Hướng đi mới cho phát triển ngành năng lượng điện gió tại Việt Nam
Toàn cảnh Hội nghị Năng lượng gió Việt Nam-Vietnam Wind Power 2021

Phát triển năng lượng bền vững- Mối quan tâm hàng đầu của toàn cầu

Ngày 1/12/2021 tại Hà Nội, Hội nghị Năng lượng gió Việt Nam-Vietnam Wind Power 2021 chính thức họp phiên đầu tiên. Sự kiện diễn ra trong 02 ngày (ngày 1 và 2/12/ 2021) do Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu (GWEC) và Informa Markets Việt Nam đồng tổ chức.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ của Diễn đàn Công nghệ & Năng lượng Việt Nam do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (SATI), Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức; là sự kiện thường niên của ngành công nghiệp điện gió. Đây là lần đầu tiên Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trên nền tảng Digital Connect.

Hội nghị được tài trợ bởi Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội, Cơ quan Thương mại của Đại sứ quán – Innovation Norway, cùng với Đại sứ quán Anh, Đại sứ quán Đan Mạch, Đại sứ quán Đức và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ).

Các đại biểu tham sự Hội nghị được cung cấp các thông tin mới nhất về bức tranh năng lượng toàn cầu và xu hướng phát triển của ngành năng lượng điện gió tại Việt Nam. Đồng thời cũng là cơ hội để các chuyên gia quốc tế chia sẻ về vai trò của nguồn năng lượng tái tạo này đối với các nền kinh tế, các mục tiêu về phát triển bền vững và trên bản đồ về an toàn năng lượng trong thời gian tới.

Tham gia Hội nghị có các cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của Việt Nam, các lãnh đạo ngành điện gió, các nhà đầu tư và các bên liên quan quan trọng khác ở trong nước và quốc tế, trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ Na Uy.

Bên cạnh các chương trình hội thảo chuyên ngành, các hoạt động gặp gỡ và kết nối giữa các doanh nghiệp và chuyên gia hàng đầu trên thế giới về năng lượng tái tạo và các doanh nghiệp tham gia mở rộng mạng lưới đối tác tiềm năng sẽ có nhiều cơ hội để tiếp xúc, học hỏi các kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Na Uy cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng và thực hiện các cam kết về khí hậu

Hướng đi mới cho phát triển ngành năng lượng điện gió tại Việt Nam
Bà Grete Løchen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Thay mặt Chính phủ Na Uy, bà Grete Løchen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam phát biểu chào mừng Hội nghị trong phiên khai mạc, trong đó nhấn mạnh tới xu thế chuyển dịch tất yếu trên toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

“Hội nghị sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng rất cần thiết này để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững. Phương pháp tiếp cận nhiều bên liên quan có ý nghĩa then chốt và sẽ cung cấp các thông tin có cơ sở để các cơ quan nhà nước xây dựng các phương án chính sách hiệu quả và có thể dự đoán”, Đại sứ Løchen bày tỏ hy vọng.

Cũng tại Hội nghị, quản lý cấp cao của các doanh nghiệp tiêu biểu đến từ Na Uy (Equinor, Mainstream Renewable Power, DNV và Scatec) đã tham gia vào các phiên thảo luận và chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm của mình về các vấn đề như: Đấu giá; Tài chính Dự án & Quản lý Tài sản; Mua bán & Sáp nhập, Đầu tư & Huy động vốn; Chứng nhận, Tiêu chuẩn hóa và Phát triển nguồn nhân lực; Tối ưu hóa sản xuất điện trong trang trại gió (Thiết kế tuabin, Đánh giá tài nguyên, Định vị, Công nghệ dự báo).

Chia sẻ về tiềm năng trong lĩnh vực điện gió của Na Uy, các Công ty đến từ Nam Uy cho rằng, giống như Việt Nam, Na Uy cũng có đường bờ biển dài, nguồn gió ngoài khơi dồi dào và ngành công nghiệp dầu khí phát triển. Na Uy cũng dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Với kinh nghiệm chuyên môn lâu đời về hàng hải và các hoạt động ngoài khơi, Na Uy đang ở một vị trí có một không hai để đóng góp vào thị trường gió ngoài khơi đang ngày càng phát triển. Các công ty và cụm công nghiệp của Na Uy đang tận dụng những kiến ​​thức chuyên môn ngoài khơi đặc biệt là những kinh nghiệm, kỹ năng và kiến ​​thức xây dựng các công trình trên biển của mình, để khẳng định vị thế của mình trên thị trường điện gió ngoài khơi toàn cầu.

