Tóm tắt

Bên cạnh Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), khung khổ điều chỉnh quan hệ thương mại Việt Nam - Hàn Quốc còn được bổ sung thêm bởi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). RCEP được kỳ vọng là chất xúc tác gia tăng thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác khu vực, trong đó có Hàn Quốc. Bài viết đề cập đến thực trạng, triển vọng thương mại Việt Nam - Hàn Quốc và đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Hàn Quốc trong điều kiện thực hiện RCEP, hướng đến mục tiêu tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 150 tỷ USD vào năm 2030.

Từ khóa: xuất khẩu, Việt Nam, Hàn Quốc, RCEP

Summary

In addition to the ASEAN - Korea Free Trade Agreement (AKFTA) and the Vietnam - Korea Free Trade Agreement (VKFTA), the framework governing Vietnam - Korea trade relations is also supplemented by Regional Comprehensive Economic Partnership (RCEP). RCEP is expected to be a catalyst to increase trade and investment between Vietnam and regional partners, including Korea. The article discusses the current situation and prospects of Vietnam - Korea trade and proposes some solutions to promote the export of goods from Vietnam to Korea under the implementation of RCEP, aiming at the target of reaching a total bilateral trade turnover of 150 billion USD by 2030.

Keywords: Export, Vietnam, Korea, RCEP

ĐẶT VẤN ĐỀ

RCEP là hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN với 5 đối tác mà ASEAN hiện có FTA (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand). Sau Vòng đàm phán đầu tiên được khởi động tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 2011 tại Indonesia và bắt đầu đàm phán tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 2012 tại Campuchia, RCEP có hiệu lực vào ngày 01/01/2022 với 10 bên ban đầu là: Australia, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, New Zealand, Singapore, Thái Lan, Việt Nam. RCEP sau đó có hiệu lực với Hàn Quốc vào ngày 01/02/2022, Malaysia ngày 18/3/2022, Indonesia vào ngày 02/01/2023 và Philippines vào ngày 02/6/2023.

Sự ra đời của RCEP đã tạo ra một thị trường rộng lớn với 2,3 tỷ người tiêu dùng, chiếm 30% dân số thế giới và tổng quy mô GDP ước khoảng 38.813 tỷ USD, chiếm 30% GDP toàn cầu. Đây cũng là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với các cam kết mở cửa thị trường về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi thương mại. Mục tiêu của RCEP là loại bỏ gần 90% thuế quan trong vòng 20 năm, thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, quyền sở hữu trí tuệ. Với các quy tắc xuất xứ chung thống nhất, RCEP sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chuỗi cung ứng quốc tế giao thương trong khu vực. Nhìn rộng hơn, RCEP sẽ là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế các nước thành viên với vai trò là liên kết kinh tế khu vực trong tiến trình toàn cầu hóa kinh tế.

Việt Nam được dự báo là một trong những thành viên hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP. Theo World Bank, với kịch bản lạc quan nhất, trong giai đoạn 2020-2035, khi mức thuế xuất khẩu ưu đãi trung bình từ các thành viên dành cho Việt Nam giảm từ 0,6% xuống 0,1% và mức thuế nhập khẩu trung bình vào Việt Nam giảm từ 0,8% xuống 0,2%, tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam có thể đạt tương ứng 11,4% và 9,2%. RCEP giúp Việt Nam gia tăng cơ hội tiếp cận đầy đủ, toàn diện hơn với thị trường các đối tác lớn của Việt Nam trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản và nhất là Hàn Quốc. Gia tăng thương mại Việt Nam – Hàn Quốc cũng sẽ là bước đi để hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hai bên xác lập tháng 12/2022.

CAM KẾT THUẾ QUAN CỦA VIỆT NAM VÀ HÀN QUỐC TRONG RCEP

Sau khi RCEP có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình, trong đó có các cam kết cắt bỏ thuế quan. Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình (sau 20 năm) Việt Nam sẽ xóa bỏ gần 90% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi đó, các đối tác sẽ xóa bỏ khoảng 90%-92% số dòng thuế cho Việt Nam. Các nước ASEAN sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ số dòng thuế cho Việt Nam.

