Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất đánh giá, việc xây dựng, trình Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 phù hợp với các quy định của pháp luật; thống nhất với nội dung chính của dự thảo Quy hoạch. Các đại biểu đề xuất, kiến nghị một số nội dung cụ thể vào Quy hoạch để đảm bảo tính toàn diện, tổng thể, liên thông, bền vững.
Ngày 22/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2022 |
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đây là lần đầu tiên xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia. Quy hoạch đã bám sát, bảo đảm thống nhất với các quy định có liên quan; các định hướng lớn của Quy hoạch đã bám sát và thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu phát triển, định hướng phân bổ không gian các hoạt động kinh tế - xã hội của quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thủ tướng nhận định, nội dung của báo cáo Quy hoạch về cơ bản đã xem xét đến tính hợp lý, logic giữa các hợp phần; các vấn đề có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng đã được tích hợp và được xử lý, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Nội dung báo cáo đánh giá môi trường chiến lược cơ bản đáp ứng các yêu cầu theo quy định của các luật.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo ý kiến tham gia của thành viên Chính phủ và đúng theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến vấn đề phân cấp, phân quyền và phân bổ nguồn lực trong quản lý quy hoạch.
"Quy hoạch đảm bảo dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, dễ đánh giá; sớm trình cấp có thẩm quyền theo quy định của Đảng và Nhà nước", Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050./.
Bình luận