Ông Arne-Kjetil Lian, Tham tán Thương mại Na Uy, Giám đốc Innovation Norway cho biết “Phát triển điện gió ngoài khơi đòi hỏi công nghệ, điều vốn là thế mạnh của các công ty Na Uy. Sở hữu năng lực đẳng cấp thế giới về đổi mới, công nghệ và các giải pháp công nghiệp quy mô lớn nhằm xúc tiến các phương án mới có tính cạnh tranh mới để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, các công ty Na Uy sẵn sàng hợp tác cùng các đối tác trong nước thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và công nghệ để giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng và thực hiện các cam kết về khí hậu trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris và COP26, đồng thời góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam”.

Cơ hội và thách thức phát triển ngành năng lượng điện gió tại Việt Nam

Đại sứ, Tham tán thương mại Na Uy và đại diện của các công ty Na Uy
Đại sứ Na Uy, Tham tán thương mại Na Uy và đại diện của các doanh nghiệp đến từ Na Uy thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác và phát triển, sát cánh cùng Việt Nam

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh phát triển năng lượng bền vững đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng năng lượng lâu dài khi các nguồn nguyên liệu khác như than đá hay dầu khí đang dần cạn kiệt; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Việt Nam với lợi thế đường bờ biển dài hơn 3000 km và khí hậu cận nhiệt đới gió mùa được xem là quốc gia có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển điện gió.

Hiện nay, Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi với nhiều cơ hội và thách thức trong việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững. Với tiềm năng công suất gió lên tới hàng chục GW trên đất liền và ngoài khơi, với đường bờ biển dài và nguồn gió thuận lợi, Việt Nam đang được xem là quốc gia dẫn đầu về năng lượng gió ngoài khơi tại khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2030, Việt Nam có thể lắp đặt 10 GW điện gió ngoài khơi để đáp ứng các như cầu về điện trong sinh hoạt và trong phát triển kinh tế. Để có thể vận hành và thực hiện các dự án về nguồn năng lượng tái tạo này, Việt Nam đang tập trung xây dựng các chính sách ổn định và mạnh mẽ để phát triển tối đa tiềm năng vốn có về điện gió.

Tháng 10 năm nay, Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội đã trao tặng Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam ấn phẩm “Báo cáo Nghiên cứu chuỗi cung ứng cho phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng” ngay trước chuyến công tác của Bộ trưởng sang dự COP 26.

Báo cáo đưa ra một cái nhìn tổng quan về toàn bộ chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp gió ngoài khơi của Việt Nam gồm các công ty chủ chốt, hiện trạng, lợi thế và những khoảng trống còn lại, kèm với đó là các khuyến nghị về những gì Việt Nam có thể ưu tiên để kích thích sự phát triển của chuỗi cung ứng trong nước mạnh mẽ, qua đó tạo công ăn việc làm cho lao động có tay nghề cao và thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường điện gió khác. Báo cáo cũng nêu bật các cơ hội mà điện gió ngoài khơi mang lại cho các nhà cung cấp Việt Nam và xác định các lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các công ty Na Uy có thể hợp tác với các đối tác Việt Nam để xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi, sản xuất điện với chi phí thấp hơn và từng bước làm cho năng lượng tái tạo trở nên hợp lý cho tất cả mọi người.

Tại Hội thảo đã diễn ra nhiều phiên thảo luận tập trung về về thách thức hiện tại của sự phát triển năng lượng gió tại Việt Nam và Đông Nam Á, vai trò của ngành năng lượng gió trong các ngành năng lượng tại Việt Nam, câu chuyện về những mảnh ghép còn thiếu trong khuôn khổ chính sách và tài chính là cơ hội để năng lượng gió phát huy hết tiềm năng ở Việt Nam…

Hội thảo hy vọng đóng góp nhiều thông tin bổ ích và quý báu cho Việt Nam trong việc mở rộng hợp tác đầu tư toàn cầu trong lĩnh vực này, đồng thời là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng các chính sách hỗ trợ cho phát triển của ngành năng lượng điện gió tại Việt Nam; qua đó góp phần khai thác triệt để những tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt giải quyết vấn đề căn bản là thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững./.