- Cam kết thuế Việt Nam với Hàn Quốc: Việt Nam sẽ thực hiện cắt giảm ngay 65,3% số dòng thuế cho Hàn Quốc, con số này ở cuối lộ trình (15 năm sau) là 86,7%. Với một số nhóm hàng Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn từ Hàn Quốc, tỷ lệ dòng thuế xóa bỏ ở cuối lộ trình là 90,6% với máy móc thiết bị; 27,3% với ô tô; 20% với đồ uống; 88,2% với đồ nhựa; 78,2% với các loại thịt sống...

- Cam kết thuế Hàn Quốc với Việt Nam: Nếu ở AKFTA và VKFTA, số dòng thuế ưu đãi cắt giảm cuối lộ trình lần lượt là 91,3% và 95,4% thì trong cam kết RCEP, Hàn Quốc sẽ cắt giảm ngay 64,1% số dòng thuế cho Việt Nam, con số này ở cuối lộ trình (20 năm) là 90,7%. Cam kết chính với một số nhóm hàng như Bảng 1.

Bảng 1: Ưu đãi thuế Hàn Quốc dành cho một số nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam trong RCEP

Nhóm sản phẩm

Tỷ lệ dòng thuế xóa bỏ ngay (%)

Tỷ lệ dòng thuế xóa bỏ đến cuối lộ trình (%)

Lộ trình tối đa cắt giảm thuế (năm)

Đồ gỗ (HS44, phân nhóm HS940330 đến HS940360

30

81,8

20

Rau quả (HS7, HS8, HS20)

0,6

39,3

20

Thủy sản (HS03, Nhóm HS1604, HS1605)

10,5

83,1

20

Giày dép (HS64)

94,2

94,2

Cắt giảm ngay

Dệt may (HS50 đến HS63)

90,9

92,6

20

Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ Phụ lục I, Văn kiện Hiệp định RCEP

THỰC TRẠNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – HÀN QUỐC SAU KHI RCEP CÓ HIỆU LỰC

Trên nền của AKFTA và VKFTA, thương mại Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng. Giai đoạn 2007-2021, quy mô thương mại đã tăng 11,86 lần, từ 6,58 tỷ USD lên 78,1 tỷ USD. Đặc biệt, tăng trưởng xuất nhập khẩu là điểm chính trong thương mại song phương giai đoạn này. Năm 2008, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9, thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam và là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Sự tăng trưởng đột biến của thương mại song phương chỉ thực sự bắt đầu từ năm 2015 khi VKFTA có hiệu lực. Tăng trưởng nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt kỷ lục 27,4% năm 2015 và 45,5% năm 2017. Sau thời kỳ chịu tác động của Covid-19, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Hàn Quốc tiếp tục tăng, đạt 78,1 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2020.

Năm 2022, năm đầu tiên thực hiện cam kết RCEP, quy mô thương mại Việt Nam – Hàn Quốc cán mốc 86,4 tỷ USD, tăng 10,4% so với năm 2021. Trong đó: xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 24,3 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2021 và chiếm 6,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập 62,1 tỷ USD hàng hóa từ Hàn Quốc, tăng 10,3% so với năm 2021 và chiếm khoảng 17,29% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Số liệu này tiếp tục củng cố vị trí của Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Mỹ và Trung Quốc. Nếu nhìn từ phía Hàn Quốc, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Hàn Quốc với tỷ trọng 8,8% và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 6 của Hàn Quốc với tỷ trọng 3,9%.

Trong khuôn khổ RCEP, năm 2021, thương mại Việt Nam – Hàn Quốc chiếm 21,08% tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước RCEP. Tuy nhiên, năm 2022, con số này tăng nhẹ lên mức 21,18%, với tỷ trọng xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt là 16,59% và 23,75%. Đây có thể là tín hiệu đáng mừng trong xuất - nhập khẩu Việt Nam – Hàn Quốc trong năm đầu thực hiện RCEP. Theo thống kê Hải quan, lũy kế 10 tháng năm 2023, thương mại song phương đạt 62,65 tỷ USD, bằng 72,51% tổng kim ngạch năm 2022 (Hình 1).

