dịch vụ khoa học công nghệ, văn hóa, thông tiin, dịch vụ giáo dục- đào tạo.

Hai là, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại đa dạng sản phẩm và tính chuyên nghiệp cao. Tạo mọi thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, các di sản văn hóa, thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lăm thắng cảnh và gìn giữ vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển ngành du lịch theo hướng bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ, bền vững; tạo lập hệ sinh thái du lịch thông minh. Trong thời gian tới, cần tập trung phát triển nhanh một số trung tâm dịch vụ, du lịch tầm cỡ khu vực và thế giới gắn phát triển du lịch với hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước, đi đôi với bảo tồn và phát huy vai trò của các giá trị di sản, văn hoá truyền thống. Chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Ba là, phát triển đồng bộ hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ, chú trọng phát triển thương mại điện tử và xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Tăng cường kết nôi giữa doanh nghiệp sản xuất và các cơ quan quản lý thị trường trong và ngoài nước

Bốn là, chủ động phát triển các dịch vụ tài chính quốc tế phù hợp với cam kết mở cửa thị trường và đi kèm với các cơ chế minh bạch hóa dịch vụ quản lý danh mục đầu tư, cung cấp và lưu chuyển thông tin tài chính, các dịch vụ chứng khoán phụ trợ, tăng cường minh bạch hóa và bảo hộ đầu tư, giải quyết tranh chấp minh bạch, rõ ràng và có hiệu quả.

Năm là, cần có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đa dạng và tính chuyên nghiệp cao. Tạo mọi thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, đi lại và đảm bảo an toàn, anh ninh. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam. Khai thác hiệu quả bền vững các di sản văn hóa, thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và gìn giữ môi trường

Sáu là, phát triển đồng bộ hệt thống phân phối bán buôn, bán lẻ. Chú trọng phát triển thương mại điện tử và xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt nam, tăng cường kết nôi giữa doanh nghiệp sản xuất phân phối, các hiệp hội và cơ quan quản lý để phát triển mạnh thị trường trong nước và nước ngoài.

Bảy là, sử dụng đa dạng các hình thức thanh toán. Đây là xu hướng với các doanh nghiệp dịch vụ do thành tựu công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực ngân hàng, hạ tầng viễn thông, thị trường dịch vụ và bán lẻ. Tăng cường hạn chế giao dịch trực tiếp tiền mặt.

Tài liệu tham khảo

1. Cục Thống kê (2022-2024), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội các năm, từ năm 2022 đến năm 2024.

2. Cục Thông kê (2023), Bức tranh tăng trưởng 2023 và tiềm lực phát triển kinh tế năm 2024, truy cập từ https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2024/01/buc-tranh-tang-truong-nam-2023-va-trien-vong-phat-trien-kinh-te-nam-2024.

3. Hoàng Thị Thu Hiền (2024), Phát triển thị trường bán lẻ trong nước: Thực trạng và một số giải pháp trong thời gian tới, truy cập từ https://kinhtevadubao.vn/phat-trien-thi-truong-ban-le-trong-nuoc-thuc-trang-va-mot-so-giai-phap-trong-thoi-gian-toi-28050.html.

4. Ngô Thắng Lợi, Bùi Đức Quân, Mai Quang Hưng (2024), Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023 và định hướng năm 2024, truy cập từ https://kinhtevadubao.vn/tang-truong-kinh-te-viet-nam-2023-va-dinh-huong-nam-2024-28094.html.

5. Quốc hội (2005), Luật Thương mại số 36/2005/QH11, ngày 27/6/2005.

6. Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (2021), Dự thảo “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”.

7. World Bank – WB (2023), Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng, truy cập từ https://documents1.worldbank.org/curated/en/099553403132341869/pdf/IDU0d25341fc0ea96049df0b77001fc3c50779ff.pdf.

Ngày nhận bài: 20/01/2025; Ngày phản biện: 25/02/2025; Ngày duyệt đăng: 28/02/2025