Hình 1: Thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc

Khai thác lợi thế xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc trong điều kiện thực thi hiệp định RCEP
Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ Niên giám Thống kê và Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam (Bộ Công Thương)

Về cơ cấu hàng hóa, luồng thương mại từ Việt Nam sang Hàn Quốc và ngược lại phản ánh mô hình thương mại thông thường giữa một nước phát triển và một nước đang phát triển. Hầu hết mặt hàng của Hàn Quốc xuất đều là mặt hàng chế tạo. Tuy nhiên, qua thời gian, cấu trúc thương mại hai nước có sự dịch chuyển trong nhóm các sản phẩm sơ chế và chế tạo. Tỷ trọng nhóm sản phẩm chế tạo, sản xuất sử dụng công nghệ cao trong cơ cấu thương mại có xu hướng gia tăng.

Về xuất khẩu, cơ bản vẫn là các mặt hàng có thế mạnh truyền thống của Việt Nam, như: giầy dép, dệt may, thủy sản, đồ gỗ. Tuy nhiên, nhóm sản phẩm điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính và linh kiện có sự gia tăng mạnh về giá trị cùng với sự gia tăng luồng vốn FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam. Năm 2022, xuất khẩu sản phẩm sử dụng công nghệ cao của Việt Nam sang Hàn Quốc chiếm 46% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường này, tương đương mức của năm 2021 trong khi xuất khẩu hàng hóa sử dụng công nghệ trung bình và thấp lần lượt là 16% và 25%. Về mặt hàng cụ thể: Điện thoại các loại và linh kiện đạt kim ngạch 5 tỷ USD, chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Hàn Quốc; tiếp đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (3,4 tỷ USD), hàng dệt, may (3,3 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (2,7 tỷ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (1 tỷ USD), thủy sản (949,7 triệu USD)… Đây cũng là các mặt hàng hiện dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng năm 2023. Điều đáng nói là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã đạt quy mô bằng 117,35% so với cả năm 2022.

Về nhập khẩu, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu, như: vải và nguyên phụ liệu dệt may; chất dẻo, chất dẻo nguyên liệu; điện thoại và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; máy vi tính và sản phẩm điện tử, linh kiện. Nhóm các sản phẩm này ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc. Năm 2022, đa số mặt hàng đều có tốc độ tăng so với năm 2021, cụ thể: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (23,2 tỷ USD, tăng 14,3%), điện thoại các loại và linh kiện (11,5 tỷ USD, tăng 7,2%), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (6,2 tỷ USD, tăng 2,1%), xăng dầu các loại (3,4 tỷ USD, tăng 237,6%), chất dẻo nguyên liệu (2,7 tỷ USD, tăng 14,4%)… Trong 10 tháng năm 2023, Việt Nam nhập 43 tỷ USD hàng hóa từ Hàn Quốc, trong đó có 7 nhóm/mặt hàng có quy mô trên 1 tỷ USD, đứng đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (23,04 tỷ USD).

TIỀM NĂNG XUẤT KHẨU HÀNG HÓA VIỆT NAM SANG HÀN QUỐC

Tiềm năng và lợi thế hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc thời gian tới có thể nhìn nhận trên các khía cạnh sau:

(i) Lợi thế so sánh hiện hữu (chỉ số RCA): Lợi thế so sánh của Việt Nam chủ yếu từ điều kiện tự nhiên, tài nguyên, nguồn nhân lực (Bảng 2). Trong xuất khẩu sang Hàn Quốc, các mặt hàng có lợi thế so sánh (RCA >1) tập trung ở 6 nhóm lớn: HS01-05, HS23-38, HS44-49, HS50-63, HS64-67, HS84-84 với chỉ số RCA dao động từ 1,14 đến 4,82. Đây cũng là các nhóm hàng Việt Nam có lợi thế trong xuất khẩu ra thế giới, chỉ khác ở nhóm sản phẩm thực vật và sản phẩm da. Nếu xét với phân loại nhóm 2 chữ số theo phân loại HS2022, có tới 31/99 nhóm có RCA >1. Một số nhóm có RCA rất cao, có thể kể đến như: HS62- Quần áo và hàng may mặc phụ trợ, không dệt kim hoặc móc (6,22); HS44- Gỗ và các mặt hàng bằng gỗ, than từ gỗ (6,16); HS63- Các mặt hàng dệt đã hoàn thiện khác, bộ vải, quần áo dệt cũ và các loại hàng dệt cũ khác, vải vụn (6,05); HS52-bông (5,61); HS64- Giầy, dép, ghệt và các sản phẩm tương tự (4,86); HS14- Nguyên liệu thực vật dùng để tết bện (4,78); HS16- Các chế phẩm từ thịt, cá hay động vật giáp xác, động vật thân mềm hoặc động vật thủy sinh không xương sống khác (4,48); HS59 (4,29), HS61 (4,19), HS03 (3,66), HS13 (3,3)… Nếu xét với phân loại theo nhóm 4 chữ số, có 276 mặt hàng có RCA >1, top 5 gồm có: HS1203, HS0714, HS8002, HS0906, HS4401. Nếu xét với phân loại theo nhóm 6 chữ số, có 893 mặt hàng có RCA ≥1. Xếp đầu gồm có: HS010611, HS030299, HS030459, HS030531, HS030564, HS071450, HS120300.

Bảng 2: Lợi thế so sánh hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc năm 2022

Nhóm hàng hóa (HS code 2022)

% trong tổng XK Việt Nam sang Hàn Quốc

RCA

01-05_ Động vật sống và sản phẩm từ động vật

2,93

1,17

06-15_ Sản phẩm thực vật

2,19

0,99

16-24_Thực phẩm chế biến, đồ uống, thuốc lá

2,02

0,88

25-26_Khoáng sản

0,1

0,03

27_Nhiên liệu khoáng

0,86

0,06

28-38_Hóa chất

1,66

1,14

39-40_Nhựa và cao su

2,2

0,76

41-43_Da

0,44

0,47

44-49_Gỗ

3,76

2,88

50-63_Nguyên liệu dệt may, hàng dệt may

17,57

4,82

64-67_Giầy dép, mũ và sản phẩm đội đầu

3,21

4,22

68-71_Sản phẩm đá, thủy tinh

0,65

0,24

72-83_Kim loại cơ bản

5,71

0,7

84-85_Máy móc, thiết bị cơ khí và điện tử

51,98

1,74

86-89_Phương tiện vận tải

1,25

0,25

90-99_Các mặt hàng khác

3,48

0,46

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ dữ liệu UNCOMTRADE (2023)

(ii) Tính bổ sung trong cơ cấu thương mại (Chỉ số TCI): Chỉ số TCI trong cơ cấu hàng hóa của Việt Nam với Hàn Quốc có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Về phương diện xuất khẩu, trong hơn 10 năm qua, chỉ số TCI của Việt Nam với Hàn Quốc xoay quanh 50, tức là vẫn ở trạng thái vừa có tính bổ sung, vừa có tính cạnh tranh. Chỉ số TCI ghi nhận mức cao nhất vào năm 2020 với TCI = 52,27. Năm 2021 và 2022, chỉ số này tương ứng là 51,33 và 49,81. Về phương diện nhập khẩu, Hàn Quốc có thể được xem là quốc gia có mức độ bổ sung với hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam rất cao. Xu hướng gia tăng đều của TCI có thể nhận thấy rõ nét. Từ năm 2008 đến năm 2022, chỉ số TCI thường trên 60. Đặc biệt, từ năm 2011, chỉ số này vượt trên 70 và hiện đạt 76,47 – mức cao nhất so với các thành viên RCEP.

Sự gia tăng của chỉ số TCI cho thấy, mức độ tương thích lớn trong cơ cấu thương mại giữa Việt Nam với Hàn Quốc - cơ cấu xuất - nhập khẩu của 2nước bổ sung cho nhau và ít có sự cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm do doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc sản xuất, bao gồm: điện thoại và linh kiện, máy tính, sản phẩm và linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị và phụ tùng cũng như một số sản phẩm Việt Nam có thế mạnh, như: nông thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, da giày, nội thất. Mặt khác, Hàn Quốc là nhà cung cấp lớn thứ 2 cho Việt Nam về linh kiện, phụ tùng, máy móc thiết bị, nguyên liệu là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế tạo. Điều này cũng phù hợp với xu hướng gia tăng thương mại hai chiều thời gian qua, đặc biệt là nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc. Chỉ số TCI ở mức cao cũng cho thấy triển vọng mở rộng quan hệ song phương thời gian tới là khả quan.

(iii) Chỉ số Herfindahl-Hirschman (HHI): Chỉ số tập trung mặt hàng là thước đo sự phân tán giá trị thương mại trên các mặt hàng của nước xuất khẩu. Chỉ số này biến động trong khoảng từ 0 đến 1. Một quốc gia có giá trị thương mại vượt trội tập trung vào một số ít mặt hàng sẽ có giá trị chỉ số gần bằng 1. Đây là chỉ báo cho thấy khả năng dễ bị tổn thương của nước xuất khẩu trước các cú sốc thương mại. Đo lường theo thời gian, sự giảm chỉ số HHI về 0 có thể là dấu hiệu cho thấy sự đa dạng hóa trong hồ sơ thương mại của nước xuất khẩu.

Với Việt Nam, chỉ số HHI trong xuất khẩu sang Hàn Quốc giai đoạn 2018-2022 tính trung bình cho tất cả các nhóm HS 2 chữ số đều dưới 0,05 (Hình 2). Cụ thể: Năm 2018 là 0,0473 với 2.342 mặt hàng; năm 2020 là 0,0441 với 2.371 mặt hàng; Năm 2021 là 0,0356 với 2.329 mặt hàng; Năm 2022, chỉ số HHI của Việt Nam với Hàn Quốc là 0,0304, cao hơn 0,01 điểm so với HHI của Việt Nam với thế giới. Tuy nhiên, với 2.349 mặt hàng ở thị trường Hàn Quốc, con số này bằng 58,95% tổng số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Số mặt hàng ở một số nhóm hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc có chỉ số HHI thấp có thể kể đến như: HS50-63 (492 mặt hàng), HS84-85 (447 mặt hàng), HS72-83 (291 mặt hàng), HS90-99 (198 mặt hàng)…

Hình 2: Chỉ số Herfindahl-Hirschman của các nhóm hàng xuất khẩu Việt Nam sang Hàn Quốc,

giai đoạn 2018-2022

Khai thác lợi thế xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc trong điều kiện thực thi hiệp định RCEP
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ dữ liệu UNCOMTRADE (2023)

Theo dữ liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), các thị trường có tiềm năng lớn nhất cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam thời gian tới là Đông Á, Bắc Mỹ, EU và Tây Âu. Tuy nhiên, Đông Á cho thấy sự khác biệt tuyệt đối lớn nhất giữa xuất khẩu tiềm năng và thực tế về mặt giá trị, tạo cơ hội cho xuất khẩu bổ sung trị giá 108 tỷ USD giai đoạn đến 2028, trong đó Hàn Quốc là 15 tỷ USD. Trên thị trường Hàn Quốc, bên cạnh phân tích về sự đa dạng xuất khẩu cho các nhóm hàng mã HS 2 chữ số như trên, nếu đi vào từng mặt hàng cụ thể, mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu lớn nhất từ Việt Nam sang Hàn Quốc là các mạch tích hợp điện tử làm bộ xử lý/bộ điều khiển (HS854231); Bộ phận của điện thoại và các thiết bị truyền âm thanh, hình ảnh khác (HS85xxxa); Máy truyền, nhận, xử lý dữ liệu chưa được phân loại (HS851762); Bộ dây điện (đánh lửa) cho xe ô tô (HS854430); Gạo lứt hoặc gạo nâu (HS100620); Giày dép, đế và mũ giày bằng da tổng hợp/cao su/nhựa (HS640399)… Nếu xét về nhu cầu thị trường Hàn Quốc, các sản phẩm có nhu cầu cao nhất thuộc nhóm HS85. Nếu xét về năng lực cung ứng cao nhất của Việt Nam cho thị trường Hàn Quốc, top 5 phải kể đến nhóm hàng dệt may (HS640411, HS620343, HS640399), tiếp đến là máy móc thiết bị cơ khí (mã HS85xxxa) và đồ gỗ (mã HS4401xb) (Bảng 3).

Bảng 3: 15 mặt hàng Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu sang Hàn Quốc

Mã HS

Tiềm năng xuất khẩu (tỷ USD)

Nhập khẩu của Hàn Quốc năm 2022 (tỷ USD)

Xuất khẩu của Việt Nam năm 2022 (tỷ USD)

Thuế suất Hàn Quốc áp cho Việt Nam (%)

854231

4,6

15

21

0

85XXXa

3,7

8,2

30

-

851762

0,939

2,9

13

0

854430

0,86

2

3

0

100620

0,605

0,311

0,044

513

640399

0,52

0,679

4,7

0

847330

0,506

2,7

7,2

0

852872

0,434

0,971

2,4

0

640411

0,377

0,333

6,8

0

620343

0,314

0,411

1,6

0

0307Xc

0,304

0,392

0,253

-

4401Xb

0,289

0,513

0,589

-

611020

0,280

0,474

2,5

0

850440

0,254

1,7

2,1

0

0306Xa

0,25

0,523

2,1

-

Nguồn: Tổng hợp và tính toán của nhóm tác giả từ dữ liệu của ITC (2023)

GIẢI PHÁP KHAI THÁC LỢI THẾ, TẬN DỤNG ƯU ĐÃI TỪ RCEP GIA TĂNG XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM SANG HÀN QUỐC

Để tận dụng cam kết thuế trong RCEP và cam kết trong các FTA mà Việt Nam là bên tham gia với Hàn Quốc, trong thời gian tới, bên cạnh các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, bộ, ngành liên quan, cần có sự chủ động, tích cực của doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng vào một số giải pháp trọng tâm sau:

Về phía Chính phủ và các bộ, ngành

Triển khai và hiện thực hóa khuôn khổ hợp tác toàn diện hiện có với Hàn Quốc, thực hiện cơ chế đối thoại song phương với Hàn Quốc nhằm tháo gỡ các rào cản thương mại liên quan đến cơ chế, chính sách. Tăng cường trao đổi thông tin hai chiều ở cấp chính phủ nhằm xử lý các vấn đề phát sinh trong quan hệ thương mại với Hàn Quốc.

Chỉ đạo nghiên cứu chính sách Phương Nam mới và Phương Bắc mới của Hàn Quốc để có những điều chỉnh phù hợp trong tiến trình thực hiện RCEP.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt “Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP” được Thủ tướng phê duyệt ngày 04/01/2022: tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về cam kết của Việt Nam, Hàn Quốc trong RCEP; bên cạnh đó, sử dụng hiệu quả đầu mối thông tin về RCEP để cung cấp tin, dự báo về thị trường Hàn Quốc cho doanh nghiệp; phối hợp với các bên hữu quan Hàn Quốc trong quá trình thực hiện; xây dựng các chương trình, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị khu vực cho các ngành hàng Việt Nam có tiềm năng mở rộng xuất khẩu nhiều nhất trên thị trường Hàn Quốc như đồ da và quần áo, thiết bị điện và máy móc, hàng dệt may.

Hàn Quốc hiện là 1 trong các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Việt Nam hiện cũng là mắt xích chủ yếu trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Hàn Quốc. Vì vậy, với các cam kết thuế trong RCEP và các FTA đã có, Chính phủ cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để tạo hiệu ứng khuếch đại thương mại và đầu tư từ Hàn Quốc, gia tăng xuất khẩu sang Hàn Quốc khi thực thi RCEP. Đặc biệt, lưu ý đến nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc; triển khai hiệu quả phát triển chuỗi cung ứng linh kiện, phụ tùng ô tô giữa hai nước; khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào các lĩnh vực dệt may, da giầy, đồ gỗ, điện tử, chế biến nông thủy sản để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ giữa hai nước…

Tạo thuận lợi về hải quan, quy tắc xuất xứ, đơn giản hóa thủ tục liên quan đến chứng nhận xuất xứ hàng hóa… tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Xử lý vấn đề kết nối cho doanh nghiệp thông qua việc cập nhật, nâng cấp cổng thông tin FTA, kết nối tới tất cả các website của các bộ, ngành, hiệp hội. Các bộ, ngành, địa phương liên quan tích cực tìm giải pháp đa dạng hóa sản phẩm nhằm đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, đặc biệt thông qua các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp

Để tận dụng lợi ích do RCEP đem lại, doanh nghiệp cần nắm được “luật chơi” và có “cách chơi” phù hợp. Doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tìm hiểu cam kết chung và cam kết cụ thể của Việt Nam và Hàn Quốc trong RCEP để nắm bắt cơ hội, xây dựng kế hoạch hành động phù hợp, chủ động ứng phó những khó khăn có thể gặp phải. Tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền về các FTA với Hàn Quốc (VKFTA, AKFTA, RCEP) để có sự tương tác hiệu quả với các cơ quan chức năng nhằm tiếp cận thành công thị trường Hàn Quốc.

Tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế từ RCEP năm 2022 chỉ đạt 0,67% trong khi với AKFTA và VKFTA là 50,9%. Lý do cơ bản là các đối tác trong RCEP đều đã có FTA với Việt Nam và các bên đang thực hiện cắt giảm, xóa bỏ thuế quan. Tuy nhiên, ưu thế của RCEP là đưa ra quy định về hài hòa và đơn giản hóa quy tắc xuất xứ hàng hóa. Vì vậy, dù thuế ưu đãi trong thời gian đầu thực thi RCEP có thể không tốt bằng các FTA đã có song doanh nghiệp Việt Nam có thêm lựa chọn để xuất khẩu sang Hàn Quốc. Tùy trường hợp cụ thể, doanh nghiệp cần chủ động lựa chọn áp dụng FTA, xác định mức thuế quan, quy tắc xuất xứ nào phù hợp nhằm có được mức ưu đãi thuế quan cao nhất trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Tận dụng tốt quy tắc xuất xứ có thể giúp doanh nghiệp tận dụng nguồn nguyên liệu đa dạng từ các thành viên RCEP, tăng cường khả năng xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, tập trung ở các khía cạnh: đáp ứng tiêu chuẩn và thị hiếu người tiêu dùng Hàn Quốc, giá cả, thương hiệu, chất lượng sản phẩm. Tập trung đầu tư công nghệ, xây dựng sản phẩm chiến lược cho thị trường Hàn Quốc, xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp, linh hoạt để theo kịp những thay đổi của thị trường, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử trên nền tảng trực tuyến. Có giải pháp tham gia vào chuỗi sản xuất, mạng lưới phân phối của doanh nghiệp Hàn Quốc để tận dụng thế mạnh thị trường. Điều này góp phần tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức để từng bước chiếm lĩnh thị trường Hàn Quốc./.

TS. Dương Hoàng Anh, TS. Lê Nguyễn Diệu Anh

Trường Đại học Thương mại

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Công Thương (2023), Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2022, Nxb Hồng Đức.

2. Toàn văn Hiệp định RCEP, https://vntr.moit.gov.vn/vi/fta/25/0

3. Tổng cục Thống kê (2022-2023), Niên giám Thống kê các năm 2021, 2022, Nxb Thống kê.

4. Trung tâm WTO và hội nhập (2021), Cẩm nang doanh nghiệp Tóm lược Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP, Nxb Công thương, Hà Nội.